Kinh tế

Trồng cây ăn trái 'hái ra tiền'

Lệ Chi 16/05/2024 - 06:15

Sau chưa đầy 5 năm thành lập, nhờ không ngừng thay đổi cách nghĩ, cách làm, HTX cây ăn quả và chế biến nông sản Tân Hưng, xã Tân Hưng, TP.Hưng Yên đang liên tục gặt hái thành công, trở thành điểm tựa nâng cao thu nhập cho thành viên.

Ra đời và phát triển tại một trong những địa phương được mệnh danh là “thủ phủ” trồng cây ăn quả của tỉnh Hưng Yên, ngay từ khi thành lập, HTX Tân Hưng đã xác định mục tiêu thúc đẩy liên kết để đưa nông sản thế mạnh vươn xa tại thị trường trong nước và quốc tế.

Hoàn thiện sản xuất

Để hiện thực hóa mục tiêu, các thành viên HTX tập trung nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu, đồng thời đầu tư mạnh tay cho công nghệ chế biến. Hiện, 100% sản phẩm của HTX được chế biến dưới nhiều hình thức khác nhau trước khi tiêu thụ.

1156-1715674332_1200x0.jpg
Nhãn đang là cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân Hưng Yên.

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hoàng Văn Mười cho biết, sản phẩm chủ lực của HTX có thể kể đến long nhãn, hạt sen, bột sắn… Mỗi sản phẩm dù nhỏ đều có tem mác, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời góp phần nâng cao thương hiệu.

Sự đầu tư mạnh trong phát triển nguồn nguyên liệu và công nghệ chế biến đã và đang giúp HTX Tân Hưng hái “quả ngọt”. Đến nay, HTX có 108 thành viên, là một trong những HTX có số lượng thành viên đông nhất trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Mỗi năm, HTX chế biến được trên dưới 500 tấn long nhãn, 150 tấn hạt sen, cùng hơn 30 tấn mật ong, trên 10 tấn bột sắn…

Hiện, HTX duy trì trồng hơn 21,5 ha nhãn, gần 10 ha chuối, 100% sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Thu nhập của các thành viên trong HTX liên tục tăng lên, bình quân đạt 100 - 200 triệu đồng/năm, không ít thành viên có thu nhập 300 - 500 triệu đồng/năm. Một số thành viên tiêu biểu có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.

Cùng nằm trên địa bàn xã Tân Hưng, HTX cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng cũng là một trong những lá cờ đầu trong phát triển mô hình trồng cây ăn quả, góp phần thúc đẩy kinh tế, giảm nghèo, làm giàu cho thành viên, nông dân liên kết.

Với mục tiêu thay đổi tư duy, hỗ trợ người dân áp dụng khoa học, kỹ thuật trong trồng nhãn, năm 2017, HTX Quyết Thắng được thành lập, với 17 thành viên tham gia.

Từ khi thành lập đến nay, HTX tập trung phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết, hỗ trợ thành viên, người dân địa phương trong quá trình sản xuất, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, tăng thu nhập cho thành viên, người dân địa phương.

Ông Trần Văn Mý, Giám đốc HTX Quyết Thắng, cho hay ngay từ khi thành lập, HTX đã đề cao tôn chỉ hoạt động trên nền tảng khoa học kỹ thuật cao để tạo ra những sản phẩm chất lượng, giàu sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong nước và xuất khẩu.

Theo đó, HTX chủ động hướng dẫn, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thành viên, hộ nông dân liên kết, phát triển sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ. Đặc biệt, HTX luôn kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm theo nguyên tắc “4 đúng”.

2893-1715674332_1200x0.jpg
Quả vải trứng là đặc sản của đất Hưng Yên, được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới mang lại giá trị kinh tế cao.

Nhờ hoàn thiện quy trình sản xuất, HTX hiện có trên 40 ha trồng nhãn theo quy trình VietGAP. Trung bình mỗi năm, HTX đưa ra thị trường 200 - 300 tấn nhãn tươi chất lượng cao; năng suất cao gấp 1,5 - 2 lần so với sản xuất thông thường.

Đáng chú ý, bên cạnh hoàn thiện sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, HTX Quyết Thắng còn chủ động kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ cho thành viên, nông dân địa phương.

Cụ thể, trước mỗi vụ thu hoạch, HTX đứng ra tổ chức họp các hộ dân tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ để quán triệt quy trình sản xuất, thu mua, thống nhất phương án thanh toán, giá cả. Nhờ đó, hoạt động liên kết giữa HTX và các hộ dân trong xã được duy trì ổn định nhiều năm nay. Mỗi năm, HTX liên kết tiêu thụ gần 200 tấn nhãn cho các hộ nông dân trong xã.

Bên cạnh nhãn, HTX Quyết Thắng đang mở rộng lĩnh vực sang trồng dược liệu và nuôi thả cá lồng trên sông Hồng. Đến nay, HTX duy trì nuôi thả 16 lồng cá với nhiều loại cá đặc sản như: Trắm, chép giòn, diêu hồng… HTX cũng có trên 5 ha cây dược liệu, sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu 100%. Trừ chi phí, mỗi sào trồng cây dược liệu cho thu lãi 8-10 triệu đồng/vụ.

Với sự chủ động, sáng tạo trong sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ, doanh thu trung bình của HTX Quyết Thắng đạt trên 5 tỷ đồng, thu nhập của thành viên đạt 300-500 triệu đồng/năm.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc liên kết, hỗ trợ người dân địa phương phát triển sản xuất, thời gian tới, HTX tiếp tục giữ vững, mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, OTAS; liên kết thêm với các hộ trồng nhãn trong vùng và với các doanh nghiệp, HTX có cùng lĩnh vực sản xuất trên địa bàn tỉnh để hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm; đồng thời tiếp tục mở rộng thêm 5 ha trồng cây dược liệu.

Sản xuất gắn với tiêu thụ

Không chỉ tại các HTX, với mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm nông sản, mở rộng diện tích sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, hướng đến đẩy mạnh xuất khẩu, ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã số vùng trồng, đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu.

Đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được hơn 14,6 nghìn ha sang trồng cây ăn quả, trong đó chủ lực là cây nhãn hiện có gần 5 nghìn ha, sản lượng hàng năm đạt 45 - 50 nghìn tấn. Diện tích trồng nhãn đạt tiêu chuẩn VietGAP có hơn 1,3 nghìn ha, cho sản phẩm chất lượng cao.

Toàn tỉnh hiện có 13 vùng trồng nhãn đã được cấp mã vùng xuất khẩu, trong đó có 2 vùng trồng nhãn được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Mỹ, 13 vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc, 4 khu vực đã được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Thị trường tiêu thụ nhãn quả tươi chủ yếu là trong nước qua các kênh như hàng quà tặng, các cửa hàng sạch, siêu thị, các chợ và xuất khẩu sang một số thị trường như Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông…

Đối với sản xuất và tiêu thụ vải, toàn tỉnh hiện trồng được gần 1,3 nghìn ha vải, trong đó có 117 ha trồng vải được thâm canh theo quy trình VietGAP, quản lý dịch hại tổng hợp; theo dõi, quản lý sâu đầu quả vải..., qua đó cho chất lượng cao hơn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Thị trường tiêu thụ vải đến nay vẫn chủ yếu tiêu thụ trong nước.

Thời gian tới, để phát huy những tiềm năng sẵn có, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tư vấn hỗ trợ tem nhãn, bao bì nhãn hàng hóa, mở rộng kênh phân phối qua việc bán hàng trực tuyến, trên các trang thương mại điện tử… Hình thành các chuỗi giá trị liên kết giữa các hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp, phát triển sản xuất lớn để nâng cao hiệu quả kinh tế, xóa nghèo, làm giàu cho người dân.

Lệ Chi