Người đàn ông H’Mông thoát nghèo nhờ bắt ‘đá nở hoa’
Táo bạo vay vốn ngân hàng mua hàng trăm cây ăn quả về trồng, ông Sùng A Thào (Mường Lát, Thanh Hoá) đã đổi vận, thoát nghèo.
Quyết tâm xin ra khỏi hộ nghèo
Gần 20 năm trước, gia đình ông Sùng A Thào (47 tuổi) cùng một số người Mông di cư từ tỉnh Sơn La về bản Suối Loóng (xã Tam Chung, huyện Mường Lát, Thanh Hoá) định cư.
Gia tài mang theo chỉ là mấy chiếc nồi đen nhẻm cùng vài bộ quần áo cũ. Bắt đầu cuộc sống ở vùng đất mới, vợ chồng ông Thào cũng mang cây ngô cây sắn lên nương trồng nhưng đói nghèo quanh năm bủa vây.
Nhiều lần ông Thào có ý định đưa gia đình di cư đến nơi khác nhưng được chính quyền xã, cán bộ Đồn biên phòng Tam Chung phân tích, vận động, ông tiếp tục ở lại.
Quyết tâm thoát nghèo, năm 2015, ông Thào từ bỏ cây ngô, cây sắn và chuyển sang mô hình trồng chuối nhưng hiệu quả không được như mong đợi.
Hai năm sau, trong một lần về quê Sơn La, ông Thào phát hiện giống nhãn Hưng Yên trồng ở đất quê ông cho hiệu quả kinh tế cao. Cơ duyên này khiến ông Thào nảy ra ý định đưa giống nhãn Hưng Yên về trồng trên mảnh đất toàn đá tai mèo nơi ông ở Mường Lát.
Một thời gian trồng thử nghiệm thấy thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, ông Thào đánh bạo vay 100 triệu đồng của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mường Lát, mua hơn 1.000 gốc nhãn và 200 giống cây ăn quả như mít, xoài, bưởi về trồng.
Ông tiếp tục vay 200 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở rộng vườn cây, trồng thêm 1.000 cây cau, hơn 300 cây dừa.
Ông Thào cho biết, trồng cây trên vùng đá tai mèo rất khó, cây sinh trưởng, phát triển chậm do độ ẩm thấp. Để cây không bị chết do thiếu nước, ông Thào đào ao, tích trữ nước tưới cho cây. Bên cạnh đó, ông dùng phân chuồng kết hợp với phân vô cơ bón cho cây đều đặn mỗi năm 3 lượt.
“Ban đầu, bà con trong bản ai cũng bảo tôi bị khùng rồi nghĩ đến đống nợ, nhiều lúc cũng lo lắng nhưng nhìn cây cứ sinh trưởng phát triển tôi lại tin mình sẽ thành công’’, ông Thào bộc bạch.
Người đàn ông H’Mông này không chỉ khiến bà con sửng sốt vì vay nợ trồng cây trên đá mà việc ông bất ngờ xin ra khỏi hộ nghèo cũng khiến họ không khỏi ngạc nhiên.
Theo ông Thào, dù nợ nần chồng chất, nhưng ông vẫn xin ra khỏi hộ nghèo để tiên phong, làm gương cho bà con. “Ra khỏi danh sách hộ nghèo để có động lực vươn lên thoát nghèo”, ông Thào nói.
Tấm gương điển hình làm kinh tế
Đất không phụ công người, sau gần 7 năm “khởi nghiệp”, giờ đây, gia đình ông Thào có khu đồi hơn 3 ha được bao phủ bởi màu xanh của nhãn, xoài, mít, bưởi. Mỗi ngày, ông Thào bận rộn với việc chăm bón những gốc nhãn, xoài đang độ đơm hoa.
Ông Thào vui mừng cho biết, năm ngoái, một nửa cây nhãn trong vườn đã thu hoạch lứa đầu tiên, trừ hết chi phí, gia đình ông bỏ túi hơn 100 triệu đồng. Loại nhãn siêu ngọt Hưng Yên được trồng trên núi đá cho quả to, ngọt, cùi dày và thơm.
Người đàn ông H’Mông này không chỉ bằng lòng với vườn cây ăn quả cho thu nhập ổn định mà còn ấp ủ giấc mơ giúp bà con dân bản thoát nghèo khi tiếp tục xây dựng ý tưởng về mô hình làm du lịch trải nghiệm trên chính dải đá tai mèo mà gia đình đang trồng cây.
Theo ông Thào, nếu làm được du lịch cộng đồng sẽ giúp giải quyết việc làm cho bà con ở đây, nâng cao thu nhập, từ đó thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
“Du khách đến Mường Lát ngoài tham quan cửa khẩu, thưởng thức các món ăn còn được trải nghiệm leo đồi, thu hoạch, thưởng thức thành quả ngay tại vườn”, ông Thào nêu ý tưởng.
Chia sẻ về tấm gương làm kinh tế Sùng A Thào, ông Hà Văn Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Chung, cho biết, ông Sùng A Thào là tấm gương sáng về ý chí vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỉ lại vào Đảng, nhà nước.
Phó Chủ tịch UBND xã Tam Chung cũng cho biết, nhiều bà con dân bản đã đến học hỏi mô hình kinh tế của gia đình ông Thào. Hiện, nhiều hộ đã cải tạo đất hoang, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây cho năng suất, chất lượng, phát triển chăn nuôi với ước mơ vươn lên thoát nghèo.
"Từ một hộ nghèo của bản, gia đình ông Thào đã trở thành gương điển hình về làm kinh tế ở địa phương. Ông Thào đã giúp bà con hiểu phải thay đổi tư duy sản xuất mới mong đuổi được cái nghèo. Cũng chính ông Thào đã khơi dậy và gieo những suy nghĩ cho bà con dân tộc thiểu số nơi đây về ngày bà con sẽ làm giàu trên những sườn núi cao”, ông Thìn nói.