Dân tộc, miền núi - đề tài hấp dẫn trong phim điện ảnh
Những bộ phim về đề tài dân tộc, miền núi với văn hóa, phong tục, cảnh đẹp thực sự thu hút nhiều khán giả. Tuy nhiên, mảng điện ảnh này vẫn còn yếu và thiếu để có thể thu hút nhiều người đến du lịch, trải nghiệm với vùng núi, vùng dân tộc. Nếu được đầu tư, triển khai nhiều đề tài điện ảnh ở mảng đề tài này thì đó cũng là một động lực thúc đẩy kinh tế du lịch miền núi phát triển
Sức hút của tiềm năng
Quảng bá du lịch thông qua điện ảnh là điều không mới đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Tại nhiều quốc gia, sự kết hợp ăn ý giữa điện ảnh và du lịch đã mang lại những hiệu quả kinh tế to lớn. Là một quốc gia sở hữu những cảnh quan thiên nhiên độc đáo, ấn tượng và bản sắc văn hóa phong phú đa dạng, Việt Nam có tiềm năng dồi dào để thúc đẩy sự phát triển của du lịch thông qua lĩnh vực điện ảnh. Tuy nhiên, ở Việt Nam, du lịch và điện ảnh dù cùng chung một "mái nhà" nhưng chưa giới thiệu được nhiều về vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam. Đặc biệt là ở khu vực miền núi, nơi có nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống, với văn hóa, phong tục, cảnh đẹp thực sự thu hút.
Một thực tế, đó là những bộ phim về đề tài miền núi, về các dân tộc thiểu số đã và đang thu hút sự quan tâm rất nhiều của người xem. Đặc biệt, người xem rất thích thú với văn hóa, phong tục tập quán, cảnh đẹp địa phương xuất hiện trong phim. Và những bộ phim này đã tạo nên cơn sốt của nhiều người để tìm hiểu về địa danh, về cộng đồng các dân tộc thiểu số trong phim với những cái hay, cái đẹp và về các địa điểm xuất hiện trong phim để trải nghiệm, check-in...
Sức ảnh hưởng mạnh mẽ của một bộ phim đến với vùng đất, văn hóa và con người tại địa phương là rất lớn. Nhiều bộ phim sau khi công chiếu, ngay lập tức, bối cảnh chính của phim trở thành điểm du lịch không thể bỏ qua của mỗi người. Mới đây, bối cảnh xuất hiện trong các bộ phim “Tết ở làng Địa Ngục”, “Kẻ ăn hồn” cũng được khán giả săn tìm và đến thăm, đó là làng Sảo Há (xã Vần Chải, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), hay bộ phim “Cuộc chiến không giới tuyến” cũng đã khiến nhiều người tìm về các địa điểm lịch sử có thật để trải nghiệm.
Một điều đáng mừng là trong một số phim về đề tài miền núi đã có những hình ảnh đẹp mênh mang, có chút kỳ ảo, huyền bí về vùng đất đó để quảng bá du lịch. Điển hình như “Chuyện của Pao”, “Tết ở làng Địa Ngục”, “Kẻ ăn hồn” khi một số bối cảnh quay trong phim đã thành điểm check-in của nhiều người. Bởi thế, nếu khai thác tốt đề tài miền núi và dân tộc thiểu số, điện ảnh Việt sẽ có thêm nhiều phim hay, hấp dẫn khán giả cả nước và hoàn toàn có khả năng kích thích du lịch thành công.
Đánh thức kinh tế du lịch qua điện ảnh
Phim ảnh, điện ảnh rõ ràng đã có những tác động nhất định đối với những bối cảnh được khắc họa trong các thước phim. Các vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có vô vàn cảnh đẹp, không ít di tích lịch sử hấp dẫn, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc. Cùng với đó, những kịch bản hay của những bộ phim này, ngoài việc kể những câu chuyện đời, chuyện người, số phận nhân vật bằng ngôn ngữ điện ảnh, còn làm sống dậy những phong tục tập quán và sắc màu thiên nhiên tươi đẹp, cũng như các điểm bản du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, phục dựng các lễ hội truyền thống, các trò chơi dân gian, nét đẹp văn hóa của cộng đồng của các dân tộc của núi rừng Tây Nguyên, Tây Bắc, Việt Bắc hùng vĩ và thơ mộng, mang đầy bản sắc riêng.
Xem phim, khán giả không chỉ được chứng kiến những khung cảnh thiên nhiên, đời sống sinh hoạt mà còn được xem những sắc màu văn hóa tràn ngập trong phim, điều rất thu hút và kích thích sự quan tâm du lịch của nhiều người. Điện ảnh đã và đang góp phần không nhỏ quảng bá danh lam thắng cảnh, giá trị văn hóa, di sản của các vùng miền đến với công chúng, giúp thu hút khách du lịch và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ... đã phát huy rất tốt việc quảng bá thương hiệu quốc gia, phát triển du lịch thông qua phim ảnh, các show truyền hình. Đây là hướng đi hiệu quả cần học tập, nhất là với những tiềm năng sẵn có mà các khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được khai thác hết. Điều đó cũng đòi hỏi sự thay đổi tư duy của các nhà quản lý, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là ngành du lịch và điện ảnh cùng bắt tay thực hiện. Tạo điều kiện cho nhà làm phim nói riêng, hoạt động văn hóa nói chung sẽ mở cánh cửa để quảng bá cho địa phương, thu hút khách du lịch, từng bước xây dựng thương hiệu cho mỗi vùng, miền, từ đó góp phần xây dựng thành công thương hiệu của quốc gia.
Tiềm năng để quảng bá du lịch thông qua điện ảnh, từ vị trí địa lý, khí hậu phong phú, thuận lợi; hệ thống di tích, di sản văn hóa đặc sắc; nhiều địa điểm, địa danh đáp ứng làm bối cảnh phim trường, lợi thế về nhân công... cùng với sự phát triển của điện ảnh, trong đó có đề tài khai thác những câu chuyện đời thường trên phông nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc đã ưu ái dẫn lối nhiều khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của vùng cao, của các dân tột thiểu số được lọt vào ống kính của các nhà quay phim. Những bộ phim đặc sắc, tôn vinh những vẻ đẹp nhất của dân tộc thì đó không chỉ là quảng bá văn hóa kích thích du lịch, mà những bộ phim đó còn tác động đến nhận thức của đồng bào. Họ trỗi dậy tự hào về dân tộc mình, không còn mặc cảm nữa.
Nếu khai thác tốt, điện ảnh sẽ không chỉ là một kênh quảng bá du lịch mà có tiềm năng trở thành một loại hình du lịch đầy sức hút với du khách. Đồng thời, việc thúc đẩy kinh tế du lịch sẽ giúp đồng bào địa phương cải thiện được thu nhập, phát triển kinh tế, gìn giữ được bản sắc văn hóa, phong tục tập quán và cả phong cảnh địa phương mình, để nhiều điểm đến trở nên nổi tiếng, thu hút khách du lịch khắp thế giới đến tham quan. Tuy nhiên, để làm được những bộ phim như thế ở các vùng dân tộc thiểu số thì nhà làm phim phải thật sự dũng cảm và có tình yêu lớn với văn hóa, con người dân tộc thiểu số, miền núi, vì chi phí và khó khăn quá lớn.