Văn hóa

Điệu hát soóng cọ - món ăn tinh thần của dân tộc Sán Chỉ

KC 13/05/2024 - 08:16

Soóng cọ là một loại hình dân ca đã được thực hành và gìn giữ suốt nhiều thế hệ, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Sán Chỉ. Đặc biệt, ngày 10/11/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3421/QÐ-BVHTTDL công nhận Nghệ thuật trình diễn dân gian hát soóng cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Các hội viên trong CLB hát soóng cọ của xã Húc Động truyền dạy hát soóng cọ tại Trường Tiểu học Húc Động (huyện Bình Liêu). Ảnh: Báo Quảng Ninh.

"Soóng cọ” theo tiếng Sán Chỉ có nghĩa là xướng ca, hát soóng cọ là lối hát giao duyên có từ lâu đời, là “sợi tơ” gắn kết cộng đồng của đồng bào Sán Chỉ. Điệu hát soóng cọ đã xe duyên cho biết bao đôi trai gái nảy sinh tình yêu và nên vợ thành chồng.

Soóng cọ do từng đôi nam nữ, hay một tốp nam, tốp nữ hát đối đáp trong ngày hội xuân, trong lễ cưới, khi lao động sản xuất, thăm hỏi sức khỏe hoặc lúc nông nhàn.

Do tính chất ứng đối tập thể đó nên tính thống nhất cao hơn, tính cộng đồng thể hiện rõ nét. Tục hát soóng cọ có một quy định chặt chẽ là không hát với người cùng huyết thống, dòng tộc, họ hàng. Nội dung bài hát phong phú, đa dạng, phản ánh đời sống lao động sản xuất, ngợi ca thiên nhiên, đất nước, con người và tình yêu đôi lứa.

Giao lưu hát soóng cọ tại xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa, Thể thao dân tộc Sán Chỉ - Mùa vàng soóng cọ năm 2022. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Mặc dù không sử dụng nhạc cụ kèm theo, nhưng điệu hát soóng cọ vẫn mang lại sức hút đặc biệt, lôi cuốn người nghe bằng giọng hát mộc mạc, lời ca nhẹ nhàng, chân thành với những hình ảnh ví von thân thuộc thể hiện tâm tư, tình cảm sâu sắc trong đời sống và lao động sản xuất của người Sán Chỉ.

Giữa núi rừng hùng vĩ, những câu ca soóng cọ ngân nga như hòa vào làn suối, khe núi, dòng thác, mang tâm tình đôi lứa và mang theo cả nét văn hóa của tộc người.

Hiện nay, các hoạt động gìn giữ, bảo tồn hát soóng cọ được các địa phương đẩy mạnh không chỉ qua các dịp lễ hội mà còn thành lập, duy trì sinh hoạt câu lạc bộ tại thôn, xã cũng như đưa vào chương trình giảng dạy tại các nhà trường.

Nhờ những nỗ lực này đã góp phần gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc để điệu dân ca soóng cọ được vang vọng mãi giữa núi rừng Đông Bắc.

KC