Về đất Luy Lâu, trảy hội ngôi chùa cổ nhất nước Nam
“Dù ai đi đâu về đâu/Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về” hay “Dù ai buôn bán trăm nghề/Tháng Tư, ngày Tám nhớ về hội Dâu”. Đó là những câu ca cổ in sâu trong đời sống người dân vùng Dâu-Luy Lâu-Thuận Thành mà hầu như ai cũng nhớ, cũng thuộc. Lễ hội chùa Dâu quy mô lớn được nhân dân phường Thanh Khương, Hà Mãn, Trí Quả (thị xã Thuận Thành) cùng tham gia tổ chức với nhiều nghi thức độc đáo, thể hiện đặc trưng tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp vùng Dâu. Trải qua hàng nghìn năm, lễ hội chùa Dâu - điển hình cho các lễ hội nông nghiệp vùng châu thổ Bắc Bộ với những giá trị trường tồn vẫn luôn có sức sống mãnh liệt trong đời sống cộng đồng cư dân vùng Bắc Ninh-Kinh Bắc.
Bắc Ninh được xem là cái nôi của Phật giáo Việt Nam. Ngay từ đầu Công nguyên, Phật giáo theo bước chân của các nhà tu hành Ấn Độ du nhập vào nước ta tại vùng Dâu-Luy Lâu và hình thành nên hệ thống chùa Tứ Pháp đầu tiên của Việt Nam gồm: Chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Tướng, chùa Dàn. Trong đó, chùa Dâu tọa lạc tại phường Thanh Khương là chùa cả có quy mô lớn kiểu chùa trăm gian, được mệnh danh là “đệ nhất cổ tự trời Nam”. Sử ghi, chùa Dâu được xây dựng năm 187 và được trùng tu quy mô lớn vào thời Trần do Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi hưng công. Nổi bật trong kiến trúc chùa Dâu là ngọn tháp Hòa Phong uy nghi cao 3 tầng cùng nhiều tượng Phật quý và đặc sắc như: Bảo vật quốc gia tượng Phật Pháp Vân cao gần 2m, tượng Bà Trắng, Bà Đỏ, tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ, tượng Mạc Đĩnh Chi... Cùng với hệ thống tượng Phật minh chứng cho sự dung hội, giao thoa, tiếp biến giữa Phật giáo Ấn Độ với tín ngưỡng văn hóa bản địa của người Việt, chùa Dâu hiện còn lưu giữ khá nguyên vẹn bộ mộc bản “Cổ Châu Phật bản hạnh”, niên đại 1752 kể về sự tích Đức Phật chùa Dâu. Đây là nguồn sử liệu quan trọng giúp cho việc nghiên cứu lịch sử phật giáo Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2023.
Lễ hội chùa Dâu là lễ hội nông nghiệp tiêu biểu và tập trung nhiều nhất các thực hành nghi lễ nông nghiệp. Lễ hội được 12 làng thuộc tổng Khương Tự xưa (còn gọi tổng Dâu) cùng tham gia tổ chức vào ngày 8 tháng 4 âm lịch với nghi thức và tục trò độc đáo như: Rước tượng Tứ Pháp, tổ chức tế lễ, kể hạnh, diễn tích trò “mẹ đuổi con”, “cướp nước”... Giới nghiên cứu khẳng định, ý nghĩa quan trọng nhất của hội Dâu là cầu cho mưa thuận gió hòa - ước vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp. Các nghi thức trong hội Dâu đều là những hoạt động diễn xướng tín ngưỡng cầu Thần Nước của nông dân. Chẳng hạn, ban ngày rước Tứ Pháp về chùa Dâu “công đồng” là sự hội tụ của các yếu tố mây, mưa, sấm, chớp. Ban đêm rước Tứ Pháp đi “tuần nhiễu” một vòng khép kín từ đông sang tây là mô tả chu kỳ quả đất xoay tròn, tạo ra năm tháng, bốn mùa. Tục trò “múa gậy” trong lễ rước không chỉ để dẹp đám mà còn tái diễn sự tích cây gậy thần kỳ. Giếng cổ trong chùa là dấu vết Phật Mẫu Man Nương cắm gậy xuống đất làm ra nước cứu sống sinh linh. Đặc biệt, có một tục trò thu hút sự quan tâm đón đợi xem nhiều nhất ở lễ hội chùa Dâu là cuộc thi “cướp nước”. Thực chất đó là cuộc thi chạy giữa kiệu bà Sấm (Pháp Lôi) với kiệu bà Mưa (Pháp Vũ). Người dân dựa vào cuộc thi, xem ai về đích trước để dự báo mùa màng. Nếu bà Mưa về đích trước thì năm ấy được mùa, còn nếu là bà Sấm thì năm ấy ruộng đồng lắm sâu, nhiều đỉa, làm ăn trắc trở.
Theo kế hoạch, lễ hội chùa Dâu năm 2024 được tổ chức từ ngày 13 đến ngày 15-5 (tức ngày 6 đến 8-4 âm lịch) với các nghi thức tế lễ truyền thống tại chùa Dâu và các chùa trong hệ thống thờ Tứ pháp. Lễ khai hội và công bố quyết định công nhận Bảo vật quốc gia bộ mộc bản Chùa Dâu diễn ra vào sáng ngày 13-5 tại khu vực sân chùa Dâu. Cùng với phần lễ là các hoạt động phần hội: Hát Quan họ trên thuyền; múa rối nước Đồng Ngư; trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống ca trù, trống quân, hát chèo, hát văn...; giao lưu văn nghệ quần chúng, thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian: Cờ tướng, tổ tôm điếm... Để bảo đảm hoạt động phần lễ và phần hội diễn ra trang trọng, an toàn, tạo ấn tượng đẹp với du khách, thị xã Thuận Thành đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch lễ hội; thành lập Ban Tổ chức lễ hội và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tiểu ban giúp việc. Trong đó, chú trọng công tác trang trí tuyên truyền, quảng bá giá trị đặc sắc của lễ hội và tập trung triển khai phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ... |
Tồn tại qua hàng nghìn năm lịch sử, các nghi thức, nghi lễ, trò diễn trong lễ hội chùa Dâu được trao truyền, kế thừa, tiếp thu và sáng tạo từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, suốt gần 30 năm qua, hội Dâu chỉ diễn ra ở quanh không gian chùa Dâu với phần tế lễ đơn thuần, người dân không còn được chiêm ngưỡng đám rước kiệu với sự tham gia của hàng nghìn người và không khí tưng bừng cờ lọng, khăn áo, lễ nhạc linh đình cũng chỉ là hoài niệm... Vì thế, người dân của ba phường Thanh Khương, Hà Mãn và Trí Quả đều chung niềm mong mỏi các cấp, ngành chức năng sớm tìm giải pháp tháo gỡ những nút thắt, hóa giải thỏa đáng những khúc mắc, tranh chấp tín ngưỡng liên quan để lễ hội chùa Dâu lại được diễn ra đông vui trọn vẹn và lễ rước đặc sắc, độc đáo theo truyền thống lại được khôi phục như xưa. Nhà văn Nguyễn Hữu, người am hiểu văn hóa vùng Dâu-Luy Lâu đánh giá: Hội Dâu được mở ra là để cầu mưa, cầu cho quốc thịnh dân an. Đó là sự kết tinh hài hòa giữa bản sắc văn hóa cùng với đời sống tâm linh. Ngày nay, tuy hội Dâu không còn được hoành tráng như xưa nhưng ở đâu đó người ta vẫn có thể hình dung thấy được sự lộng lẫy cờ hoa, đám rước vẫn còn đang tưng bừng rộn rã, cùng với đó là những tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng chũm chọe, thanh la, tiếng tù và vẫn còn đang vang vọng đó đây. Hội Dâu là hội của muôn nhà và sẽ tồn vinh mãi mãi.