Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi
Phát huy ý chí, tinh thần, phẩm chất 'Bộ đội Cụ Hồ', cựu chiến binh (CCB) Nông Văn Hiệu, tổ 2, phường Ngọc Xuân (Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) nỗ lực, phấn đấu vươn lên và trở thành tấm gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương.
Trước năm 2015, ông Hiệu làm trợ lý quân lực của huyện đội Hòa An, đến năm 2015 ông nghỉ chế độ hưu trí tại huyện Hòa An. Sau khi nghỉ hưu, từ nguồn vốn của gia đình vợ chồng ông đã mạnh dạn đầu tư mua hơn 5.700m2 đất đồi, đất ruộng tại tổ 2, phường Ngọc Xuân (Thành phố). Thời điểm đó, nơi đây toàn là những đồng ruộng khô cằn nên làm ruộng không đạt năng suất. Nhận thấy vùng đất này bị trũng thấp, ngập úng thường xuyên, không có đường nước, ông cùng vợ nghiên cứu lập vườn trên đồi và những mảnh ruộng khô cạn, quyết tâm phát triển kinh tế trên vùng đất khó.
Thời gian đầu để có được giống cây trồng tốt, ông chủ động tìm hiểu các giống bưởi tại Trường đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Sau khi tìm hiểu và tham quan nhiều mô hình, ông nhận thấy rằng giống bưởi da xanh ghép gốc phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của tỉnh đã mua 100 gốc bưởi da xanh gép gốc về quê canh tác. Nhờ nghiên cứu kỹ những đặc tính và quy trình canh tác của loại cây này, ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên, vườn bưởi da xanh của ông Hiệu cho năng suất cao và duy trì đều trong những mùa vụ tiếp theo, với giá bán đưa ra thị trường từ 40.000 - 50.000 đồng/quả.
Sau sự thành công của giống bưởi da xanh, ông mạnh dạn mở rộng diện tích đất, trồng thêm 100 gốc chanh, 500 gốc đu đủ tuy nhiên hai giống cây trồng này lại không mang lại kỳ vọng lớn về phát triển kinh tế cho gia đình ông, vì cây chanh không hợp với đất nên không sai trái, năng suất kém; cây đu đủ khi bán ra thị trường chỉ tiêu thụ được lượng lớn đu đủ xanh, bên cạnh đó những quả đu đủ chín cây lại không có đầu ra, lẻ tẻ và khó bảo quản trong mùa nắng nóng. Sau đó, gia đình ông chuyển sang đầu tư giống cây hồng treo gió Đà Lạt, hiện đang rất sai quả, phát triển tốt, hứa hẹn mang đến nguồn thu nhập cao trong mùa vụ năm nay. Bên cạnh trồng các loại cây ăn quả, gia đình ông còn thuê lại những khu ruộng trống trong xóm để đầu tư trồng hơn 7.000 cây thuốc lá.
Để phát triển kinh tế, ông Hiệu tiếp tục mở rộng mô hình, xây 300m2 bể, ao nuôi cá để tự cung tự cấp và cung cấp nguồn cá tươi bán ra thị trường tiêu thụ; kết hợp nuôi 12 con bò lấy chất thải chăm bón cho cây trồng. Thu nhập hàng năm từ trồng trọt và chăn nuôi của gia đình đạt trên 200 triệu đồng, cuộc sống ngày càng ổn định.
Ông Hiệu tâm sự: để có thể sản xuất kinh tế đạt hiệu quả, trước hết bản thân cần phải kiên trì, chịu khó, vượt qua trước khó khăn trong sản xuất. Bên cạnh đó, phải nghiên cứu nắm bắt thị trường, các mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương. Đồng thời, cần tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất,…
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Hiệu tích cực tham gia các hoạt động của Hội CCB và phong trào của địa phương phát động. Là đảng viên, Chi hội trưởng Chi hội CCB tổ 2, phường Ngọc Xuân (Thành phố), ông Hiệu luôn gương mẫu, tích cực vận động bà con phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chia sẻ kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho các CCB và người dân trong tổ, xóm giúp họ từng bước phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.
Ông Đoàn Trọng Khánh, Hội viên Hội CCB tổ 2, phường Ngọc Xuân cho biết: CCB Nông Văn Hiệu là tấm gương điển hình tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của Hội. Bằng sự nỗ lực vươn lên, tích cực tìm tòi, học hỏi cùng sự năng động, dám nghĩ, dám làm, nay ông đã xây dựng thành công mô hình kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống và làm giàu chính đáng. Bên cạnh đó, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của tổ, xóm, là tấm gương sáng để các hội viên trong Chi hội CCB học tập và noi theo.