Khai phá tiềm năng bản địa giúp người dân thoát nghèo
Tận dụng thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, Bá Thước là 'cánh chim đầu đàn' trong phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh Thanh Hóa.
Từ thế mạnh cảnh quan đến phát triển du lịch cộng đồng
Pù luông (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) vốn là nơi có cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, khí hậu trong lành. Nơi đây được ví như “Sapa xứ Thanh”, với khí hậu quanh năm mát mẻ. Đỉnh Pù Luông cao 1.700m và là điểm lý tưởng để hoạt động du lịch dã ngoại mà người tham gia có các chuyến đi bộ đường dài, leo núi, băng qua những cung đường đủ loại địa hình.
Bên cạnh đó, xen lẫn giữa màu xanh của rừng là màu lá đỏ, vàng của những cây phong vào các dịp tháng 11, 12. Đến tháng 1 trời lạnh hơn sẽ có băng giá, đôi khi có tuyết phủ trên đỉnh và tháng 3, 4 Pù Luông lại “chiêu đãi” du khách bằng sắc đỏ, tím, vàng của hoa đỗ quyên; vẻ đẹp ma mị của cánh đồng lúa, ngô trải thảm dưới chân.
Những năm gần đây, Bá Thước đã chú trọng phát triển du lịch cộng đồng. Từ khi du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng đã mang đến luồng gió mới trên vùng đất Pù Luông. Những năm gần đây, Pù Luông là điểm đến hấp dẫn không chỉ du khách trong nước mà cả du khách quốc tế.
Đây là một trong số ít những khu du lịch trên địa bàn toàn tỉnh thường xuyên “kín phòng” vào các dịp lễ, tết... Ngay cả thời điểm nhiều khu du lịch nổi tiếng của xứ Thanh bước vào “kỳ nghỉ đông”, thì Pù Luông vẫn sôi nổi đón khách.
Tính đến nay, trên địa bàn huyện Bá Thước có khoảng hơn 80 cơ sở lưu trú. Trong đó, số cơ sở lưu trú dạng homestay, khu nghỉ dưỡng tại Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông tập trung chủ yếu ở các xã Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng. Nhiều hộ liên doanh, liên kết với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bên ngoài đến đầu tư thực hiện nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô.
Số lượt khách và doanh thu từ du lịch không ngừng tăng qua các năm. Năm 2022, hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh trở lại sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch Bá Thước đón 82.646 lượt khách, vượt 122% so với năm trước, cao nhất từ trước đến nay (khách quốc tế là 5.447 lượt, khách trong nước là 77.199 lượt).
Từ đầu năm 2023 đến nay, du lịch Bá Thước đón 50.054 lượt khách (8.451 lượt khách nước ngoài), lượng khách trung bình khoảng trên 1.500 lượt/ngày đêm; doanh thu ước đạt trên 85 tỷ đồng...
Ông Lê Văn Sự, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bá Thước cho hay: “Xuyên suốt lộ trình xây dựng và phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, huyện Bá Thước luôn xác định vị trí, vai trò động lực của ngành du lịch thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác”.
Ông Sự nhìn nhận, bản chất của ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa - xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh - quốc phòng.
Do đó, huyện chủ động xây dựng, phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan thực hiện các nội dung, chương trình nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; nhân rộng các mô hình, tổ chức, cá nhân tiêu biểu về phát triển du lịch ở địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và kiến thức về phát triển du lịch trong xã hội.
Nhiều mô hình homestay do một số hộ gia đình bản địa đầu tư ở khu du lịch Pù Luông có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, điển hình như: Hộ gia đình ông Hà Văn Sĩ, ông Hà Văn Dũng (bản Hiêu, xã Cổ Lũng), ông Hà Văn Giáp, Hà Văn Lịch, Hà Văn Thược (bản Đôn, xã Thành Lâm), ông Lò Văn Nam (bản Kho Mường, xã Thành Sơn)...
Chị Lò Thị Hoài (ngụ bản Báng, xã Thành Sơn) cho biết từ khi có du lịch cộng đồng, gia đình chị đã cải tạo lại ngôi nhà sàn đang ở, đầu tư thêm một ngôi nhà sàn khác để phục vụ khách du lịch. "Nhờ có du lịch, cuộc sống của gia đình bớt khó khăn. Nhiều gia đình trong bản cũng có nguồn thu khi bán các thực phẩm, rau quả phục vụ khách du lịch" - chị Hoài phấn khởi.
Du lịch cộng đồng tại Pù Luông còn gián tiếp tạo sinh kế cho cả cộng đồng dân cư nơi đây. Các cơ sở lưu trú đi vào hoạt động, thanh niên không còn phải bỏ xứ đi làm ăn xa. Họ được làm việc tại các điểm lưu trú, những người lao động chân tay cũng có nhiều công việc để làm như phụ hồ, xây dựng nhà cửa. Các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt của bà con có đầu ra ổn định.
Giữ gìn nghề truyền thống gắn với tạo việc làm cho lao động
Cùng với đó, các sản phẩm du lịch của huyện không ngừng được làm mới, đa dạng, phong phú hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.
Gắn với phát triển du lịch cộng đồng, huyện Bá Thước cũng chú trọng gìn giữ và phát huy nghề dệt thổ cẩm. Các mặt hàng dệt thổ cẩm đang trở thành sản phẩm lưu niệm độc đáo, phục vụ nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước khi đến Bá Thước nói chung và khu du lịch Pù Luông nói riêng.
Từ nguồn kinh phí của đề án “Bảo tồn phát triển nghề, làng nghề truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020”, huyện Bá Thước hỗ trợ phục hồi khung dệt cho hàng chục hộ gia đình; hỗ trợ người dân giới thiệu và quảng bá các sản phẩm thổ cẩm qua các hội chợ, các kênh thương mại...
Đến nay, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của huyện Bá Thước đã được khôi phục và phát triển mạnh mẽ với trên 120 hộ và gần 300 người trực tiếp tham gia làm nghề.
Ngoài dệt các loại áo quần, vật dụng phục vụ sinh hoạt, chị em đã sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới như: túi xách, giày, dép, thú nhồi bông và những vật lưu niệm nhỏ để phục vụ khách du lịch. Thời gian tới, ngoài xúc tiến thành lập làng nghề truyền thống, huyện Bá Thước cũng đang xây dựng hồ sơ đề xuất công nhận thổ cẩm là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Nhờ nỗ lực của chính quyền các cấp và tâm huyết của các nghệ nhân, nghề dệt thổ cẩm tại huyện Bá Thước đang được bảo tồn và phát huy có hiệu quả. Nghề truyền thống này đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo.