Kinh tế

Tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc vùng biên Nậm Chảy

Thúy Hạnh 09/05/2024 - 10:51

Được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã biên giới Nậm Chảy thuộc huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đã tự tin vươn lên thoát nghèo. Thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia, xã Nậm Chảy đã được hỗ trợ nhiều cây trồng chủ lực, giúp cho người dân nơi đây vươn lên phát triển kinh tế, làm chủ cuộc sống.

Xã Nậm Chảy nằm trên cao nguyên cổ Bắc Hà, thuộc dãy Tây Côn Lĩnh, phía Bắc giáp Trung Quốc. Toàn xã hiện có 11 thôn, 618 hộ, với hơn 3.300 nhân khẩu, gồm 10 dân tộc anh em cùng sinh sống (Mông, Dao, Pa Dí, Tu Dí, Phù Lá, Kinh, Tày, Mường, Nùng, Thái). Trong đó, dân tộc Mông chiếm đa số.

219105508am27685744am1-5.jpg
Cán bộ Đồn Biên phòng Mường Khương hướng dẫn người dân trồng chè. Ảnh: Thúy Hạnh

Là xã giáp biên của huyện Mường Khương, Nậm Chảy có xuất phát điểm thấp, xa tỉnh lỵ, gặp nhiều khó khăn về phát triển kinh tế. Tuy nhiên, xã luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ, các cấp chính quyền nỗ lực, cố gắng đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo sinh kế, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên.

Để hình thành một số vùng chuyên canh nông sản, sản xuất hàng hóa nông nghiệp, nhiều cây trồng chủ lực đã được địa phương triển khai đưa vào trồng, trong đó, có cây chè, cây chuối. Từ khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cuối năm 2023, xã đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn hơn 55,6%, thu nhập bình quân đầu người đạt 22,4 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, địa phương đã tận dụng, khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, chuyển đổi cây trồng, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp đồng bào dân tộc trong xã phát triển kinh tế, đưa cây chè trở thành một trong những cây trồng chủ lực.

Cây chè là cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, không đòi hỏi kỹ thuật cao, phù hợp với trình độ canh tác của người dân xã vùng cao và ít chịu rủi ro bởi thiên tai, mang lại nguồn thu ổn định. Với phương châm “Ở đâu trồng chè, ở đó có ấm no, hạnh phúc”, nhiều người dân đã tích cực thay đổi cơ cấu cây trồng, chuyển sang trồng chè. Như đồi chè shan tuyết khoảng 8.000 gốc của gia đình anh Ma Seo Phử, ở thôn Mào Phìn hiện đang phát triển rất tốt. Mặc dù mới hơn 2 năm tuổi, nhưng phần lớn cây chè đã bắt đầu cho thu hoạch.

Có được thành quả ngày hôm nay, bên cạnh nỗ lực của bản thân anh Phử, còn là sự hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Anh Phử chia sẻ: “Được chăm sóc tốt nên đồi chè của gia đình tôi rất phát triển, đem lại thu nhập cao, đầu ra của sản phẩm cũng thuận lợi, dễ dàng. Tôi mong muốn được Nhà nước hoặc ngành Khuyến nông hỗ trợ thêm giống cây để chúng tôi có thể sản xuất ra được nhiều sản phẩm hơn”.

Do cây chuối có giá trị thu nhập 70-75 triệu đồng/ha, cao gấp khoảng 2 lần so với trồng ngô, nên cây chuối được xác định là cây trồng chủ lực của địa phương, theo Nghị quyết số 10- NQ/TQ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược Phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh phát triển kinh tế nhờ cây chè, người dân còn lựa chọn trồng chuối. Chúng tôi ghé thăm mô hình vườn chuối kháng bệnh của hộ gia đình ông Ly Quáng Hùng, ở thôn Gia Khâu A, cũng được hỗ trợ từ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cây thích nghi với khí hậu miền núi nên phát triển tốt. Ông Hùng hy vọng loại chuối kháng bệnh này sẽ cho gia đình nguồn thu nhập tốt. Ông Hùng nói: “Được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ giống tốt, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, tôi tin tưởng giống cây chuối này sẽ cho thu hoạch tốt. Tôi sẽ bảo con cháu sản xuất đúng kỹ thuật”.

251105508am65385747am2-1.jpg
Người dân xã Nậm Chảy thu hoạch chuối. Ảnh: Thúy Hạnh

Bà Vàng Seo Dua, Bí thư Chi bộ thôn Gia Khâu A cho biết: “Đối với giống cây chè và chuối hiện đang trồng tại địa phương, đã giúp đỡ được người dân nơi đây rất nhiều. Hai giống cây trồng này đã đem lại thu nhập ổn định hàng tháng, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo”.

Năm 2023, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã Nậm Chảy đã hỗ trợ cho người dân được 55ha chuối, nâng tổng diện tích chuối của xã hiện nay lên đến 300ha. Từ năm 2022 đến nay, người dân xã Nậm Chảy cũng được hỗ trợ phát triển gần 200ha chè. Hai loại cây chủ lực này đang tiếp tục được xã quy hoạch, mở rộng diện tích. Xã đang phấn đấu để nâng thu nhập bình quân đầu người lên 48 triệu đồng/người vào năm 2025.

Ông Cư Thọ, Chủ tịch UBND xã thông tin: "Xã Nậm Chảy sẽ cố gắng tìm kiếm, liên hệ cũng như giúp đỡ, kết nối bà con nông dân với thị trường tiêu thụ, cụ thể như sản phẩm chè và chuối để người dân yên tâm, sản xuất phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương”.

Theo ông Sìn Lào Lẻng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã: “Dù là xã vùng núi biên giới, nhưng người dân ở nơi đây rất đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Có mô hình kinh tế nào hiệu quả là bà con học tập và làm theo ngay. Xác định nông nghiệp là hướng phát triển kinh tế chủ yếu, chúng tôi mạnh dạn tuyên truyền, vận động nhân dân trong xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ trồng ngô, lúa, hoa màu kém hiệu quả sang chồng chè, chuối, Nhờ vậy, đến nay, nhiều gia đình đã vượt khó vươn lên, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã cũng giảm theo từng năm”.

Để nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước phát huy hiệu quả, địa phương cũng xúc tiến thành lập các tổ, nhóm sản xuất, đồng hành với người dân thực hiện quy trình sản xuất an toàn, phấn đấu đưa giá trị canh tác đạt 50 triệu đồng/ha, để Nậm Chảy về đích theo lộ trình.

Thúy Hạnh