Hiệu quả thực hiện bình đẳng giới ở Đakrông
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện trên địa bàn huyện miền núi Đakrông, (Quảng Trị), Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (Dự án 8) đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG) và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em (PN&TE) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.
Đakrông là huyện miền núi, biên giới, có 13 đơn vị hành chính cấp xã. Tính đến cuối năm 2023, toàn huyện có 12.098 hộ với 49.919 nhân khẩu, trong đó hộ DTTS chiếm gần 80%, chủ yếu là đồng bào Vân Kiều, Pa Kô; tỉ lệ hộ nghèo chiếm 38,04%. Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cơ sở hạ tầng của huyện đã được đầu tư xây dựng, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện có nhiều thay đổi.
Tuy nhiên, do đặc thù huyện miền núi, huyện nghèo, đời sống của người dân trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn. Một số tập quán lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi, tảo hôn... vẫn còn tồn tại ở địa bàn dân cư. Bất BĐG vẫn xảy ra trong nhiều thôn, bản, gia đình. Bạo lực gia đình, tệ nạn ma túy, mại dâm, các vụ, việc xâm hại, bạo lực với PN&TE ngày càng tinh vi, phức tạp, nghiêm trọng... Những vấn đề đó đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống và sự phát triển toàn diện của PN&TE.
Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm 10 dự án thành phần, trong đó giao Hội LHPN Việt Nam chủ trì Dự án 8. Dự án 8 được thực hiện tại 51 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có Quảng Trị. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc PN&TE. Thực hiện mục tiêu BĐG và tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của PN&TE tại vùng đặc biệt khó khăn. Triển khai thực hiện Dự án 8 tại huyện Đakrông, UBND huyện đã chỉ đạo Hội LHPN huyện chọn địa bàn để chỉ đạo điểm và thực hiện các mô hình của dự án.
Đồng chí Nguyễn Thị Ty, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đakrông cho biết: “Hội LHPN huyện đã ban hành kế hoạch về triển khai Dự án 8, trong đó chọn xã Húc Nghì để chỉ đạo triển khai các hoạt động và xây dựng các mô hình điểm như mô hình “tổ truyền thông cộng đồng”; mô hình “địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng; thành lập câu lạc bộ (CLB) “thủ lĩnh của sự thay đổi” tại trường TH&THCS Húc Nghì.
Trên cơ sở những kết quả bước đầu từ mô hình điểm, đến nay, Hội LHPN huyện đã hỗ trợ thành lập 44 tổ truyền thông cộng đồng tại 44 thôn thuộc 12 xã, thị trấn; thành lập 2 mô hình địa chỉ tin cậy ở cộng đồng ở xã Húc Nghì và A Bung (mỗi mô hình có 2 chủ địa chỉ); thành lập 6 CLB thủ lĩnh của sự thay đổi ở các trường.
Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các hoạt động tuyên truyền, vận động; xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy BĐG và giải quyết những vấn đề cấp thiết cho PN&TE; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của PN&TE trong các hoạt động phát kinh tế - xã hội của cộng đồng; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị theo định hướng của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, hướng dẫn của Hội LHPN tỉnh và phù hợp với thực tế tại địa phương”.
Dự án 8 đã mang lại những hiệu quả rõ nét trong thực hiện BĐG và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với PN&TE tại xã A Bung. Chủ tịch Hội LHPN xã A Bung Hồ Thị Thêu thông tin: “Hiện tại, Hội LHPN xã có trên 800 hội viên, phân bố ở 9 chi hội. Sau khi Dự án 8 được triển khai đã góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng về giới và BĐG. Tỉ lệ sinh con thứ 3, nạn tảo hôn trên địa bàn giảm so với 2 năm trước. Đặc biệt, tình trạng bạo lực gia đình giảm rõ nét.
Thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền đã từng bước tạo ra sự thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của người dân, góp phần xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục có hại cho PN&TE. Hiện tại, trên địa bàn đã xây dựng được 4 tổ truyền thông cộng đồng, 2 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và 1 CLB thủ lĩnh của sự thay đổi tại trường học. Trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của dự án, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình tại các thôn nhằm tiếp tục thay đổi nhận thức, hành động của người dân địa phương về BĐG cũng như giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với PN&TE”.
Các hoạt động của Dự án 8 tại huyện Đakrông đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ và các tầng lớp nhân dân về BĐG, dần thay đổi định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc PN&TE. Các mô hình, hoạt động của dự án được người dân đón nhận, ủng hộ và được các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.
Qua đó, từng bước tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của toàn xã hội, huy động sự tham gia vào cuộc của các cấp, ngành và người dân trong giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với PN&TE vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Thời gian tới, huyện Đakrông sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Dự án 8 để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cán bộ, công chức và người dân trong việc triển khai, tổ chức thực hiện nhằm thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Đồng thời, tăng cường công tác vận động, lồng ghép các nguồn lực trong thực hiện Dự án 8, nhất là lồng ghép việc thực hiện các chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội khác. Thúc đẩy sự quan tâm của các cấp, ngành đối với vấn đề BĐG, quan tâm giải quyết những vấn đề cấp thiết của PN&TE, đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của PN&TE trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.