Cội nguồn sức mạnh
Người xưa xem thế đất, luận phong thủy để nắm vận mệnh nông - sâu, để hay thịnh - suy, hưng - phế. Xứ Thanh với 'vẻ non sông tốt tươi', 'khí tinh hoa tụ họp', là nơi mà dân tộc Việt Nam - trên hành trình vạn dặm để khẳng định chủ quyền và nền độc lập - luôn tìm được câu trả lời trong những thời khắc trọng đại, những khúc đoạn thăng trầm. Như lối dùng từ so sánh của một học giả nước phương Tây, thì xứ Thanh là 'một thánh đường bảo tồn mọi kỳ vọng của chủng tộc'!
Vùng đất cổ Thanh Hóa gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của quốc gia - dân tộc Việt từ buổi sơ khai của lịch sử. Điều này tưởng chừng như một lẽ hiển nhiên. Song, để có thể đúc kết thành một nhận định, hay đúng hơn là một khẳng định rất cô đọng, súc tích và hàm xúc như vậy, người ta đã phải tra cứu, tham khảo từ những pho chính sử đồ sộ nhất, những dữ kiện lịch sử quan trọng nhất. Đồng thời, dựa trên những công trình nghiên cứu lịch sử, văn hóa rất kỳ công, nghiêm túc và khoa học. Để rồi, dựa trên những sự kiện và con người cụ thể được sử sách ghi chép và những luận cứ, luận chứng khoa học, hậu thế mới có thể phác họa lại diện mạo vùng đất xứ Thanh từ chiều sâu quá khứ, để từ đó khẳng định chắc chắn về bề dày truyền thống lịch sử của vùng đất này trong diễn trình lịch sử dân tộc Việt Nam.
Thái tử Thiếu bảo Hiệp biện Đại học sĩ Binh bộ thượng thư Vương Duy Trinh (đời vua Thành Thái), khi được cử làm Tổng đốc vùng đất thang mộc nhà Nguyễn này, đã không khỏi say mê tìm tòi, nghiên cứu mà viết nên 2 cuốn “Kỷ thắng” cùng “Quan phong”. Từ đó, lưu lại cho hậu thế trước tác quý về vẻ đẹp vùng đất cổ xứ Thanh, cùng những nét văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc cư dân vùng đồng bằng sông Mã. Trong trước tác “Thanh Hóa kỷ thắng”, ông đã tóm lại quá trình thay đổi tên gọi đơn vị hành chính Thanh Hóa trong lịch sử: “Thanh Hóa đời Tần là đất Tượng Quận. Đời Hán là Cửu Chân. Đời Lương đặt làm Ái Châu.
Đời nhà Đinh vẫn theo tên cũ. Đời Lý đổi làm trại, sau đổi làm phủ. Đời Trần gọi là phủ Thanh Hoa, sau lại đổi làm trấn Thanh Đô. Đời Nhuận Hồ đổi làm phủ, lại gọi là Tây Đô. Đời Lê sơ gọi là lộ Thanh Hoa, đến niên hiệu Quang Thuận đặt làm Thanh Hoa thừa tuyên. Bản triều, năm Gia Long thứ 1 (1802) gọi lại là trấn. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) đặt làm tỉnh Thanh Hoa. Đời vua Thiệu Trị mới đổi làm Thanh Hóa (...). Trải qua các triều đại đều xưng là trọng trấn. Triều Lê dựng nước, lấy Lam Sơn là đất cội nguồn gốc rễ. Triều (Nguyễn) ta phát tích từ núi Thiên Tôn, lại là đất thang mộc...”. Ngắn gọn vài dòng như vậy, nhưng cũng đã phần nào cho ta hình dung về vùng đất mà cách đây hàng nghìn năm, đã ghi tên mình lên bản đồ địa lý quốc gia.
Lẽ dĩ nhiên, cùng với sự hình thành và phát triển của quốc gia Đại Việt, thì việc thay đổi tên gọi/danh xưng các vùng đất cho phù hợp với yêu cầu quản lý Nhà nước, là một lẽ tất yếu. Cho nên, việc thay đổi tên gọi vùng đất Thanh Hóa qua các thời kỳ cũng là điều dễ hiểu. Song, câu hỏi về nguồn gốc ra đời và ý nghĩa của danh xưng “Thanh Hóa” vẫn luôn là điều khiến những người con được sinh ra và dưỡng nuôi từ “sữa nguồn truyền thống ngàn năm” này trăn trở. Để rồi, sau nhiều cuộc hội thảo khoa học, dựa trên những công trình nghiên cứu và quan điểm được các nhà sử học, nhà khoa học đưa ra phân tích, chứng minh..., kết luận cuối cùng nhận được sự đồng tình tương đối: thời điểm ra đời danh xưng “Thanh Hóa” là năm Kỷ Tỵ 1029 dưới đời vua Lý Thái tông. Và năm 2024 này, đánh dấu tròn 995 năm danh xưng “Thanh Hóa” xuất hiện trong lịch sử.
“Thanh Hóa” ngày nay được biết đến với tư cách là tên gọi của một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Song, nếu chỉ nhìn dưới góc độ địa giới hành chính thì cái tên ấy có phần khô khan quá? Bởi, người xưa thường coi trọng tính “chính danh” hay “danh chính ngôn thuận”, nên việc đặt tên (dù là tên đất hay tên người) thường phải dựa theo những “khuôn khổ”, những “phép tắc” đôi khi là rất nghiêm cẩn và ẩn chứa nhiều ý nghĩa, thậm chí là nhiều sự kiến giải. Có như vậy thì tên gọi và ý nghĩa hay giá trị ẩn sau cái “danh” mới tương xứng với nhau. Đối với vùng đất “kinh sư chi thượng đô” - đất dựng nghiệp cơ đồ của nhiều vương triều phong kiến - thì danh xưng “Thanh Hóa” phải có ý nghĩa sâu xa hơn, thay vì chỉ đơn thuần là tên gọi một vùng đất để phân biệt với các đơn vị hành chính khác trong cả nước?
Trước khi có tên Thanh Hóa, thì Ái Châu từng là cái tên quen thuộc để định danh vùng đất này. Theo cố nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ, dân gian lưu truyền câu tục ngữ “Thanh có thế”, thì “thế” ở đây là “thế đất” - đất “Ái Châu (Thanh Hóa) núi sông sầm uất, khí thiêng chung đúc, sản vật dồi dào, đất của anh hùng dụng võ, nên gọi là địa linh, địa linh tất sinh nhân kiệt. Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền, Lê Hoàn, nối tiếp nhau xuất hiện chỉ trong khoảng 50 năm, đều phát tích ở Ái Châu, đánh tan giặc Bắc, xem thường thiên triều, khôi phục đất nước, xây dựng vững chắc nền độc lập tự chủ sau hơn 1.000 năm bị chiếm đóng và bị biến thành đất đai của Trung Quốc”. Đồng thời, từ “trại” (trong trại Ái Châu) mặc dù được hiểu là “đề phòng”, “gìn giữ” (phòng loạn lạc, giữ trị an - Hoàng Tuấn Phổ), thế nhưng con người của xứ sở “đáng yêu, khả ái” - nghĩa tên gọi “Ái Châu” - vẫn luôn đặt lợi ích của đất nước, dân tộc lên trên hết.
Từ xứ sở “đáng yêu, khả ái” Ái Châu đến “Thanh Hóa”, ý nghĩa của danh xưng rất đỗi quen thuộc với hậu thế ngày nay cũng được một số học giả lý giải. Theo PGS.TS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học Việt Nam), thì “việc lựa chọn một cái tên để đặt cho một vùng đất nào đó, kể từ trấn (hoặc tỉnh), phủ, huyện đến xã... bao giờ người ta cũng muốn gửi gắm vào trong cái tên ấy một ý nghĩa nào đấy. Người xưa gọi là “danh chính ngôn thuận”, tức là cái tên có chính đáng thì lòng dân mới thuận theo”. Đối với danh xưng “Thanh Hóa”, thì nét nghĩa chính là “cái đức của người dân hóa thành thanh cao, trong sáng”!
Trở lại với vấn đề đã nêu, rằng nếu xem “Thanh Hóa” chỉ như tên gọi một đơn vị hành chính thì thật khô khan. Bởi, dưới góc nhìn lịch sử, văn hóa, cái tên “Thanh Hóa” vốn dĩ mang nội hàm sâu xa hơn nhiều. Nói cách khác, danh từ riêng “Thanh Hóa” là tên gọi của những giá trị và vẻ đẹp bất biến, riêng có, đặc sắc của vùng đất này. Như Khâm sứ Trung Kỳ Piere Paspuier từng dành cho mảnh đất “đáng ca ngợi” những “tình cảm thân thương”: “Thanh Hóa níu giữ và quyến rũ như một vùng có nhiều kỷ niệm về quá khứ giàu truyền thuyết và vĩ đại.
Thanh Hóa không phải chỉ là một đơn vị hành chính bình thường, đây là cả một xứ. Cũng muôn hình muôn vẻ như xứ Bắc Kỳ, mà còn như là một hình ảnh của Bắc Kỳ thu nhỏ, nó có châu thổ trù phú và phì nhiêu, có vùng trung du cây cỏ bạt ngàn lượn sóng, vùng cao lầm lỳ mà đại ngàn um tùm bao phủ”. Và đặc biệt hơn, từ mảnh đất này “chủng tộc người An Nam đã tìm chọn cho họ một lãnh thổ được ưa thích hơn cả làm chỗ dừng chân lâu dài, làm một trạm trên đường để qua bao nhiêu thế kỷ chuẩn bị cho công cuộc mở mang bờ cõi, hồi sức và tập trung lực lượng mà thực hiện vận mệnh của mình. Vào những phút giờ thử thách, đối với nước An Nam, Thanh Hóa còn hơn cả Hà Nội. Đây là một thánh đường bảo tồn mọi kỳ vọng của chủng tộc. Từ miền đất đã được chọn ấy, để bảo vệ nơi an nghỉ tôn nghiêm của tổ tiên và bao đời vua chúa, đã xuất hiện những anh hùng lừng lẫy và tài ba nhất của lịch sử”!
Nhận định ấy cho thấy, danh xưng “Thanh Hóa” quả là “danh xứng với thực”! Danh xưng “Thanh Hóa” ví như cái “vỏ vật chất” chứa đựng bên trong là “vô lượng lịch sử”. Nằm trên huyết mạch thiên lý Bắc - Nam, lại là vùng trọng địa, dẫu muốn hay không thì những ngọn gió lịch sử đã thổi sàn sạt qua xứ sở này, để bồi lắng thành truyền thống yêu nước hào hùng, tinh thần quả cảm, kiên cường, bất khuất và khát vọng tự cường mãnh liệt. Ở đó, không mấy tên đất, tên làng, ngọn núi, dòng sông lại không gắn liền với một câu chuyện về hành trình bươn bả qua các cuộc tranh đấu để giữ đất, giữ làng để dựng nước và giữ nước.
Bởi vậy, khi “cố tìm để hiểu” vùng đất vốn giàu kỷ niệm về quá khứ này, C. Robequain đã khẳng định: “Những bậc khai sáng cho các triều đại lừng danh nhất của dân tộc được sinh ra và từ trong Nhân dân nơi đây, mà chủ nghĩa yêu nước Việt Nam vào những giờ phút nghiêm trọng nhất tìm được nơi ẩn náu cuối cùng và từ đó tạo nên những thành công mới”.
Bàn về ý nghĩa của lịch sử, tác giả cuốn sách “Bài học của lịch sử” - Will & Ariel Durant, cho rằng ““Triết lý của sử” giúp chúng ta thấy hiện tại dưới ánh sáng của dĩ vãng”. Nói cách khác, lịch sử chưa bao giờ là cái đã qua hay “thì quá khứ”; ngược lại, “đó là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ”. Cho nên, lịch sử là sợi dây được đan kết bằng thời gian, bằng không gian và bằng vô số những câu chuyện, những sự kiện về thế giới tự nhiên và xã hội. Sợi dây ấy có khả năng gắn kết giữa quá khứ - hiện tại - tương lai và do đó, nó không cho phép chúng ta được ngoảnh mặt lại với quá khứ nếu muốn có tương lai.
Cũng bởi, lịch sử và nhất là những bài học lớn lao được chắt lọc từ những sự kiện vĩ đại, có sức sống trường tồn để định danh và tạo dựng diện mạo một vùng đất lẫn tính cách con người của vùng đất ấy. Và, lịch sử hay những gì đã thuộc về giá trị, về tinh hoa và được cộng đồng đề cao, coi trọng, gìn giữ thì có khả năng tạo nên sức mạnh, hay chính nó là cội nguồn sức mạnh để lý giải cho vị thế, đặc trưng và sức sống của vùng đất xứ Thanh trong tiến trình lịch sử dân tộc. Đúng như nhận định của PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế, thì “người Thanh Hóa hay nhân tố Thanh Hóa là hết sức đặc biệt, đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong quá trình lịch sử văn hóa Việt Nam. Nhân tố này đã góp phần đặc biệt tạo thành Việt Nam như đã và đang có”.
Bình tâm nhìn lại một chặng rất dài Thanh Hóa đồng hành cùng lịch sử dân tộc để thấy rằng, “thế” của đất và người xứ Thanh trong trường kỳ lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước luôn là thế “đạp bằng chông gai đi tới”. Đó là cái “thế” của khát vọng vươn lên, vượt qua mọi nghịch cảnh để giành lại chủ quyền dân tộc và từng tấc cương vực, lãnh thổ mà cha ông ta đã đổ vô vàn máu xương mới tạo dựng nên. Đồng thời, đó còn là cái “thế” của tinh thần nhân văn, nhân ái tỏa xuống mọi lớp người, để “không ai bị bỏ lại phía sau”, ai cũng được hưởng hạnh phúc, ấm no trong hòa bình, độc lập. Để rồi, trong bối cảnh nước ta đang ra sức dựng xây “những thành công mới”: Cơ đồ và vị thế của nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hơn lúc nào hết, việc dụng “thế” và tạo “lực” để xứ Thanh hòa vào dòng chảy khát vọng dân tộc, càng trở nên cần thiết và cấp thiết. Đó là sự sẵn sàng của một tâm thế mới, dựa trên những thành công đã đạt được, những cơ hội chưa từng có đang được mở ra và sự tin tưởng, kỳ vọng về một tương lai tươi sáng đang thôi thúc. Đó cũng là những điều kiện cần để Thanh Hóa lật giở sang một chương phát triển mới mang tên “thịnh vượng”.
Quá khứ lịch sử hào hùng là cội nguồn sức mạnh, là điểm tựa tinh thần và là niềm tự hào của mỗi người dân xứ sở này. Song, “bài học đầu tiên của lịch sử là sự khiêm tốn”; và rằng, “tự hào với lịch sử càng cao thì trách nhiệm với hiện tại và tương lai càng lớn”. Đó thiết nghĩ là điều mà mỗi người dân xứ Thanh, vốn được tắm mình trong dòng chảy lịch sử lấp lánh, càng phải tự ý thức được.