Sắc màu văn hóa Tây Nguyên giữa lòng Thành phố mang tên Bác
Vừa qua, chuỗi chương trình ca, múa, nhạc dân tộc, nghệ thuật dân gian và sân khấu truyền thống do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) TP. Hồ Chí Minh và Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk phối hợp tổ chức đã mang đến không gian văn hóa đa sắc màu tại TP. Hồ Chí Minh.
Có thể nói đã rất lâu rồi, TP. Hồ Chí Minh mới có được những ngày giao lưu đầy ắp nghĩa tình, nơi đây, người dân TP. Hồ Chí Minh được hiểu thêm hơn bản sắc văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào Tây Nguyên…
Khán giả như cùng hòa mình vào những điệu nhảy, lời ca, tiếng nhạc
Mở đầu chuỗi hoạt động là chương trình ca, múa, nhạc dân tộc, nghệ thuật dân gian do các diễn viên, nghệ sĩ đến từ Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen (TP. Hồ Chí Minh) và Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Đắk Lắk biểu diễn.
Tại đây, khán giả đặc biệt thích thú, họ như cùng hòa mình vào những điệu nhảy, lời ca, tiếng nhạc rộn ràng nơi núi rừng hùng tráng, có lúc lại du dương ngọt ngào qua những cung đàn của vùng đất phương Nam… Đặc biệt, người dân và du khách còn được mời tham gia uống rượu cần, trải nghiệm văn hóa Tây Nguyên tại đêm nhạc…
Được biết, Đường đi bộ Nguyễn Huệ và Bưu điện Thành phố là hai điểm hẹn lý tưởng, tập trung đông nhất lượng du khách và nơi mà người dân TP. Hồ Chí Minh đến vui chơi vào dịp lễ và cuối tuần. Chính vì thế mà, không gian nơi đây càng được tiếp thêm sự hứng khởi, cổ vũ trong những ngày âm nhạc dân tộc vừa qua.
Điểm nhấn của chuỗi hoạt động là chương trình quảng bá nghệ thuật truyền thống, do Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang phối hợp với Trung tâm Tổ chức biểu diễn - điện ảnh và Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Đắk Lắk biểu diễn, tại Nhà hát Thành phố, với vở Ca kịch Khát vọng Đam San, vào tối 4.5 và vở Cải lương Khúc tráng ca thành Gia Định, tối chủ nhật ngày 5.5, đều thu hút đông người xem, nhất là các bạn trẻ.
Nói về việc vở Ca kịch Khát vọng Đam San (Tác giả: nhạc sĩ Nguyễn Cường; Biên kịch - Tổng đạo diễn: Hồng Hoa; Tổng biên đạo: NSND Y San Aliô); được chọn để biểu diễn dịp này, bà Nguyễn Thị Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Đắk Lắk chia sẻ: Đắk Lắk được biết đến với những sử thi hùng tráng về lịch sử phát triển của xã hội Tây Nguyên xưa như: Khing Ju, Xinh Nhã,... Đặc biệt, sử thi Dam Săn là một trong những tác phẩm tiêu biểu, là thể loại văn học được sáng tạo từ trí tưởng tượng phong phú, lãng mạn, bay bổng của đồng bào Ê đê Tây Nguyên thời cổ đại.
Qua vở ca kịch này, người xem được đến với quá khứ hào hùng trong những buổi đầu của thời kỳ liên minh bộ tộc, được gặp gỡ những tù trưởng anh hùng, mà nổi bật nhất là người anh hùng Dam Săn, đã cùng buôn làng của mình chiến đấu, thu phục kẻ thù, chinh phục thiên nhiên vì sự ổn định và phát triển phồn vinh của bộ tộc…Tất cả làm nên một khúc ca ân tình, ngợi ca về vẻ đẹp tình yêu của con người giao hòa với thiên nhiên, cũng là thông điệp của ca kịch này. Có thể nói, Khát vọng Dam Săn chính là khát vọng về tinh thần đại đoàn kết, vì cộng đồng của các dân tộc trên địa bàn Đắk Lắk cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, giàu đẹp hơn.
“Chúng tôi mong muốn thông qua vở ca kịch cũng như chương trình nghệ thuật trong chuỗi hoạt động giao lưu, sẽ giúp mọi người thêm hiểu và thêm yêu văn hóa Tây Nguyên, khơi niềm hứng khởi để đến với vùng đất Tây Nguyên - Đắk Lắk trải nghiệm khám phá trong thời gian tới”, bà Nguyễn Thị Phương Hiếu bày tỏ.
Trong khi đó, vở Cải lương Khúc tráng ca thành Gia Định (tác giả: Phạm Văn Đằng, biên tập: Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ) là tác phẩm sử Việt tiêu biểu gần đây nhất của sân khấu cải lương TP. Hồ Chí Minh. Vở cải lương kể về tấm gương anh hùng yêu nước của nhân vật Võ Duy Ninh - người được triều đình nhà Nguyễn thăng chức Tổng trấn Định Biên, quản nhiệm 2 tỉnh Gia Định và Biên Hòa. Khúc tráng ca thành Gia Định tái hiện một chương lịch sử đau thương mà hào hùng của vùng đất Gia Định những ngày đầu Pháp xâm lược nước ta.
TP.HCM phải là Thành phố đa dạng và có những đầu tư cho văn hóa một cách đậm nét
Chia sẻ với Văn Hóa, NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP. Hồ Chí Minh cho hay: Nằm trong chuỗi các hoạt động để quảng bá văn hóa - du lịch của Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng đến nhân dân TP. Hồ Chí Minh, thì Sở VHTT TP. Hồ Chí Minh phối hợp Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk tổ chức chuỗi hoạt động giao lưu quảng bá nghệ thuật năm 2024, với các hoạt động trải dài từ nay đến cuối năm. Trong đó, tập trung giới thiệu các loại hình nghệ thuật đặc sắc, ca múa nhạc dân tộc để quảng bá và lan tỏa bản sắc văn hóa đến người dân và du khách. Đặc biệt, hai đêm diễn được coi là điểm nhấn của đợt giao lưu là vở Ca kịch Khát vọng Đam San và vở Cải lương Khúc tráng ca thành Gia Định.
“Chúng tôi chọn những vở diễn được đầu tư kỹ lưỡng và mang tính chất tiêu biểu của hai địa phương trong thời gian gần đây, về hai loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian, để mong muốn giới thiệu đến nhân dân TP. Hồ Chí Minh và du khách nét son của nghệ thuật hai vùng miền, hai địa phương”, NSND Thanh Thúy nhấn mạnh.
Theo Phó Giám đốc Sở VHTT TP. Hồ Chí Minh: “Để mở rộng hơn hoạt động này, trong thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh đang xin chủ trương của UBND TP, dự kiến khoảng cuối tháng 5.2024, tổ chức chuyến giao lưu văn hóa, đến với các địa điểm, địa danh lịch sử, các địa chỉ đỏ, gắn với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử để hướng tới kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Và chặng đường đi đó, chúng tôi sẽ trải dài trên cung đường phía Đông Trường Sơn, trong đó có Đắk Lắk…
Tất cả các hoạt động đó kéo thành một chuỗi sự kiện để chúng ta hướng đến thiết thực kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk vào cuối năm nay”.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường, tác giả vở ca kịch Khát vọng Dam Săn xúc động cho biết: Ông rất vui vì TP. Hồ Chí Minh được đón những người con của Tây Nguyên - Đắk Lắk và đặc biệt là văn hóa của họ, vì văn hóa chính là tâm hồn của đồng bào Tây Nguyên.
“Những ngày giao lưu văn hóa - văn nghệ của Đắk Lắk tại TP. Hồ Chí Minh đã tạo thêm sự đa sắc âm nhạc và văn hóa cho Thành phố mang tên Bác. Đặc biệt, với ca kịch Khát vọng Dam Săn, đây là tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của dân tộc Ê đê ở Tây Nguyên. Tôi thấy rất xúc động khi nhìn thấy nhiều bạn trẻ đến xem ca kịch”, nhạc sĩ Nguyễn Cường bày tỏ và mong muốn có thêm nhiều chương trình giao lưu nghệ thuật để qua đó kết nối tình cảm, kết nối âm nhạc và làm giàu thêm bản sắc văn hóa giữa các địa phương, dân tộc.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy chia sẻ thêm: “TP. Hồ Chí Minh là nơi hội tụ, đa dạng các loại hình văn hóa và tộc người. Chúng tôi kỳ vọng Thành phố sẽ là điểm đến của rất nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật khác nhau, vừa có nghệ thuật chuyên nghiệp cũng như nghệ thuật dân gian…
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo rằng mỗi tháng TP. Hồ Chí Minh phải có một sự kiện tiêu biểu. Để hướng đến điều đó, chúng tôi mong rằng bên cạnh việc phải đầu tư cho nhiều sự kiện có quy mô, có nét riêng, mang dấu ấn đặc trưng, thì những hoạt động cuối tuần, tại không gian văn hóa Thành phố với những khu vực tập trung đông người để chúng ta tạo những điểm nhấn, điểm hẹn quen thuộc cho người dân và du khách.
TP. Hồ Chí Minh phát triển về kinh tế, là cửa ngõ giao thương, hội nhập quốc tế mạnh mẽ, nhưng đồng thời cũng phải là Thành phố đa dạng và có những đầu tư cho văn hóa một cách đậm nét. Đắk Lắk hay sắp tới đây là ‘Những ngày Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh’ sẽ là một trong những hoạt động cụ thể hóa về chủ trương đó”.