Cầu nối giữa 'ý Đảng với lòng dân' ở khu vực biên giới tỉnh Gia Lai
Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia (BGQG), giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới (KVBG) thời gian qua, ngoài việc triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai còn đặc biệt quan tâm chăm lo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tăng cường xã; đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, làng; đảng viên đồn Biên phòng phụ trách hộ gia đình ở KVBG.
Đây chính là những cánh tay nối dài của BĐBP trong việc vận động toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân góp sức xây dựng KVBG ngày càng vững mạnh.
KVBG của tỉnh Gia Lai có 49 thôn, làng thuộc 7 xã, 3 huyện (Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông) với 20 dân tộc anh em sinh sống; hệ thống chính trị cơ sở 7 xã biên giới có 7 đảng bộ, 86 chi bộ. Những năm qua, hoạt động của hệ thống chính trị ở các thôn, làng vẫn còn nhiều hạn chế; tình hình hoạt động của các loại tội phạm, ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường; thiên tai, dịch bệnh... diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động đến mọi mặt đời sống xã hội của nhân dân và kết quả triển khai thực hiện các chương trình, mô hình, phong trào cũng như công tác dân vận của BĐBP tỉnh ở KVBG.
Xác định chăm lo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tăng cường xã; đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, làng; đảng viên đồn Biên phòng phụ trách hộ gia đình ở KVBG là nội dung quan trọng, hàng đầu trong việc củng cố cơ sở chính trị, tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở KVBG, Đảng ủy BĐBP tỉnh thường xuyên duy trì có hiệu quả quy chế phối hợp hoạt động với Huyện ủy các huyện biên giới, trong đó chú trọng tập trung phát hiện, bồi dưỡng phát triển đảng viên mới, không ngừng nâng cao chất lượng sinh hoạt và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng.
Trong 4 năm qua (2020-2024), 7 xã biên giới đã kết nạp được 184 đảng viên mới, trong đó có 117 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Hằng năm, có trên 90% chi bộ trực thuộc đảng bộ các xã hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 15% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hầu hết Đảng bộ các xã đều đạt trong sạch vững mạnh; các tổ chức đoàn thể quần chúng như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... đều hoạt động hiệu quả, nền nếp và có chiều sâu.
Nói về vai trò và sự đóng góp của đội ngũ cán bộ Biên phòng tăng cường xã, bà Phạm Thị Thơm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ia Chía, huyện Ia Grai cho biết: "Điểm chung của các cán bộ Biên phòng tăng cường xã là luôn tích cực nghiên cứu, học hỏi nâng cao trình độ về công tác Đảng, sớm tiếp cận và hòa nhập với môi trường công tác mới, nhanh chóng thích nghi với các hoạt động của địa phương; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có những chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đề ra. Đồng thời, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn”.
Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, cấp ủy, chỉ huy các đồn Biên phòng đã lựa chọn những đồng chí đảng viên đồn Biên phòng có đầy đủ phẩm chất, năng lực công tác phân công tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, làng. Hiện nay, BĐBP tỉnh có 49 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 49 thôn, làng biên giới. Đội ngũ này đã phát huy được tính tiền phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên BĐBP, tham mưu, giúp các chi bộ xây dựng nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm, tháng đúng quy định, sát với tình hình, duy trì sinh hoạt chi bộ có nền nếp.
Thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ đã kịp thời thông tin cho đảng viên về nhiệm vụ công tác biên phòng, tình hình an ninh BGQG, trật tự an toàn xã hội; chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chi bộ lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết, nâng cao chất lượng sinh hoạt, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ và các thủ tục hành chính của Đảng; củng cố mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với chi bộ thôn, làng, giữa chi bộ thôn làng với cán bộ BĐBP, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác phát triển đảng viên mới.
Cùng với đó, các đồn Biên phòng đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể các xã biên giới tiến hành khảo sát, lựa chọn các hộ gia đình để phân công đảng viên phụ trách, trong đó đã tập trung lựa chọn các gia đình là hộ nghèo, chính sách, gặp khó khăn về kinh tế, các hộ gia đình có yếu tố liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để vận động, giúp đỡ.
Hiện nay, BĐBP tỉnh có 195 đảng viên phụ trách 775 hộ gia đình ở KVBG. Đội ngũ này đã phát huy vai trò, trách nhiệm, tổ chức thực hiện nghiêm túc, chủ động nắm hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ xã hội, quan hệ dân tộc, thân tộc hai bên biên giới và các mối quan hệ liên quan trực tiếp đến hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở KVBG, làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương, vận động, hướng dẫn các hộ gia đình lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giúp đỡ các cháu học sinh trong việc học tập.
Có thể nói, việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ tăng cường xã; đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, làng; đảng viên đồn Biên phòng phụ trách hộ gia đình ở KVBG là một chủ trương đúng đắn của BĐBP đã giúp cấp ủy, chính quyền địa phương các xã biên giới tháo gỡ khó khăn trong lãnh đạo, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của địa phương; đây cũng chính là cầu nối giữa gắn kết ý Đảng với lòng dân ngày càng vững chắc.