Đánh thức tiềm năng du lịch Điện Biên
Những ngày trước thời điểm diễn ra lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, trên khắp nẻo đường của tỉnh Điện Biên, đặc biệt là ở Khu di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, những dòng người không ngớt đổ về thăm vùng đất lịch sử, nơi làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Về với “báu vật” Điện Biên Phủ
Theo ước tính của Sở VH-TT-DL tỉnh Điện Biên, dịp kỷ niệm này, mỗi ngày TP Điện Biên Phủ đón khoảng 5.000 du khách, có những ngày cao điểm lượng khách tăng gấp đôi dẫn đến hiện tượng quá tải của các cơ sở lưu trú.
Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cho biết, dự án nâng cấp mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên hoàn thành đưa vào khai thác trở lại với các đường bay thẳng đến 2 trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước là Hà Nội và TPHCM đã tạo điều kiện cho lưu thông, thu hút đầu tư và quảng bá, thu hút du lịch đến với Điện Biên. Hoạt động du lịch phát triển nhanh, bước đầu đã hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, đa dạng.
Sở hữu tiềm năng, lợi thế to lớn, ngành du lịch Điện Biên có nhiều cơ hội tăng trưởng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Điện Biên đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Bắc và cả nước; là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, Điện Biên vẫn đang vướng những “điểm nghẽn” lớn, khiến những tiềm năng về du lịch chưa được khai thác đúng giá trị và lợi thế.
Điện Biên có “báu vật” tầm quốc tế, đó là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, đã được trùng tu, tôn tạo từ năm 2004. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Điện Biên, giá trị di tích đặc biệt này chưa được phát huy hết, hầu hết mới chỉ duy trì hoạt động tham quan thuần túy (tự tham quan hoặc có hướng dẫn viên thuyết minh) mà chưa có các hoạt động trải nghiệm thực tế hóa thân thành nhân vật, hoạt động tham quan hiện đại (xem phim 3D, thuyết minh tự động, thực cảnh...). Các hoạt động dịch vụ tại di tích rất hạn chế do khó khăn trong việc thu hút các nguồn lực. Do đó, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ không chỉ trước mắt mà cần hướng đến lâu dài, không những đối với du khách trong nước mà còn tạo sự ấn tượng sâu sắc đối với du khách quốc tế.
Cần những “đặc sản” du lịch riêng biệt
Khi đến huyện Mường Ảng, cửa ngõ vào TP Điện Biên Phủ, chúng tôi có dịp “check-in” ở đèo Tằng Quái. Đây là một điểm “check-in” đặc biệt yêu thích của du khách. Anh Lưu Hồng Sơn, một nhiếp ảnh gia ở Hà Nội, cho biết, đây là điểm săn mây yêu thích của anh. “Đến với Điện Biên, không chỉ có du lịch lịch sử, mà thiên nhiên Điện Biên cũng đặc biệt tươi đẹp, đậm dấu ấn đặc trưng Tây Bắc”, anh Sơn chia sẻ.
Hiện huyện Mường Ảng đang có đề án khảo sát rừng ban cổ ở bản Nậm Cứm, xã Ngối Cáy, đầu tư phát triển thành điểm du lịch “có 1 không 2” của Điện Biên. Vốn dĩ, hoa ban là “đặc sản” của Điện Biên, và tại bản Nậm Cứm có khoảng 1.250 gốc ban cổ. Mỗi độ tháng 3 hàng năm, cả bản lại chìm vào sắc trắng hoa ban.
“Cảnh sắc rừng ban trắng cổ thụ, đường đi uốn lượn, bản làng nguyên sơ trên sườn núi kỳ vĩ sẽ là những trải nghiệm khó quên, không thể bỏ qua đối với bất kỳ du khách nào tới khám phá Nậm Cứm, khám phá Tây Bắc”, Bí thư Huyện ủy Mường Ảng Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ.
Cùng với số ban cổ đã có sẵn, huyện Mường Ảng tiếp tục cho trồng ban quanh các sườn núi quanh bản; trồng thêm đào, lê và các giống cây bản địa cho hoa vào các mùa khác nhau để tạo nên cảnh sắc tươi đẹp quanh năm cho Nậm Cứm. Song song đó, hỗ trợ phục dựng các căn nhà người Mông ở bản để góp phần gìn giữ, khai thác sâu về văn hóa bản địa…
Ngành du lịch được tỉnh Điện Biên chọn làm ngành kinh tế mũi nhọn nên cần có những giải pháp mang tính “chìa khóa”, tạo ra sự đột phá. Trong đó, cần tìm ra những sản phẩm độc đáo, riêng biệt, chỉ có ở Điện Biên, đồng thời tìm ra những giá trị tiềm ẩn và làm thế nào để những giá trị tiềm ẩn đó được phát lộ, được khơi dậy, tạo thành những giá trị lớn hơn.