Xã hội

Đổi mới công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Phương Linh 07/05/2024 - 07:03

Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi, thời gian qua, công tác dân vận ở vùng ĐBDTTS được hệ thống chính trị các cấp của tỉnh chú trọng thực hiện.

Hòa Bình có tỷ lệ ĐBDTTS chiếm trên 74%, 145/151 xã thuộc vùng ĐBDTTS và miền núi, chiếm 96% tổng số xã trên toàn tỉnh. Trong đó có 59 xã khu vực III, 12 xã khu vực II, 74 xã khu vực I và 86 thôn, xóm diện đặc biệt khó khăn. Xác định việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận vùng ĐBDTTS là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội đã triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện công tác dân tộc gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

dt_652024625_z5412644167975_312380afea367f9ba4bdffaa92afd9ea.jpg
Các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng xóm và người có uy tín xóm Lột, xã Kim Lập (Kim Bôi) tham khảo thông tin báo Đảng địa phương phục vụ công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Theo đồng chí Bùi Tiến Lực, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các cấp ủy đã lãnh đạo, cụ thể hóa các văn kiện của Đảng về công tác dân vận, công tác dân tộc vào tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Đồng thời, chủ động ban hành các văn bản về công tác dân tộc, phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi. Đặc biệt, tỉnh đã phân công 134 đồng chí cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh theo dõi phụ trách 151 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh để kịp thời nắm bắt tình hình triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy về công tác dân vận vùng ĐBDTTS, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án đối với vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn. Chỉ đạo các sở, ngành tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc tìm việc làm, phát triển các mô hình sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo tại địa bàn đặc biệt khó khăn. Đến nay đã tạo sinh kế cho 72.603 hộ hưởng lợi, hỗ trợ nhân rộng 45 mô hình giảm nghèo với 2.944 hộ tham gia, bình quân mỗi năm có ít nhất 15% hộ tham gia dự án thoát nghèo; 100% người nghèo, người DTTS sinh sống tại vùng điều kiện KT-XH khó khăn được cấp phát miễn phí thẻ bảo hiểm y tế.

Cùng với công tác dân vận của Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh chủ động xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, đổi mới phương thức công tác dân vận trong vùng ĐBDTTS. Đồng chí Đỗ Duy Sâm, Trưởng phòng Tuyên truyền và địa bàn (Ban Dân tộc tỉnh) cho biết: Tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng ĐBDTTS và miền núi, tỉnh chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ là người DTTS trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Từ năm 2020 đến nay đã có hơn 8 nghìn cán bộ, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành, trong đó, đào tạo trình độ đại học, sau đại học cho 852 cán bộ DTTS, chiếm trên 60%; trình độ lý luận chính trị cho 1.659 cán bộ DTTS, chiếm trên 67% và đào tạo khác chiếm trên 57%. Công tác tuyển dụng, bố trí, luân chuyển cán bộ ngày càng đi vào nền nếp, góp phần tích cực trong việc tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý người DTTS.

Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh làm tốt nhiệm vụ xây dựng, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng ĐBDTTS. Đến nay, toàn tỉnh có 1.276 người có uy tín trong vùng ĐBDTTS. Đây là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc tiếp tục được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển KT-XH. Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu mức thu nhập bình quân đầu người trong vùng ĐBDTTS tăng lên gấp 2,5 lần; tỷ lệ hộ nghèo ĐBDTTS giảm từ 2,5 - 3%/năm; 100% ĐBDTTS có nơi ở ổn định, an toàn… Để đạt được mục tiêu đề ra, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 16, ngày 2/1/2024 về việc nâng cao chất lượng công tác dân vận vùng ĐBDTTS và miền núi nhằm phát huy ý thức tự lực, chủ động của ĐBDTTS trong phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững. UBND tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện đề án. Theo đó, tỉnh xác định đổi mới mạnh mẽ tư duy của các cấp ủy Đảng đối với công tác dân vận trong vùng ĐBDTTS và miền núi, nhất là cấp cơ sở. Nâng cao chất lượng thể chế, tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc gắn với thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Truyền thông chính sách giúp người dân tiếp cận đầy đủ thông tin về chính sách dân tộc, đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền, truyền thông. Tập trung vận động để nhân dân phát huy sức mạnh nội lực, khơi dậy mạnh mẽ ý thức tự lực, chủ động, ý chí, khát vọng làm giàu, nâng cao mức thu nhập, ổn định cuộc sống.

Phương Linh