Tiêu điểm

Tự hào trang sử vẻ vang của dân tộc

Đinh Đông - Ngọc Duy 06/05/2024 - 15:57

Những ngày này, không khí cả nước đang sục sôi, tưng bừng tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động hướng về 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son chói lọi của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ở Lai Châu, các cấp, các ngành đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên những cựu chiến sĩ Điện Biên năm xưa; lớp thế hệ trẻ quây quần bên những người lính Cụ Hồ nghe kể về một thời oanh liệt và rất đỗi hào hùng của dân tộc; ôn lại lịch sử vẻ vang về chiến dịch Điện Biên Phủ - lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, để thêm yêu và tự hào đất nước Việt Nam kiên cường, bất khuất.

1
2
3

Trở về thị trấn Tân Uyên ngày đầu tháng 5, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, bản tin về chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa vang khắp các con đường, ngõ phố, khiến chúng tôi dâng trào cảm xúc nghẹn ngào khó tả. Tìm đến căn nhà nhỏ của cựu chiến sĩ Điện Biên Vũ Văn Tri ở thị trấn Tân Uyên, hình ảnh hiện ra trước mắt chúng tôi là 3 người lính già, râu tóc bạc phơ, nụ cười hiền hậu, 2 bên ngực đeo đầy huân huy chương kháng chiến, huy hiệu 65, 70 năm tuổi Đảng. Cùng đi với chúng tôi có lãnh đạo Đảng uỷ, cựu chiến binh và đoàn thanh niên thị trấn Tân Uyên.

33

Trong ngôi nhà ấm cúng đó, đoàn chúng tôi được nghe các cựu chiến sĩ Điện Biên kể về những năm tháng gian khổ, anh dũng chiến đấu hy sinh để giành chiến thắng trước thực dân Pháp tàn ác. 98 tuổi, ông Vũ Văn Tri vẫn còn nhớ như in về trận đánh Him Lam, Đồi Độc Lập, A1.

44

Ký ức của cựu chiến sĩ Điện Biên Trần Đức Luận - 92 tuổi là trận đánh đồi Độc Lập thật khốc liệt. Hình ảnh đồng đội lần lượt ngã xuống vì pháo, đạn của địch. “Trận đánh Độc Lập, chúng tôi hy sinh một nửa số người” nói đến đây, nước mắt ông Luận ứa trào, bởi trong trận chiến ấy, bộ đội ta hy sinh nhiều quá. Địch tấn công dữ dội, khi đó ta không đặt được pháo vào hầm, bộ đội phải nằm trên mặt đất.

Những năm tháng của chiến tranh, biết bao chàng trai, cô gái từ mọi miền đất nước, theo tiếng gọi cách mạng lên đường nhập ngũ. Họ mang tuổi trẻ, thanh xuân để giành lại hoà bình, tự do cho Tổ quốc, nhân dân. Ông Hoàng Bá Miêng - 92 tuổi, quê ở Hà Tĩnh chia sẻ với chúng tôi về ngày tháng gian khổ trong chiến dịch Điện Biên Phủ với 56 ngày đêm kiên cường, bất khuất. Ông Miêng kể: Tết năm 1954, khi chúng tôi từ Lào quay trở về Điện Biên, trên đường đi mỗi người được 1 nắm xôi bằng quả trứng gà, anh em vui sướng lắm. Đánh Him Lam thắng, chúng tôi hành quân sang đồi Độc Lập, A1, E, suốt ngày đêm, không kéo pháo thì anh em đào hầm, hào giao thông cho bộ đội tiến công. Lúc địch nhảy dù, thả đồ xuống, chúng tôi đi lấy, có hôm được hòm bánh mỳ thì anh em thoải mái chia nhau ăn, tiếp sức đào, có hôm vớ được hòm lựu đạn cho bộ binh. Cứ như vậy, chúng tôi làm việc không ngừng nghỉ cho đến khi chiến dịch thắng lợi.

555
66
1111

Được biết, trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, nhân dân các dân tộc Lai Châu đã đóng góp 2.666 tấn gạo, 226 tấn thịt, 210 tấn rau xanh; huy động 16.972 dân công với 568.139 ngày, 348 ngựa thồ, 62 thuyền, hàng trăm mảng, góp 25.070 cây gỗ các loại để chống lầy, làm đường cho xe pháo và bộ đội vượt qua. Tuy đóng góp nhỏ so với các địa phương trên cả nước nhưng đó là sự cố gắng vượt bậc của cán bộ và đồng bào các dân tộc Lai Châu lúc bấy giờ trong điều kiện chiến tranh khốc liệt, tình hình kinh tế còn nghèo nàn.

Không những thế, phát huy truyền thống yêu nước, Đảng bộ, quân, dân Lai Châu luôn tích cực cùng quân và dân cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975; làm tròn nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào; nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh. Anh dũng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, đẩy mạnh thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước.

77
88

Những hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ trong thời chiến, đặc biệt là đóng góp của cựu chiến binh, dân công hoả tuyến theo tiếng gọi của Tổ quốc thân yêu, xung phong lên vùng đất Lai Châu khai hoang lập nghiệp đã đặt nền móng vững chắc cho Lai Châu phát triển như hôm nay. Từ đôi bàn tay lao động, sự cần cù chăm chỉ, tinh thần bất khuất, kiên cường, không ngại khó, ngại khổ, những người lính Cụ Hồ cùng nhân dân các dân tộc Lai Châu biến vùng đất cằn sỏi đá, khu đồi hoang cỏ dại thành các nông trường chè xanh bạt ngàn, cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay đến khu rừng cao su tốt tươi…

Và hôm nay, khi đất nước đang đổi mới, Lai Châu đã gặt hái được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, kinh tế phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng bình quân trong 20 năm đạt trên 9%/năm; thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng 70 lần so với năm 2004, từ 31 tỷ đồng lên trên 2.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh hình thành các vùng sản xuất hàng hoá lớn: trên 3.800ha lúa hàng hóa, trên 9.800ha chè; trên 12.900ha cây cao su; gần 12.000ha quế, 11.063ha cây dược liệu. Công nghiệp tiếp tục phát triển theo định hướng, chiếm tỷ trọng trên 38% trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Đảng bộ và hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…

456

Có thể thấy rằng, 70 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa và bài học lịch sử của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn luôn là động lực mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh to lớn, niềm tin vững chắc để cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Lai Châu phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc xây dựng quê hương Lai Châu giàu đẹp. Góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xây dựng đất nước ta ngày càng phát triển hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn.

Đinh Đông - Ngọc Duy