Nghề cói Kim Sơn trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 1150/QĐ-BVHTTDL đưa Nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghề cói Kim Sơn là nghề thủ công truyền thống được hình thành từ hàng trăm năm trước. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nghề cói ngày càng thể hiện được vị thế của mình và phát triển cho tới ngày nay.
Các sản phẩm cói Kim Sơn đa dạng về mẫu mã, màu sắc, hoa văn bắt mắt với nhiều loại như thảm, làn, khay, hộp, đĩa, cốc, tách, mũ, dép, túi xách... Trong đó có nhiều sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP của tỉnh như gương cói, túi cói, bình hoa.
Hiện nay, nghề cói Kim Sơn giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động nông nhàn, đóng góp khoảng 70-80% giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp hàng năm của huyện. Sản phẩm cói mỹ nghệ Kim Sơn đã được xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với chất lượng ngày càng được nâng cao.
Như vậy, đến thời điểm này Ninh Bình đang sở hữu 7 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội Hoa Lư, Nghệ thuật hát Xẩm, Lễ hội làng Bình Hải, Nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, Nghề thủ công truyền thống nghề thêu-ren Ninh Hải, Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường và Nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn.