Hành trình vun đắp khối đại đoàn kết dân tộc
78 năm qua, từ Nha Dân tộc thiểu số đến Ủy ban Dân tộc – Cơ quan công tác dân tộc đã làm tốt sứ mệnh tham mưu, xây dựng để Nhà nước ban hành hệ thống chính sách phát triển vùng DTTS và miền núi. Việc triển khai hiệu quả chính sách dân tộc đã tạo cơ hội phát triển bình đẳng giữa các dân tộc, qua đó không ngừng củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Trong lịch sử phát triển của đất nước ta, các dân tộc và vấn đề dân tộc luôn giữ vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều 5 - Hiến pháp 2013 quy định: “Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”.
Tư tưởng đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân tộc giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Trải qua các thời kỳ cách mạng, quan điểm của Đảng về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện, phát triển.
Tiếp tục khẳng định quan điểm của các kỳ đại hội trước, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã phát triển quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc lên tầm cao mới. Nghị quyết bổ sung một số nội dung, phương châm nhằm tiếp tục tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, như: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; xác định rõ hơn vai trò “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ”.
Dõi theo tiến trình kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) đến nay có thể thấy rõ, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường, trên nguyên tắc “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”. Sau khi thành lập Nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 58/SL, ngày 3/5/1946 quy định về cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số. Đây là cơ quan quản lý Nhà nước đầu tiên về lĩnh vực dân tộc của nước ta. Nha Dân tộc thiểu số có nhiệm vụ “xem xét các vấn đề chính trị và hành chính thuộc về các dân tộc thiểu số trong nước và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất Việt Nam”.
Trải qua 78 năm, từ Nha Dân tộc thiểu số đến Ủy ban Dân tộc hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Cơ quan làm công tác dân tộc đã tham mưu, xây dựng để Quốc hội, Chính phủ ban hành những quyết sách phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, qua đó cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề dân tộc, đại đoàn kết dân tộc.
Theo số liệu được Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Thanh Hà Niê Kđăm đưa ra tại Hội thảo “Xác định nội hàm và việc áp dụng trong hệ thống chính sách, pháp luật một số thuật ngữ (khái niệm) liên quan vấn đề dân tộc và phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi” diễn ra ngày 11 - 12/4/2024, bên cạnh những chính sách dân tộc quy định tại Hiến pháp năm 2013, đến nay, Quốc hội đã thông qua hơn 90 luật và hơn 50 nghị quyết liên quan đến chính sách dân tộc; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ban hành hơn 640 văn bản có quy định về dân tộc, chính sách dân tộc.
Một trong những thành tựu to lớn của lĩnh vực công tác dân tộc kể từ khi Nha Dân tộc thiểu số thành lập đến nay, là hệ thống chính sách dân tộc đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở đó xây dựng nền tảng để phát triển toàn diện, bền vững cho vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng, của cả nước nói chung. Đặc biệt, chính sách dân tộc đã góp phần giải quyết cơ bản những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất ở vùng DTTS và miền núi.
Nguồn lực từ các chính sách cùng sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đã từng bước tạo cơ hội phát triển bình đẳng, công bằng cho các DTTS, nhất là những cộng đồng DTTS cư trú ở những địa bàn đặc biệt khó khăn, có dân số rất ít người. Qua đó tăng cường niềm tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước, tiếp tục củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Báo cáo với Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (tháng 6/2023), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, công tác dân tộc được thực hiện thông qua các chủ trương của Đảng, các quy định pháp luật và hệ thống chính sách liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực. Qua đó, góp phần quan trọng trong thực hiện chiến lược đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cũng khẳng định, công tác dân tộc là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, cấp bách của Đảng và Nhà nước ta. Nhiều chính sách cho vùng đồng bào DTTS và người DTTS đã được ban hành, triển khai hiệu quả.
Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và sự nỗ lực cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đã có bước phát triển rõ rệt; cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực; sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú; thu nhập được cải thiện, an ninh trật tự được giữ vững; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường.