Chiến dịch Điện Biên Phủ qua hồi ức kéo pháo của cựu chiến binh dân tộc Thái
Dù tai không còn nghe rõ, mắt không còn nhìn rõ, nhưng ký ức về những ngày kéo pháo ở chiến trường Điện Biên Phủ đối với ông Lò Văn Inh chỉ mới như ngày hôm qua.
"Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", đây là lời hiệu triệu thiêng liêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cách đây hơn 70 năm.
Phong trào tòng quân, nhập ngũ diễn ra sôi nổi. Đồng bào các dân tộc Tây Bắc cùng xung phong lên tiền tuyến, trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ.
Những thanh niên dân tộc thiểu số ở Tây Bắc đã trở thành bộ đội cụ Hồ, với bầu nhiệt huyết cách mạng: "Dù bom đạn, xương tan, thịt nát. Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh".
Huyện biên giới Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên - quê hương của những thanh niên dân tộc Thái năm xưa đã xung phong ra chiến trường để bảo vệ Tổ quốc.
Hơn 70 năm trước, người thanh niên dân tộc Thái Lò Văn Inh vừa lập gia đình và có người con trai đầu lòng.
Khi ấy, khắp miền Tây Bắc, đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao, Hà Nhì... thi đua phục vụ hậu cần cho chiến dịch. Còn ông Lò Văn Inh quyết định xung phong lên chiến trường.
Giờ đã 95 tuổi, tai không còn nghe rõ, mắt không còn nhìn rõ, nhưng ký ức về những ngày kéo pháo ở chiến trường Điện Biên Phủ đối với ông chỉ mới như ngày hôm qua.
"Pháo ở đằng sau, ngụy trang hết cả xe ô tô. Chỗ nào khó khăn thì xúm vào kéo. Lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Lòng quyết tâm đánh, đánh thắng bằng được", ông Lò Văn Inh, cựu chiến binh Sư đoàn 316, xã Chà Tở, Nậm Pồ, Điện Biên, kể lại.
Cả huyện biên giới Nậm Pồ giờ chỉ còn lại 3 cựu chiến binh từng tham gia phục vụ tại chiến trường Điện Biên Phủ. Họ đều là đồng bào dân tộc.
"Muốn thắng địch phải đưa pháo đi xa, khiêng, kéo pháo vào gần địch mà bắn, trăm phát trúng cả trăm thì đồn nào mà không hạ được", lời nói của Bác khi tới thăm một Đại đoàn Pháo binh vào năm 1952 đã trở thành tư tưởng chỉ đạo tác chiến, phương châm hành động và quyết tâm chiến đấu của bộ đội pháo binh.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, mỗi khẩu pháo nặng hàng mấy tấn thép được kéo lên dốc, xuống dốc trên những cung đường quanh co, đoạn thì dốc cao, đoạn thì vực sâu thẳm.