Kinh tế

Làm giàu từ những cây trồng thích ứng với hạn, mặn

Văn Vĩnh 02/05/2024 - 16:27

Trước tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, nhiều nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất sang các loại cây trồng thích ứng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Thái Đắc Trọng (39 tuổi, ngụ quận Ô Môn, TP Cần Thơ), sở hữu hàng nghìn chậu xương rồng trồng trong nhà kính - loại cây cảnh vô cùng được ưa chuộng. Với kinh nghiệm đúc kết được, từ 10 chậu xương rồng ban đầu, ông đã thuê 1.000m2 đất gần nhà để mở rộng sản xuất. Trên diện tích lớn, ông đã đầu tư khoảng 500 triệu đồng để trồng xương rồng trong nhà kính và nhập khẩu nhiều giống mới từ Thái Lan, Trung Quốc về thuần dưỡng và nhân giống.

t5-1714439541297.jpg
Ảnh minh họa

Việc trồng trong nhà kính mang lại nhiều ưu điểm như quản lý nguồn nước tưới dễ dàng, cây ít bị nấm bệnh hơn. Các loại xương rồng chăm sóc tương tự nhau, chỉ cần đất thoáng, thoát nước tốt. Nhờ đúc kết được kinh nghiệm, hiện nay vườn của ông Trọng có hàng nghìn chậu xương rồng với hơn 500 chủng loại khác nhau, trong đó nhiều nhất là các loại. Giá bán dao động từ vài trăm ngàn đến hàng chục triệu đồng/chậu tùy loại. Mỗi tháng, ông xuất bán vài trăm cây xương rồng, thu nhập dao động 40-50 triệu đồng.

Trong điều kiện hạn hán như hiện nay, một loại cây trồng không tốn nhiều nước tưới đó là cây tre. Ông Nguyễn Văn Giao (73 tuổi, ngụ phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) trồng tre tứ quý và có được nguồn thu nhập ổn định. Năm 2020, ông Giao quyết định đổi từ trồng mít sang trồng tre. Hiện vườn của ông có tổng cộng 600 gốc tre tứ quý. Đây là loại tre rất khỏe mạnh, không bị sâu bệnh nên không tốn chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật. Ông Giao cũng đầu tư hệ thống tưới tự động để tiết kiệm nước và công lao động.

Ngoài bán măng non, ông Giao còn tận dụng bán thân cây tre già cho người nuôi dúi, lá tre được bán cho một công ty ở Hà Nội. Mỗi năm, lão nông 73 tuổi này góp thêm thu nhập 200 triệu đồng vào kinh tế gia đình. Ở Vĩnh Long, ông Trần Ngọc Quận (44 tuổi, ngụ huyện Bình Tân) đã gặt hái thành công từ việc trồng giống mận hồng MST - loại cây ăn trái mới, trái to, màu sắc bắt mắt và thích hợp với điều kiện hạn hán gay gắt. Ông Quận chia sẻ: "Năm nay, nắng hạn gay gắt nhưng mận hồng vẫn sai trái vì cây không cần quá nhiều nước. Tôi cũng đầu tư hệ thống tưới nước tự động hơn 30 triệu đồng lắp xung quanh gốc để đỡ tốn công. Có thể nói loại loại cây ăn trái này rất phù hợp với điều kiện thời tiết cực đoan", ông Quận nói.

Tại hội thảo giải pháp về nguồn nước vùng ĐBSCL vừa được tổ chức tại TP Cần Thơ, ông Nguyễn Hồng Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nêu ra những thách thức lớn của ĐBSCL, bên cạnh đó là nguồn nước mặt phân bố không đồng đều theo không gian và thời gian. ĐBSCL đang chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt. Về lâu dài, cần chú trọng đặc biệt trong quá trình đầu tư phát triển các ngành phải tuân thủ quy hoạch liên quan đến vùng ĐBSCL, đặc biệt lưu ý định hướng phát triển phù hợp với các vùng sinh thái (nước mặn, nước lợ, nước ngọt).

Còn PGS.TS Lê Anh Tuấn, cố vấn khoa học Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) cho rằng, cần có các giải pháp thuận thiên là điều phải quan tâm để giữ được an ninh nguồn nước và cần phục hồi khả năng hấp thụ và lưu trữ nước tự nhiên ở các vùng trũng, công trình hồ chứa nước lũ và vật dụng chứa nước mưa, xây dựng nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt, hạn chế khai thác nước ngầm, chuyển diện tích lúa - màu sang nuôi trồng thủy sản và tiết kiệm nước.

Văn Vĩnh