Phát triển kinh tế rừng - đúng ý Đảng, hợp lòng dân
Từ những chủ trương, chính sách đúng đắn trong phát triển kinh tế rừng, khoảng 03 năm trở lại đây diện tích rừng trồng mới toàn tỉnh đạt 5.000ha/năm, nâng tỷ lệ độ che phủ lên hơn 73%. Kết quả đó cho thấy khi ý Đảng - lòng dân cùng đồng thuận, ắt sẽ có những trái ngọt cho hôm nay và mai sau.
Vượt qua đèo Bình Văn, chúng tôi đến xã vùng cao Yên Hân vào những ngày tháng 4, đây là một trong những vùng kinh tế trọng điểm phía Đông của huyện Chợ Mới. Cảm nhận khi đặt chân đến đất Yên Hân là diện mạo nông thôn ngày một đổi mới, những cánh rừng đang hồi sinh phủ một màu xanh ngắt của quế, hồi, hứa hẹn mở ra nhiều triển vọng trong phát triển kinh tế tại địa phương.
Ông Lê Phúc Thâm, Chủ tịch UBND xã Yên Hân, khuôn mặt rạng rỡ chỉ về những cánh rừng: “Cách đây chục năm, người dân đã trồng cây lâm nghiệp như: Keo, hồi, quế, nhưng cây keo lại không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, vì vậy xã đã vận động Nhân dân chuyển dần sang trồng quế, hồi, nhờ đó diện tích cây quế phát triển mạnh 03 năm gần đây. Địa phương hiện có khoảng 400ha quế, gần 300ha hồi, đây là cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế khá cho người dân địa phương”.
Đến rừng hồi của gia đình ông Trình Văn Ứng, ở thôn Chà Lấu, xã Yên Hân với diện tích khoảng 1,2ha, chúng tôi ấn tượng không chỉ là vườn rừng rộng, cây hồi phát triển tốt, cho thu hoạch hoa đều đặn mà còn bởi cách ông chăm sóc rừng cây luôn quang đãng, sạch cỏ. Chính tinh thần yêu lao động “Ăn với đồi, ở với rừng” nên rừng hồi của ông năm nào cũng cho 3-4 tấn hoa, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng...
Xác định thế mạnh của địa phương là cây hồi, quế, xã Yên Hân đã đưa nhiệm vụ phát triển kinh tế rừng vào nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hằng năm. Xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân trồng rừng tập trung, phân tán, lựa chọn các loại cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao, phù hợp với yếu tố thời tiết. Nhờ đó, chưa hết nhiệm kỳ 2020-2025, địa phương đã trồng rừng đạt chỉ tiêu nghị quyết giao. Có thể thấy, cây lâm nghiệp đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, năm 2023, xã Yên Hân giảm được 23 hộ nghèo, hiện toàn xã hộ nghèo chỉ còn 20,08% hộ nghèo.
Hộ chị Phạm Thị Thu ở thôn Nà Tấc, xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn cũng được biết đến là một trong những điển hình trong phát triển kinh tế rừng. Năm 1992, khi Nhà nước triển khai Dự án 327, chị đã đăng ký trồng rừng nhưng phải đến năm 2013, chị mới thực sự đầu tư và mở rộng diện tích. Tích cực phát tỉa, chăm sóc, sau 10 năm, chị Thu đã có 10ha rừng quế, keo, mỡ, bồ đề. Ngoài ra chị còn nhận khoanh nuôi, bảo vệ thêm 10ha rừng tự nhiên, trồng được từ 2-3ha lá dong dưới tán rừng, từ mô hình trồng lá dong kết hợp khai thác rừng trồng giúp chị Thu có thu nhập khá. Hiện diện tích khoanh nuôi, bảo vệ có nhiều cây gỗ quý như: Dổi, gù hương... chị thường xuyên thăm nắm, giữ rừng, khai thác hợp lý nguồn lợi thiên nhiên mang lại. Mô hình phát triển kinh tế rừng của chị Thu đã góp phần lan tỏa, rất đáng học hỏi, nhân rộng.
Từ năm 2014 đến năm 2023, tỉnh Bắc Kạn trồng được 62.000ha rừng, trong đó 40.000ha trồng rừng gỗ lớn. Diện tích nghiệm thu sau trồng đạt từ 85% trở lên.
Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng rừng, tỉnh đã bám sát các chính sách của Trung ương, quy định của tỉnh trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cụ thể là Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030… Qua đó, nâng cao hiệu quả trong việc chăm sóc, bảo vệ, phát triển rừng một cách bền vững, tạo động lực cho hoạt động khai thác, sản xuất, chế biến. Nhiều địa phương, phong trào trồng rừng phát triển mạnh như Chợ Mới, Chợ Đồn, Bạch Thông…
Đặc biệt là nhận thức, tư duy của người dân về trồng rừng đã có sự thay đổi, thay vì trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ đã tự chủ động mua cây giống, chú trọng khâu chăm sóc, do vậy giá trị từ rừng ngày một tăng. Đất đồi giờ đây đều được phủ bằng màu xanh của các loài cây lâm nghiệp, với các chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, sẽ mở ra nhiều cơ hội làm giàu từ rừng.