Đời sống

Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc Khmer

Phương Liên 02/05/2024 - 08:48

Cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc đang hiện diện ở vùng đồng bào Khmer nhờ các chính sách của Đảng, Nhà nước. Những đổi thay đó là động lực để đồng bào tiếp tục phấn đấu cùng các cấp, các ngành thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Theo số liệu của Ủy ban Dân tộc, đồng bào Khmer có trên 1,3 triệu người, chiếm 4,45% tổng dân số khu vực Nam bộ. Đồng bào Khmer sinh sống thành cộng đồng, đan xen với các dân tộc Kinh, Hoa và một số dân tộc khác, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam bộ. Đại bộ phận đồng bào sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới; nghề nghiệp chính là sản xuất nông nghiệp, một bộ phận nhỏ sinh sống bằng buôn bán, dịch vụ.

418101427pm42963126pm1.jpg
Giao thông nông thôn vùng đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Phương Liên

Ngày 10/1/2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW về tăng cường công tác ở vùng đồng bào Khmer trong tình hình mới (Chỉ thị số 19). Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19, trong điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung của kinh tế thế giới, sự suy giảm của các nền kinh tế lớn và đặc biệt là đại dịch Covid-19, song được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ; các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer, các xã biên giới. Trọng tâm là giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc về sản xuất, đời sống của đồng bào, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, như: Hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư; hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, chuyển đổi nghề; định canh, định cư gắn với đảm bảo an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa...

Giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện Chương trình 135 trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, toàn khu vực Tây Nam bộ có 95 xã khu vực III, 14 xã biên giới và 417 ấp đặc biệt khó khăn của 10 tỉnh, thành phố được thụ hưởng đầu tư với tổng kinh phí trên 1.721 tỷ đồng, bằng 7,1% vốn Chương trình 135 của cả nước. Từ nguồn vốn này, đã xây dựng được 1.613 công trình, hầu hết là công trình giao thông (1.360 công trình), 43 công trình thủy lợi, 9 công trình điện, 105 công trình văn hóa, 1 công trình y tế, 70 công trình giáo dục, 3 công trình nước sinh hoạt và 22 công trình xây dựng khác... Giai đoạn 2021-2023, hầu hết các chính sách dân tộc được tích hợp vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, các địa phương vùng Tây Nam bộ được phân bổ ngân sách hai năm 2022, 2023 trên 2.707 tỷ đồng.

Nhờ các chính sách, chương trình, dự án nên kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, các xã biên giới, vùng đặc biệt khó khăn được đầu tư phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer giảm bình quân từ 2 - 4%/năm. Khi kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực thì diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng.

Theo ước tính của một số địa phương có thống kê chỉ tiêu về thu nhập bình quân đầu người đối với dân tộc Khmer, nếu như vào thời điểm năm 2021, thu nhập bình quân của đồng bào Khmer mới đạt 21 triệu đồng/người/năm, bằng 37,33% so với thu nhập bình quân của toàn khu vực thì đến năm 2023 đã đạt 25 triệu đồng/người/năm, bằng 40,03% so với thu nhập toàn khu vực. Một số địa phương có thu nhập bình quân đầu người trong dân tộc Khmer cao hơn như: Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau (trên 50 triệu đồng/người/năm).

Chị Thạch Thị Sa Rây, ở xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh nhận xét, bà con Khmer bây giờ đã có điều kiện sử dụng điện thoại thông minh, lại thêm hệ thống Internet phát triển nên có thể thực hiện các thủ tục hành chính trên mạng, sau đó cơ quan chức năng trả kết quả về tận nhà, rất tiện lợi và đỡ tốn kém thời gian, tiền bạc.

371101427pm10563130pm2.jpg
Rộn ràng Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer. Ảnh: Phương Liên

Còn bà Noeng Menl, ở xã An Phú, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang năm nay bước sang tuổi 71 vui mừng nói: “Chúng tôi rất phấn khởi trước sự thay đổi mạnh mẽ của quê hương, càng phấn khởi hơn là cùng với sự đổi thay đó, đời sống của mọi nhà, mọi người Khmer cũng không ngừng được nâng lên, cuộc sống của bà con đã bớt khó khăn hơn rất nhiều nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành”.

Niềm vui của đồng bào Khmer càng được nhân lên trong những ngày tháng 4. Đây là dịp đồng bào Khmer hân hoan chào đón Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay. Năm nay, Tết Chol Chnam Thmay diễn ra từ ngày 14 - 16/4. Vào dịp này, đồng bào tập trung lên chùa đón mừng năm mới theo phong tục truyền thống; cùng nhau cảm nhận và chia sẻ về những đổi thay của quê hương, đất nước; những đổi thay trong cuộc sống, lao động, sản xuất, học tập và cầu ước năm mới mưa thuận gió hòa, gia đình mạnh khỏe, làm ăn tiến bộ.

Với đồng bào Khmer, chùa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, nơi dạy chữ dân tộc, dạy văn hóa và cũng là trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Từ khi có Chỉ thị số 19, hệ thống thư viện công cộng ở các điểm chùa Khmer được củng cố và duy trì hoạt động thường xuyên; hầu hết các chùa được trang bị phương tiện nghe - nhìn, trong đó, 100% chùa có ti vi, cơ bản đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào ở khu vực nông thôn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Hàng năm, nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, Lễ Sen Dolta của đồng bào Khmer Nam bộ, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đều tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa như: họp mặt truyền thống, thăm hỏi, chúc mừng và tặng quà đối với các tổ chức Hội đoàn kết sư sãi yêu nước, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, các vị chức sắc, người có uy tín, gia đình chính sách tiêu biểu, hộ nghèo là dân tộc Khmer...

Sãi cả Chau Khi - Trụ trì chùa Tà Ngáo (sóc Tà Ngáo, xã An Phú, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho hay, dịp Tết Chol Chnam Thmay hàng năm, chùa và bà con dân tộc Khmer rất xúc động khi nhận được sự quan tâm, những tình cảm ấm áp của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các sở, ngành tạo điều kiện giúp đỡ về vật chất, tinh thần để chùa tổ chức lễ đón mừng năm mới trang trọng, đúng nghi thức cổ truyền cho đồng bào. Chùa cũng thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc tuyên truyền, vận động bà con tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước.

Cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc đang hiện diện ở vùng đồng bào dân tộc Khmer nhờ các chính sách của Đảng, Nhà nước. Đó là động lực để đồng bào tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, phấn đấu cùng các cấp, các ngành thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần cùng cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Phương Liên