Bảo vật quốc gia: Thạp đồng Kính Hoa 2 - đẫm chất sông nước của cư dân Đông Sơn
Thạp đồng Kính Hoa 2 với hình các chiến thuyền, hình tượng chim bồ nông, con sam, đã góp phần phản ánh đời sống thấm đẫm chất sông nước của cư dân Đông Sơn.
Người chủ quen tên
Ông Nguyễn Văn Kính, ở 152 Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình, Hà Nội) lại một lần nữa được xướng tên trên "bảng vàng" hồ sơ bảo vật quốc gia vào đầu năm 2024. Theo đó, ông có thêm một bảo vật quốc gia được công nhận - thạp đồng Kính Hoa 2. Hiện vật được đặt tên như vậy để phân biệt với thạp Kính Hoa 1 được công nhận bảo vật quốc gia hồi năm 2022. Ngoài thạp đồng này, ông Nguyễn Văn Kính còn có hiện vật khác cũng là bảo vật quốc gia như trống đồng Kính Hoa 1, trống đồng Kính Hoa 2… Ông là một người chủ bảo vật quốc gia đã quen tên.
Chiếc thạp đồng Kính Hoa này đã phải trải qua 3 cuộc phân tích thành phần hóa học để có thể hoàn thành hồ sơ bảo vật. Lần thứ nhất, thạp được khoan một mẫu ở vị trí chân để phân tích thành phần hóa học bằng phương pháp huỳnh quang tia X. Lần thứ 2, thạp được phân tích thành phần hợp kim bằng phương pháp không phá hủy ở nhiều vị trí khác nhau, đặc biệt là các vị trí phía trong thân thạp. Lần thứ 3, thạp Kính Hoa 2 được lấy mẫu ở nắp và đáy để phân tích bằng phương pháp ICP-MS. Hồ sơ bảo vật quốc gia cho biết, từ các nghiên cứu độc lập này có thể thấy thành phần về cơ bản giống với thành phần hợp kim của các thạp Đông Sơn đã biết ở Việt Nam.
Thạp đồng Kính Hoa 2 có kích thước khá lớn với chiều cao (cả nắp) 54,5 cm, trong đó thân cao 48,6 cm, nắp cao 5,9 cm. Đường kính miệng 41 cm; đường kính đáy 39,4 cm; đường kính nắp 41,4 cm. Với các số đo như vậy, thạp Kính Hoa 2 là một trong những thạp đồng lớn nhất của văn hóa Đông Sơn. Theo các tài liệu hiện biết, chỉ có thạp đồng Đào Thịnh có kích thước lớn hơn thạp Kính Hoa 2.
Mặt thạp đồng Kính Hoa 2 đúc nổi ngôi sao 16 cánh, cánh sao rất mập ở gốc, vút nhọn về phía ngọn. Xung quanh ngôi sao có 6 vành hoa văn đồng tâm với hoa văn chấm dải, hoa văn răng cưa, hoa văn hồ văn chữ S gấp khúc. Đặc biệt, trên nắp đúc nổi 6 khối tượng chim (bồ nông) đứng, đầu hướng ra ngoài, một tượng đã bị gãy, chỉ còn dấu vết gắn ở phần chân chim.
Thân thạp trang trí 16 băng hoa văn, phủ gần kín thân, từ miệng xuống với các hoa văn chấm dải, hoa văn răng cưa, vòng tròn có chấm giữa…
Đời sống sông nước Đông Sơn
Hồ sơ bảo vật quốc gia cho biết, thạp đồng Kính Hoa 2 được đúc bằng phương pháp ghép khuôn nhiều mang. Trong đó thân và nắp được đúc riêng, mỗi phần gồm có một khuôn trong và hai mang khuôn ngoài, hoa văn được khắc và in trực tiếp lên khuôn ngoài. Tại vị trí tượng chim bị gãy có sự gián đoạn của hoa văn, từ đó cho thấy có việc ghép khuôn nắp với khuôn tượng chim trước khi đúc, và do đó tượng chim được đúc liền, nguyên khối với nắp. Trên thân thạp, ở vị trí quai cũng có hiện tượng gián đoạn hoa văn như trên nắp, do đó có thể khẳng định quai thạp cũng được đúc liền với thân.
Thông tin từ Cục Di sản văn hóa Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cũng cho biết thạp đồng Kính Hoa 2 đã được nhiều chuyên gia về văn hóa Đông Sơn nghiên cứu, giám định. Họ đều thống nhất đây là một chiếc thạp Đông Sơn tiêu biểu. Từ các nét tương đồng với nhóm thạp đẹp nhất như Đào Thịnh, Hợp Minh, cũng như tương đồng với trống Đông Sơn đẹp nhất, như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, các nhà nghiên cứu cho rằng thạp cùng thời đại với các hiện vật nói trên. Có nghĩa là thạp có niên đại trong khoảng thế kỷ 3 - 2 trước Công nguyên, cũng là giai đoạn phát triển cực thịnh của văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc Việt Nam.
Về hoa văn trang trí, thạp Kính Hoa 2 có điểm độc đáo là hoa văn hình chuồn chuồn đậu trước mũi thuyền và hoa văn hình con sam ở dưới thân thuyền. Hoa văn hình sam hay chuồn chuồn là hoa văn ít gặp trên đồ đồng Đông Sơn. "Theo tài liệu hiện biết, chỉ có trống Kính Hoa 1 và thạp Kính Hoa 1 là có hoa văn hình sam. Còn lại trên các đồ đồng Đông Sơn nói chung, trên trống và thạp nói riêng, hầu như chưa từng gặp loại hoa văn này. Do đó, hoa văn hình sam và chuồn chuồn được trang trí trên thạp Kính Hoa 2 là một hiện tượng độc đáo, hiếm có", hồ sơ bảo vật cho biết.
Thạp Kính Hoa còn được giới nghiên cứu đánh giá cao nhờ hiện trạng bảo tồn tốt hiếm có của hiện vật này, với lớp patin màu xanh rêu cực kỳ đẹp mắt. Giám định bằng nhiều phương pháp khác nhau cho thấy lớp patin của hiện vật này là nguyên gốc, và chính nó góp phần tạo nên tính độc đáo (unique) của thạp Kính Hoa 2. Có thể nói, đây là chiếc thạp có hiện trạng bảo tồn tốt, với lớp patin tự nhiên đẹp nhất trong các thạp Đông Sơn ở Việt Nam hiện biết.
Hồ sơ bảo vật quốc gia cũng nhấn mạnh về các hình tượng chim bồ nông, chiến thuyền, con sam của thạp. Đây là những hình tượng được đánh giá là "phần phản ánh đời sống thấm đẫm chất sông nước của cư dân Đông Sơn". Vì thế, dù không có nhiều hoa văn tả thực cầu kỳ như trên thạp Đào Thịnh hay Hợp Minh, thì thạp Kính Hoa 2 vẫn là nguồn tư liệu quý để tìm hiểu về đời sống vật chất và tinh thần của người Việt cổ. Thạp đồng Đông Sơn, vì thế cũng thể hiện bản sắc của văn hóa Việt cổ, giúp nền văn hóa này không bị đồng hóa trước sức mạnh bành trướng của nền văn minh phương Bắc trong cả ngàn năm sau đó.