Phát huy bản sắc văn hóa để thu hút khách du lịch
Hoàng Su Phì đã đặt ra một mục tiêu quan trọng là phát triển du lịch và dịch vụ để thúc đẩy ngành kinh tế. Với danh thắng tự nhiên đẹp và những lễ hội truyền thống sôi động, huyện này hứa hẹn sẽ thu hút du khách từ khắp nơi đến khám phá và trải nghiệm văn hóa dân tộc đặc sắc. Điều này không chỉ tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho người dân địa phương mà còn góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh Hà Giang.
Được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan đẹp như: Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang, đỉnh Tây Côn Lĩnh, đỉnh Chiu Lờ Thi cao trên 2.400 m so với mực nước biển, những cánh rừng nguyên sinh, rừng chè Slan Tuyết cổ thụ. Ngoài ra, các thành phần văn hoá độc đáo và phong phú như kiến trúc nhà ở, trang phục truyền thống được người dân bảo tồn và giữ gìn. Huyện cũng có 8 di tích được xếp hạng di sản, trong đó có 4 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh và 4 di tích văn hóa cấp quốc gia. Những điều kiện trên giúp huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch và nông nghiệp sạch.
Hoàng Su Phì có hơn 14.000 hộ gia đình với gần 70.000 nhân khẩu, gồm 13 dân tộc. Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc trong huyện luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm, chỉ đạo. Trong suốt quá trình lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, coi đó là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên thực hiện, nhiều lễ hội văn hóa dân gian độc đáo của các dân tộc đã được phục dựng và duy trì thường xuyên đảm bảo an toàn, tiết kiệm có ý nghĩa, góp phần giáo dục văn hóa truyền thống, tinh thần đoàn kết trong nhân dân. Có nhiều lễ thức, lễ hội, nghề truyền thống đã được kiểm kê lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia như: Lễ hội Quý héng của dân tộc Dao ở xã Hồ Thầu, tết Khu Ku Tê của dân tộc La Chí, lễ cúng Thần rừng của dân tộc Nùng, nghề chạm khắc bạc của dân tộc Nùng ở xã Nàng Đôn, Pờ Ly Ngài.
Ông Lù Văn Chung, Phó Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì cho biết: Hoàng Su Phì có nhiều dân tộc, với 13 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn, do đó nét văn hóa đặc sắc và phong phú. Tuy nhiên, để thực hiện việc bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc của Hoàng Su Phì, huyện cũng đã triển khai đề án bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn trong những năm vừa qua. Đặc biệt, các lễ hội của đồng bào dân tộc đã được quảng bá và tạo thành sản phẩm du lịch phát triển ở địa phương.
Từ đầu năm 2024, huyện Hoàng Su Phì tổ chức 2 lễ hội lớn, đó là lễ hội Gầu Tào ở Chiến Phố của đồng bào dân tộc Mông và lễ cúng thần rừng của dân tộc Nùng. Những hoạt động này được tổ chức như một điểm nhấn để thu hút khách du lịch đến với Hoàng Su Phì. Từ việc tổ chức các lễ hội truyền thống, huyện đã thu hút được rất nhiều du khách thập phương đến tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu vốn văn hóa truyền thống. Từ đó, bà con thấy được vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình được bảo tồn, được phát huy và phục vụ cho chính đồng bào dân tộc cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đặc biệt, lễ cúng thần rừng là một trong những lễ hội văn hóa dân gian của cộng đồng dân tộc Nùng ở huyện Hoàng Su Phì, được tổ chức vào ngày 2/2 âm lịch hàng năm. Đây là một nghi lễ tâm linh của đồng bào dân tộc Nùng, thể hiện sự thành kính của con người trước thần rừng. Theo lời người già kể lại, thần rừng trong tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Nùng có tên là Hoàng Văn Thung, là người anh hùng đã đứng lên lãnh đạo nhân dân đánh tan quân xâm lược phương Bắc, thu lại đất đai và đem lại cuộc sống ấm no cho tộc họ người Nùng. Để tưởng nhớ người thủ lĩnh đã có công chống giặc, các tộc họ người Nùng đã dành khu rừng già tươi tốt, vị trí đẹp làm nơi linh thiêng, lập miếu thờ và tôn làm Đổng Chứ, tức là Thần rừng. Từ đó, cứ vào dịp tháng giêng hàng năm, các làng người dân tộc Nùng trong huyện Hoàng Su Phì lại tổ chức lễ cúng thần rừng tại miếu thờ.
Ngoài ra, còn có nghề chạm khắc Bạc của đồng bào dân tộc Nùng ở xã Nàng Đôn, Pờ Ly Ngài cũng là một trong những nét đặc trưng về văn hoá truyền thống. Năm 2019, nghề chạm khắc Bạc của đồng bào dân tộc Nùng đã được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Bởi theo quan niệm của người Nùng, Bạc là biểu tượng của sự may mắn, bình an trong cuộc sống cũng là trang sức của phụ nữ, nên nghề chạm khắc Bạc trở thành truyền thống và niềm tự hào, là nét văn hoá đặc trưng của người Nùng ở xã Nàng Đôn, Pờ Ly Ngài. Nghề chạm khắc Bạc không chỉ là niềm tự hào lớn của cộng đồng dân tộc Nùng mà còn là văn hoá đặc trưng của huyện Hoàng Su Phì. Việc được Nhà nước công nhận nghề chạm khắc Bạc truyền thống là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia đã giúp cho việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề truyền thống trên địa bàn huyện.
Hiện nay, huyện Hoàng Su Phì thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch. Một số hộ gia đình và các tổ chức cá nhân trên địa bàn cũng tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch cộng đồng, homestay. Cũng có nhiều doanh nghiệp mạnh về tài chính đã trực tiếp đầu tư vào môn thể thao mạo hiểm là dù lượn ở xã Nậm Ti và xã Thung Uyên. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng khảo sát để đầu tư kinh doanh hoặc khai thác du lịch ở một số xã có tiềm năng lớn. Đây là bước khởi sắc giúp huyện Hoàng Su Phì trong năm tới sẽ phát triển hơn về lĩnh vực du lịch.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân làm tốt công tác bảo tồn giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, đặc biệt là di sản ruộng bậc thang, góp phần vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và để Hà Giang giữ vững được thương hiệu du lịch trên bản đồ du lịch trong cả nước, cũng như du lịch thế giới, cũng như kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào ngành du lịch ở Hoàng Su Phì.
Năm 2023, huyện Hoàng Su Phì thu hút 125.000 lượt khách đến với các cơ sở du lịch, mang lại doanh thu trên 100 tỷ đồng. Để đạt được kết quả này, huyện Hoàng Su Phì đã phát huy thế mạnh về các điểm du lịch thiên nhiên, khai thác và bảo tồn các giá trị văn hóa cũng như các lễ hội để thu hút khách du lịch.
Với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống và các lễ hội, lễ thức tiêu biểu, những hoạt động này đã trở thành môi trường tích cực và thuận lợi cho nhân dân các dân tộc trong huyện phát huy giá trị bản sắc văn hóa. Đồng thời, chúng cũng khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa, và giới thiệu cho đông đảo bạn bè trong và ngoài nước để thu hút khách du lịch đến với huyện Hoàng Su Phì. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống độc đáo của nhân dân các dân tộc cũng được thực hiện để khai thác và phát triển kinh tế cho địa phương, tạo ra ngành kinh tế mũi nhọn là các sản phẩm du lịch./.