Phát triển - Hội nhập

Vốn chính sách góp sức xây dựng nông thôn mới

Mai Linh - Kim Huyên 29/04/2024 - 06:54

Những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã tích cực triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Nguồn vốn các chương trình cho vay đã góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và hoàn thành các tiêu chí trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương.

398-202404281455522.png
Người dân thị trấn Bình Gia vay vốn ưu đãi của NHCSXH để đầu tư chăn nuôi, nâng cao thu nhập

Năm 2023, xã Hồng Phong, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn đạt chuẩn NTM, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, sự chung tay, góp sức của người dân, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM trên địa bàn xã như tiêu chí giảm nghèo, thu nhập và nhà ở dân cư... Ông Vương Văn Son, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay của NHCSXH tại xã đạt trên 30 tỷ đồng với hơn 600 hộ vay. Nguồn vốn tín dụng được người dân đầu tư phát triển kinh tế rừng, chăn nuôi hiệu quả đã thật sự trở thành "đòn bẩy" thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 5,62%, giảm 9,72% so với năm 2022; thu nhập bình quân đạt 42,1 triệu đồng/người/năm, tăng 8,1 triệu đồng/người/năm so với năm 2022; tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định đạt gần 80%.

Cùng với Hồng Phong, những năm qua, tại các xã khác trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, người dân đã được vay vốn ưu đãi của NHCSXH để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và góp phần thực hiện một số chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng NTM như: Giảm nghèo; thu nhập; tạo việc làm; nước sạch và môi trường; nhà ở dân cư...

Các chương trình vốn ưu đãi đã tạo điều kiện về việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, nâng cao đời sống ở khu vực nông thôn. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 6,02%, giảm 2,9% so với năm 2022. Đến nay, toàn tỉnh có 98 xã đạt chuẩn NTM, 24 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Ông Phan Anh Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi thật sự trở thành "đòn bẩy" giúp sức cho các xã thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đẩy mạnh tuyên truyền về nguồn vốn cho vay các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; thực hiện giải ngân vốn sau khi thu hồi; ưu tiên nguồn vốn cho vay đối với các xã được tỉnh lựa chọn là xã điểm phấn đấu đạt chuẩn NTM để người dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn cho vay được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả đã thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần thiết thực vào thực hiện các tiêu chí thu nhập, tiêu chí hộ nghèo, môi trường… trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.

Tính đến nay, tổng dư nợ 19 chương trình tín dụng ưu đãi đang triển khai tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh đạt trên 4.557 tỷ đồng, với 69.418 lượt hộ vay. Trong đó: Dư nợ cho vay chương trình hộ nghèo là trên 830,6 tỷ đồng; cho vay học sinh sinh viên là 24,7 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 816,4 tỷ đồng; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là 407,9 tỷ đồng; cho vay sản xuất kinh doanh là 794,6 tỷ đồng; cho vay nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về Phát triển và quản lý nhà ở xã hội là 301,5 tỷ đồng...

Nguồn vốn đã góp phần giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển các mô hình kinh tế, giảm nghèo, xây dựng NTM. Chỉ tính riêng từ năm 2023 đến nay, nguồn vốn đã giúp gần 30.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh vay vốn để trồng, chăm sóc rừng, cây ăn quả được trên 30.000 ha; chăn nuôi trên 4.600 con gia súc; xây dựng được trên 12.500 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ mua nhà ở xã hội, sửa chữa, cải tạo, xây nhà mới theo Nghị định 100 được 469 hộ; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho hơn 9.600 lao động.

Gia đình ông Hoàng Văn Cửu, thôn Bản Xả, xã Bính Xá, huyện Đình Lập là một trong những hộ tiêu biểu sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH để phát triển kinh tế đồi rừng. Ông Cửu chia sẻ: Gia đình tôi có diện tích rừng thông đã trồng lâu năm, tuy nhiên thiếu vốn để chăm sóc nên cây phát triển chậm. Năm 2018, được sự hướng dẫn của cán bộ Hội Nông dân xã và cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, gia đình tôi vay 50 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để chăm sóc gần 5 ha rừng thông, nhờ đó, từ năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm gia đình có thu nhập 200 triệu đồng từ khai thác nhựa, đồng thời có vốn trả ngân hàng và tạo việc làm cho 4 - 5 lao động thời vụ. Năm 2022, gia đình tôi tiếp tục vay 100 triệu đồng để trồng mới hơn 3 ha thông.

Các chương trình vốn ưu đãi đã tạo điều kiện về việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, nâng cao đời sống ở khu vực nông thôn. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 6,02%, giảm 2,9% so với năm 2022. Đến nay, toàn tỉnh có 98 xã đạt chuẩn NTM, 24 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách về giảm nghèo bền vững, chung tay xây dựng NTM và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục tham mưu chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Cùng với đó, chú trọng công tác đào tạo tập huấn, nâng cao nghiệp vụ của cán bộ tín dụng ngân hàng; tăng cường kiểm tra, giám sát, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn. Đồng thời, đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp người dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ nguồn vốn vay ưu đãi.

Mai Linh - Kim Huyên