Độc đáo Tết Thanh Minh
Tết Thanh Minh được coi là ngày tết lớn thứ 2 sau Tết Nguyên đán đối với người Tày, Nùng tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang,...
Tiết Thanh Minh đến sau ngày Lập Xuân 45 ngày. Theo nghĩa đen, thanh là trong sạch, còn minh là sáng sủa. Khi mưa bụi mùa xuân kết thúc, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa là sang Tiết Thanh minh, kéo dài khoảng 15 - 16 ngày. Đặc biệt, tại Đà Bút, Giộc Châu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, Thanh Minh là ngày lễ lớn của người dân. Hàng năm, sau khi kết thúc tết Nguyên đán 2 tháng, tới ngày mùng 3/3 âm lịch, những người con Cao Bằng từ khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc đều gác lại công việc, trở về đây để chăm sóc, sửa sang lại mộ phần ông bà tổ tiên hay còn gọi là tục tảo mộ, càng là dịp quây quần, sum họp bên nhau. Học sinh cũng được nghỉ học để cùng với gia đình tham gia vào công việc ngày lễ. Chia sẻ với chúng tôi, chị P.T.H cho biết: “Tôi và gia đình hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, nhưng tôi vẫn cố gắng dành thời gian để về quê, về Cao Bằng vào dịp lễ này. Tôi cũng cho các bé đi theo để các con biết được phong tục của dân tộc mình đẹp và có ý nghĩa lớn như thế nào”.
Điểm khác biệt giữa Tiết Thanh Minh tại Cao Bằng với các vùng miền khác khi tảo mộ là có cây nêu và lễ cúng. Cây nêu được cắt tỉa hình mắt cáo, đuôi công vô cùng khéo léo. Thời xa xưa, khi đời sống còn khó khăn, cây nêu được làm bằng giấy bản nghiền từ bột vỏ cây, có màu ngà. Giấy sau khi cắt sẽ được buộc lại thành chùm và gắn lên đầu một cành cây nhỏ, sau đó cắm vào đỉnh ngôi mộ hoặc giăng xung quanh khu mộ lớn. Ngày nay, công nghệ phát triển, cây nêu được cắt bằng giấy nhuộm, giấy bóng kính, sản xuất với số lượng lớn và đa dạng hơn về mẫu mã và màu sắc. Ý nghĩa của việc cắm cây nêu lên mộ phần là để đánh dấu rằng ngôi mộ ấy đã có con cháu, người thân tới chăm sóc, dọn dẹp, cúng bái. Cây nêu càng to đẹp, sặc sỡ càng thể hiện thành ý, tình cảm của người còn sống với người đã khuất. Lễ cúng được chuẩn bị công phu với thịt gà, thịt heo quay, lạp xưởng, xôi nếp nhiều màu được nhuộm bằng lá cẩm, bánh chay, bánh trôi, rượu...Các gia đình còn có thể chuẩn bị kỹ lưỡng hơn với hình nhân, ngựa giấy, có thầy pháp cúng bái, tụng kinh...Thầy pháp được gọi là “ông Bụt”, “bà Bụt”, mặc áo cánh nâu, chiết khăn xếp lo việc đọc văn khấn cho gia chủ. Bài văn khấn sẽ bao gồm việc khai báo tên tuổi các thành viên trong gia phả, lý do, ngày giờ và làm lễ. Những ông bà “Bụt” thường sẽ được những gia đình đông con cháu mời về để thay cho gia chủ làm pháp sự, để việc cúng bái được trang nghiêm và quy củ hơn. Đối với những phần mộ được chôn cất trên đồi cao, dù lễ vật có nhiều và nặng đến đâu thì con cháu trong nhà cũng phải tự tay xách hoặc vác lên chứ không được nhờ cậy người ngoài.Bác Vi Thị Mai (Hòa An, Cao Bằng) chia sẻ: “Vợ chồng tôi năm nay hơn 60 tuổi, nhưng mà vẫn tự xách đồ cúng lên tận mộ tổ tiên, tự tay lau chùi cúng bái, làm là để con cháu nhìn thấy học theo, sau này nó cũng làm thế với mộ phần của ông bà”. Thường sau khi kết thúc việc cúng bái, người dân sẽ trải chiếu, bày lễ xung quanh khu mộ và ngồi ăn ngay tại đó, giống như đang ăn một bữa cơm với người thân, ông bà, tổ tiên đã khuất, tỏ lòng thương nhớ, biết ơn về cội nguồn, về nơi được sinh ra. Dù bao đời người đã ra đi, nhưng luôn sống mãi trong trái tim con cháu ngàn đời sau. Các du khách nước ngoài rất thích thú với phong tục này. Họ bày tỏ sự ngạc nhiên và cho rằng đây là một điều tốt đẹp khi người đã khuất vẫn luôn được gia đình và con cháu nhớ tới.