Đời sống xã hội

Ký ức mùa Xuân lịch sử

Thu Hà 27/04/2024 - 08:22

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, với trận mở màn Buôn Ma Thuột và Chiến dịch Tây Nguyên, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là chiến thắng vẻ vang nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc và có tác động lớn đến tình hình thế giới lúc bấy giờ. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng với những người lính trực tiếp làm nên giây phút lịch sử đó thì tất cả đều như mới vừa hôm qua.

Những ngày tháng không quên

Tháng 8/1970 vừa tròn 20 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Thiện Căn, khu 10, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, Phú Thọ khi đó vừa tốt nghiệp lớp trung cấp địa chất xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. 6 tháng huấn luyện ở Bắc Thái, đơn vị được lệnh hành quân vào chiến trường miền Nam. Trên đường hành quân, ông cùng đồng đội đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Nam Lào, sau chiến dịch đơn vị lại nhận lệnh ở lại mặt trận Bình Trị Thiên. Là lính công binh với nhiệm vụ phục vụ xe tăng chiến đấu, mở đường, khắc phục chướng ngại vật, dò gỡ bom mìn, mở cửa mở cho xe tăng chiến đấu, từ năm 1971 đến đầu năm 1975 đơn vị Lữ đoàn 219 tham gia các chiến dịch Đường 9 Nam Lào, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. CCB Nguyễn Thiện Căn nhớ lại: “Quãng thời gian chiến đấu ở mặt trận Bình Trị Thiên, đặc biệt là những ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị với tôi và những người đồng đội còn sóng sót trở về là những ký ức không thể nào quên. Sau khi giải phóng Quảng Trị, tôi được đơn vị cho nghỉ phép, về quê. Trong thời gian nghỉ phép, được sự đồng ý của hai bên gia đình tôi cưới vợ, rồi nhanh chóng lại quay trở lại chiến trường”.

111d5160924t10870l0.jpg
CCB Nguyễn Thiện Căn, khu 10, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao bồi hồi ngắm lại những tấm huy chương, huy hiệu

Từ Bắc trở lại chiến trường miền Nam, đơn vị của ông hành quân và tập kết tại rừng cao su Long Khánh, Đồng Nai. Đúng rạng sáng ngày 30/4, nhận lệnh tiến vào Sài Gòn qua hướng cầu Phan Thanh Giản. Tại đây đoàn xe tăng bị chặn lại, chỉ huy đơn vị ra hiệu lệnh quyết tâm vượt cầu để tiến vào thành phố, đến khoảng 10h có mặt trước Dinh Độc Lập. “Là đơn vị phục vụ xe tăng, không trực tiếp tiến vào Dinh Độc Lập nhưng được chứng kiến thời khắc lịch sử khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay, tôi cũng như tất cả đồng đội đều vỡ òa niềm vui” - ông Căn nhớ lại. Đầu giờ chiều ngày 30/4, đơn vị rút quân ra ngoài ven thành phố, sau đó rút về Long Thành bảo vệ nhân dân khỏi lực lượng tàn quân.

Nhập ngũ tháng 5/1972 khi vừa tròn 18 tuổi, thanh niên Triệu Đình Vạn trở thành chiến sĩ Trung đoàn 201, đóng quân tại Xuân Mai, Hòa Bình. Tham gia huấn luyện từ tháng 5 đến tháng 10, đơn vị được lệnh vào chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Trên đường hành quân được nửa quãng đường lệnh chuyển vào chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng thuộc Trung đoàn 574, Quân khu 5. Ông Vạn nhớ lại: “Với một thanh niên vừa rời đồng đất quê hương còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng lúc đó tất cả lứa thanh niên chúng tôi đều hừng hực khí thế, tất cả cho Tổ quốc quyết sinh nên mọi khó khăn, gian khổ đều vượt qua. Trong chiến trường xe tăng được chiến sĩ quý như con, như mạng sống của mình, dù thời gian huấn luyện ngắn, nhưng ai cũng đều cố gắng ngày đêm để mỗi bộ phận, mỗi thiết bị trên xe như một phần thân thể của mình. Khi đó chúng tôi được trang bị loại xe tăng T54 là loại hiện đại nhất. Tôi được giao nhiệm vụ là pháo thủ số 1”.

Chiến dịch đầu tiên ông Vạn tham gia là Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng vào tháng 3/1975, được đà chiến thắng, đơn vị tiếp tục đánh xuống thị xã Hội An. Chỉ trong 1 đêm đã giải phóng hoàn toàn thị xã. Sau Hội An, ông cùng đồng đội tiếp tục đánh dọc theo Quốc lộ 1 lần lượt giải phóng Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, Bình Định... Những chiến thắng như chẻ tre trên đường hành quân đã tạo nên khí thế hừng hực, quyết tâm giành chiến thắng trong mỗi chiến sĩ. Thừa thắng xông lên, màu cờ giải phóng tung bay dọc Quốc lộ 1, đến Bình Định là hoàn thành giải phóng Quân khu 5. Nghỉ ngơi 2 ngày, tiếp tục nhận lệnh tiến vào Sài Gòn, mở đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh. Từ Xuân Lộc - Long Khánh khoảng 80km tiến về Sài Gòn nhưng đây là những trận đấu ác liệt nhất, đặc biệt là ở Long Khánh. Đơn vị dừng lại ở Long Khánh áp đảo ngụy quân. Dù không tiến vào Sài Gòn, nhưng đúng thời khắc lịch sử, nhận được tin chiến thắng, chúng tôi cũng vỡ òa niềm vui.

Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ

40 năm đã trôi qua, song mỗi lần nhắc tới những kỷ niệm hào hùng của một thời kỳ lịch sử, trên gương mặt của những người lính Cụ Hồ năm xưa vẫn háo hức, tự hào. Ông Căn hồi tưởng: “Lúc ấy vui lắm, cảm thấy tự hào và phấn khởi vì đã hoàn thành được nhiệm vụ mà cấp trên giao phó, lại góp một phần công sức của mình để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”. Khi Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc, tháng 11/1975 ông giải ngũ về công tác tại Tổng Cục địa chất sau đó chuyển về Sở Xây dựng của tỉnh Vĩnh Phú cũ. Năm 1989 ông chuyển công tác về Công ty Cấp nước sau đó chuyển sang Công ty TNHH MTV Xử lý và chế biến chất thải đến năm 2004 ông nghỉ hưu. Về địa phương, đến năm 2007 ông tiếp tục tham gia công tác đoàn thể ở địa phương, năm 2012 được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư chi bộ. 74 năm tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng người lính Cụ Hồ ấy vẫn lặng lẽ đóng góp sức mình cho sự đổi mới đi lên của quê hương. Ông Căn chia sẻ: “Dù là thời chiến hay thời bình, tôi vẫn tâm nguyện sống sao cho đúng với phẩm chất và đạo đức của người lính. Sống, chiến đấu và cống hiến hết sức mình. Còn sức khỏe là còn cống hiến. Bởi chỉ có vậy, mới thấy mình là người có ích cho gia đình và xã hội”.

111d5160914t11487l0.jpg
CCB Triệu Đình Vạn, khu 7, xã Sơn Vi (ngồi phía bên phải) chia sẻ những câu chuyện thời chiến với lãnh đạo hội CCB xã.

Lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi, 5 năm trong quân ngũ, hoàn thành nhiệm vụ người lính năm 1977, ông Vạn ra quân được cử di học lái xe tại Trường lái xe số 1, Bộ GTVT. Đến năm 1979, ông được phân công về công tác tại Công ty Vận tải Cao Bằng, làm nhiệm vụ lái xe phục vụ cho cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Hoàn thành nhiệm vụ năm 1981 ông chuyển về Công ty Dệt Vĩnh Phúc và nghỉ hưu năm 2004. Trở về địa phương sau những năm tháng cống hiến cho Tổ quốc, cho quê hương, ông luôn tâm niệm dù làm gì cũng phải giữ vững phẩm chất của người chiến sĩ. Ông chia sẻ: “Cuộc sống dù còn nhiều khó khăn nhưng khi còn công tác hay về nghỉ tại địa phương tôi luôn gương mẫu trong mọi công việc để làm gương cho con cháu, giáo dục con cháu về truyền thống yêu nước của dân tộc, về những hy sinh của những thế hệ đi trước. Những câu chuyện trong quãng đời binh nghiệp của tôi và những người đồng đội là câu chuyện, là bài học mỗi dịp gặp mặt toàn thể gia đình tôi kể cho các con, các cháu mình nghe”.

Gần trọn cuộc đời binh nghiệp, mang theo ký ức về những năm tháng chiến đấu gian khổ của mình cùng đồng đội với phẩm chất và sự tôi luyện dạn dày của người lính Cụ Hồ đã tạo nên sức mạnh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao dù ở thời chiến hay thời bình. Chia tay những người lính năm xưa, tôi đã hiểu rằng thế nào là giá trị của hạnh phúc và hòa bình. Những cựu chiến binh như ông Căn, ông Vạn và rất nhiều đồng đội của mình là những tấm gương bình dị, tỏa sáng giữa đời thường để lớp lớp thế hệ trẻ học tập và noi theo.

Thu Hà