Đời sống xã hội

Lào Cai đặc biệt quan tâm phát triển nhân lực người dân tộc thiểu số

Hồng Ninh 26/04/2024 - 11:52

Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới với 25 dân tộc cùng sinh sống, hơn 66% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy chính sách cán bộ dân tộc thiểu số có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhận thức rõ vấn đề này, tỉnh Lào Cai đã đặc biệt quan tâm đến xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị.

ThaoThiMy.jpg
Chị Thào Thị Mỷ, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bảo Thắng, phát biểu chất vấn tại kỳ họp của HĐND tỉnh Lào Cai. Ảnh: baolaocai.vn

Ông Phạm Toàn Thắng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lào Cai cho biết, theo từng nhiệm kỳ, từng giai đoạn, tỉnh đã ban hành các Đề án, Chỉ thị với cơ chế, chính sách và hệ thống các văn bản chỉ đạo cụ thể, sát sao về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 18-ĐA/TU về quy hoạch đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ chuyên môn, kỹ thuật giai đoạn 2011 - 2015; Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 28/3/2014 tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh... HĐND tỉnh cũng ban hành một số Nghị quyết về cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực như: Nghị quyết số 36/2016/NQ-HĐND ngày 18/7/2016; Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 và các nghị quyết sửa đổi, bổ sung năm 2022, 2023.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai Giàng Thị Dung cho biết thêm, thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành danh mục chuyên ngành thu hút, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực theo từng giai đoạn. Các chuyên ngành tỉnh đang thiếu, cần thu hút chủ yếu thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục. Giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Lào Cai thu hút được 40 người có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ, bác sỹ đa khoa, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, trong đó có 01 tiến sỹ là người dân tộc thiểu số. Giai đoạn 2016 - 2020, thu hút được 51 người là bác sỹ chuyên khoa cấp I, bác sỹ đa khoa; trong đó có 4 người dân tộc thiểu số. Từ 2021 - 2023, Lào Cai cũng đã thu hút được 62 bác sỹ, giáo viên. Viên chức được thu hút về công tác tại tỉnh đã bổ sung nguồn nhân lực y tế cho tuyến tỉnh, tuyến huyện, giáo viên tin học, ngoại ngữ ở các trường phổ thông.

Từ 2016 - 2023, tỉnh Lào Cai đã thực hiện chính sách đãi ngộ đối với gần 1.800 lượt viên chức y tế, công chức, viên chức làm nhiệm vụ an toàn, an ninh thông tin. Hằng năm có 530 - 560 công chức, viên chức làm việc tại bộ phận một cửa các cấp được hưởng chính sách đãi ngộ. Mức hỗ trợ viên chức y tế từ 0,5 - 1,5 lần mức lương cơ bản/người/tháng cho bác sỹ nội trú, bác sỹ có trình độ sau đại học tùy theo trình độ và vị trí việc làm. Viên chức làm công tác an toàn, an ninh thông tin được hưởng chính sách đãi ngộ từ 2 - 3 lần mức lương tối thiểu/người/tháng. Công chức, viên chức làm việc tại bộ phận một cửa các cấp xã, huyện, tỉnh có mức hỗ trợ tương ứng 0,4 - 0,7 - 01 triệu đồng/người/tháng. Việc ban hành các chính sách đãi ngộ nhằm động viên, “giữ chân” nguồn nhân lực có chất lượng cao ở một số ngành, lĩnh vực của tỉnh yên tâm công tác.

Ông Giàng Quốc Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Khương chia sẻ, là huyện vùng cao đông đồng bào dân tộc thiểu số, Mường Khương rất quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực tại chỗ, nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số. Mường Khương đã có riêng 1 đề án của Đảng bộ huyện về nâng cao nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực thuộc đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, huyện rất quan tâm đến chuyên đề mà tỉnh vừa triển khai, đó là 7 dám. Trong đó, có nội dung là dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Trong thời gian tới, huyện Mường Khương sẽ xây dựng quyết tâm chính trị trong toàn Đảng bộ về dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Để mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ, đảng viên thuộc đồng bào dân tộc thiểu số sẽ có những sáng kiến sáng tạo, cũng như dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhằm thực hiện các nhiệm vụ chính trị khó.

Tỉnh Lào Cai còn thực hiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng các trình độ tiến sỹ, thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa… cho gần 800 công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Trong đó, giai đoạn 2011 - 2015 đã thực hiện hỗ trợ đào tạo cho 52 người là dân tộc thiểu số; giai đoạn 2016 - 2020 hỗ trợ đào tạo trình độ sau đại học cho 16 người là dân tộc thiểu số; giai đoạn 2021 - 2023, 17 viên chức ngành y tế là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ đào tạo sau đại học. Đối với hỗ trợ đào tạo bác sỹ, hằng năm, Sở Y tế thực hiện ký hợp đồng hỗ trợ đào tạo với gia đình các sinh viên đang học trường Đại học Y đăng ký về tỉnh công tác sau khi tốt nghiệp, hỗ trợ 100% học phí đào tạo; hỗ trợ sinh hoạt phí: từ 03 - 04 triệu đồng/sinh viên/tháng tùy theo kết quả học tập; từ năm 2021 - 2023 có 57 học sinh đi đào tạo bác sỹ đa khoa hệ chính quy (theo địa chỉ sử dụng) tại các Trường Đại học Y dược được hưởng chính sách.

Chính sách đặc thù về thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai là giải pháp quan trọng nhằm bổ sung cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là các ngành công nghệ thông tin, giáo dục và đào tạo, y tế. Tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số các cấp tăng lên qua từng năm. Trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số ở các cấp có nhiều chuyển biến, hầu hết đã đạt tiêu chuẩn, ngạch công chức và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức. Số cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số có trình độ trên chuẩn ngày càng nhiều, trong đó có cả cán bộ có trình độ cao (thạc sỹ, tiến sỹ). Qua đó góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện phát triển nguồn nhân lực là người đồng bào dân tộc thiểu số cũng còn bộc lộ một số hạn chế như: Chưa có chính sách đồng bộ các khâu từ phát hiện, tìm kiếm, trọng dụng, đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài; chưa xác định được các tiêu chí thu hút nhân tài và nhân tài là người dân tộc thiểu số và chưa có chính sách riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số.

Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được hưởng chính sách còn khá thấp. Nguồn lực thực hiện chính sách đặc thù của địa phương còn hạn chế. Do đó cần có quy định về quỹ biên chế công chức hằng năm dành riêng thu hút nhân tài người dân tộc thiểu số nhằm bổ sung nhân lực chất lượng cao vào các cơ quan, đơn vị, địa phương. Các bộ, ngành quy định tiêu chí xác định nhân tài ở từng ngành, lĩnh vực. Ủy ban Dân tộc xây dựng tiêu chí xác định nhân tài là người dân tộc thiểu số để các địa phương căn cứ thực hiện…

Hồng Ninh