Người phụ nữ Khmer 'tiếp lửa' cho xóm, ấp thoát nghèo
Hơn 15 năm lặng lẽ 'truyền lửa' nghề đan sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình, chị Sơn Thị Lang đã giúp nhiều chị em phụ nữ dân tộc Khmer thoát nghèo.
Cùng giúp nhau thoát nghèo
Về thị trấn Cờ Đỏ, hỏi đường đến HTX Làng nghề nơi nhiều chị em phụ nữ dân tộc Khmer làm đan giỏ lục bình, ai ai cũng nhắc ngay đến, chị Sơn Thị Lang (sinh năm 1977), Giám đốc HTX Làng nghề ở ấp Thới Hòa B (thị trấn Cờ Đỏ, TP Cần Thơ). Bởi chị là người đã góp phần lan tỏa mô hình này, giúp biết nhiều chị em phụ nữ dân tộc tại địa phương thoát nghèo.
Vốn là nông dân không có nghề nghiệp ổn định, năm 2006, chị Lang tham gia học nghề đan do Hội phụ nữ thị trấn Cờ Đỏ tổ chức cho chị em đồng bào dân tộc.
Từ đây mở ra cơ duyên, đưa chị Lang gắn với nghề đan giỏ lục bình. Nhờ sự nhạy bén, cần cù sau thời gian ngắn học nghề chị đã thạo việc đan thủ công. Đến năm 2007, chị Lang trở thành “giáo viên đứng lớp” truyền nghề đan sản phẩm từ lục bình cho hàng trăm chị em phụ nữ địa phương. Những “học viên” tham gia lớp học nghề của chị Lang rất đặc biệt, có những cô chú ngoài 50 tuổi tận dụng thời gian nhàn rỗi tham gia để kiếm thêm thu nhập.
Trung bình mỗi ngày thợ thủ công lành nghề có thể đan được 3 chiếc giỏ, với thu nhập 150.000 đồng tiền công cho chị em phụ nữ.
Để chủ động nguồn nguyên liệu, chị Lang còn vận động học viên tận dụng gom dưỡng lục bình sẵn có trên sông, kênh rạch địa phương, thay vì phải đi mua như trước đây. Đồng thời hướng dẫn mọi người cách cắt tỉa thu hoạch, phơi để đảm bảo giữ được cọng lục bình đẹp, để làm nên sản phẩm thủ công chất lượng.
Tại các vùng ngọt hóa ở ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng, lục bình tự phát triển không cần trồng hay chăm sóc, đặc biệt thích ứng tốt với điều kiện biến đổi khí hậu. Việc nâng cao giá trị kinh tế từ cây lục bình đã góp phần khai thác tối đa tài nguyên bản địa tạo ra nguồn kinh tế ổn định cho bà con nông dân, đặc biệt là ở các vùng quê nghèo.
Tuy nhiên, công việc đan giỏ lục bình đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó. Từ việc chọn nguyên liệu lục bình, phơi khô, bảo quản nguyên liệu, thời gian đan cũng mất từ 1 - 3 ngày, mỗi loại lục bình khác nhau phù hợp với từng loại sản phẩm, chị Lang chia sẻ.
Ngoài thị trấn Cờ Đỏ, phong trào phát triển kinh tế từ nghề đan lục bình đã lan rộng ra nhiều xã lân cận. Công việc của chị Lang vì thế cũng nhiều hơn, ngoài hướng dẫn dạy nghề cho chị em, chị còn đảm đương thu mua sản phẩm, vận chuyển hàng giao cho doanh nghiệp.
Thạo nghề và kết nối được doanh nghiệp đặt hàng gia công sản phẩm, chị Lang quyết định thành lập HTX Làng nghề với 3 sản phẩm chính là cơm rượu, dưa muối chua và hàng thủ công mỹ nghệ đan từ lục bình. Trong đó, những sản phẩm đan từ lục bình đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao vào đầu năm 2023.
Ngồi tại nhà nhưng thu nhập tiền triệu
Chị Lang chia sẻ, hiện HTX Làng nghề có 38 thành viên tham gia mô hình đan lục bình; cùng với đó HTX đã liên kết được trên 100 chị em phụ nữ khắp huyện Cờ Đỏ, cung ứng khoảng 3.000 sản phẩm trên tháng cho doanh nghiệp. Những năm đầu thành lập, xã viên HTX Làng nghề phần lớn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, phải lao động xa nhà. Đến nay, ngoài sản xuất nông nghiệp là công việc chính, chị em còn kiếm thêm từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng nhờ đan lục bình.
Chị Lang bộc bạch, những năm đầu, vận động chị em theo học nghề rất khó khăn, số lượng chị em tham gia không nhiều, vì cho rằng nghề này “đồng lời” không được bao nhiêu. Tuy nhiên, mô hình tốt lan tỏa nhanh, sau một thời gian, các chị em đã thay đổi quan điểm, cái nghề đan giỏ lục bình kiếm tiền.
Nhiều chị em đã đã chủ động liên hệ học nghề để có thể làm sản phẩm tại nhà kiếm thu nhập ổn định, lâu dài. Có trường hợp một người đi học vững nghề về hướng dẫn cho cả gia đình cùng làm, cùng tạo ra giá trị kinh tế cho gia đình.
“Năm đầu tiên mở lớp chỉ khoảng 20 chị em tham gia, dần phát triển, thu nhập ngày càng tăng lên, cuộc sống chị em cũng đỡ hơn, tranh thủ được thời gian rảnh để làm, chị em nào khéo tay thì làm năng suất thu nhập cao”, chị Lang tâm sự.
Hiện TP Cần Thơ có 25 dân tộc thiểu số, cư trú đan xen tại 9/9 quận, huyện; trong đó, đồng bào dân tộc Khmer có 19.683 người. Tuy nhiên, đa số đồng bào dân tộc Khmer sống ở nông thôn, chủ yếu là nghề nông, làm thuê, một ít hộ làm dịch vụ hoặc mua bán nhỏ, điều kiện kinh tế có phát triển nhưng còn chậm, trình độ dân trí và năng lực sản xuất còn thấp… trên địa bàn quận Ô Môn, huyện Thới Lai và huyện Cờ Đỏ.
Tại huyện Cờ Đỏ có trên 30.000 hộ dân, trong đó hơn 7% là dân tộc Khmer; phần đông đồng bào dân tộc Khmer thiếu đất sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao.
Để tiếp tục phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc Khmer, huyện Cờ Đỏ tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở cho đồng bào dân tộc Khmer. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, trong đó huy động mọi nguồn lực để xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ Khmer nghèo có khó khăn về nhà ở; hỗ trợ vốn vay ưu đãi để phát triển sinh kế, thực hiện các mô hình kinh tế tập thể.
Theo Ban Dân tộc TP Cần Thơ, thời gian qua địa phương đã thực hiện các dự án như: “Dạy nghề và chữ viết Khmer cho người dân tộc Khmer tại huyện Cờ Đỏ”, dạy chữ viết Khmer; dạy nghề trồng lúa năng suất cao; dạy nghề đan lục bình cho đồng bào, mỗi nội dung học được tổ chức 2 lớp. Việc nghề trồng lúa và đan lục bình, các kỹ thuật tiên tiến trong canh tác nghề lúa và nghề đan lục bình được áp dụng vào thực tiễn góp phần tăng thu nhập cho bà con người dân tộc Khmer trong vùng.