Đời sống xã hội

Hát Quan làng trong đám cưới người Tày

Lập Nguyễn 25/04/2024 - 06:12

Mông Ân là một xã thuộc vùng 3, nằm ở phía Tây của huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Xã này cách trung tâm huyện khoảng 14km và có 3 dân tộc chính là Tày, Nùng và Dao sinh sống tại 5 bản. Trong số đó, dân tộc Tày chiếm đa số lên đến 93%. Mông Ân hiện vẫn giữ được nhiều nét văn hoá dân gian phong phú như hát then, hát lượn, hát sli cùng các hoạt động trong các lễ hội cầu mùa. Trong đó, hát quan làng trong đám cưới của người Tày được coi là một trong những nét văn hoá đặc sắc của địa phương này.

398-202404241639511.jpg
Dẫn đầu nhà trai là trưởng đoàn cũng là người sẽ hát quan làng bên nhà gái.

Hát quan làng được dùng trong đám cưới của dân tộc Tày, lời bài hát được lưu truyền trong dân gian. Đây là một làn điệu dân, là nét văn hoá độc của người Tày ở xã Mông Ân. Để giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá độc đáo đó, những năm gần đây, huyện Bình Gia đã tuyên truyền, vận động người dân phát huy nét đẹp văn hoá này trong các đám cưới của người Tày ở địa phương và được người dân trong xã đồng tình ủng hộ.

Ông Hoàng Văn Khoai, Phó Chủ tịch UBND xã Mông Ân, huyện Bình Gia chia sẻ: Hát quan làng trong đám cưới của người Tày ở xã mông Ân là một nét đẹp văn hoá, những lời hát trong đám cưới như thuật lại cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc Tày. Những lời hát quan rất hay và ý nghĩa, khơi gợi cho con người cuộc sống yên ả, thanh bình. Để giữ gìn và phát huy những bản sắc văn hoá dân tộc, chúng tôi cũng đang hoàn thiện, khôi phục dần để đưa hát quan làng trở thành nét đẹp văn hoá dân gian trong mỗi đám cưới của người Tày.

Lời hát quan làng được truyền miệng từ đời này, sang đời khác, có những câu hát phải ứng tác kịp thời. Do vậy, người được gọi đi hát quan làng phải là những người thông minh, khéo léo trong ứng xử, giàu tri thức và am hiểu sâu sắc về phong tục tập quán của địa phương, dân tộc. Trong đám cưới, trưởng đoàn được gọi quan làng (tiếng dân tộc gọi là pú quan làng), phó đoàn là phụ nữ được gọi là bà quan làng. Người dẫn đầu nhà trai giao tiếp với nhà gái bằng lời hát của mình trước khi đón dâu, tiếng hát cất lên cũng là lúc mọi người đến dự đám cưới đều cuốn hút vào cuộc. Những lời hát trầm bổng có ý nghĩa răn dạy con cháu, ghi nhớ công ơn sinh thành của cha mẹ mang đậm màu sắc văn hoá dân tộc, tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi cho cả làng.

398-202404241639512.jpg
Nhà trai phát hồng bao cho nhà gái để vượt qua ải chăng dây ở cổng.

Ông Hoàng Văn Tuyền, thôn Cốc Mặn, xã Mông Ân, huyện Bình Gia nói, được bà con trong làng tín nghiệm, tôi hay được gọi đi hát quan làng trong đám cưới của người Tày, tôi thấy hình thức văn hoá này rất vui vẻ, gắn kết được mọi người đến gần nhau hơn. Hát quan làng là vốn quý của cha ông để lại nên tôi cũng rất mong muốn chính quyền địa phương phát triển nét đẹp văn hoá này để tuyên truyền sâu rộng trong mỗi người dân để nét đẹp văn hoá trong đám cưới của người Tày không bị mai một mà ngày càng phát triển, phát huy được giá trị tinh thần mà nó mang lại.

Thông thường trong đám cưới sẽ có hai màn hát chính đó là khi thử thách và hát nghi lễ. Hát thử thách của quan làng nhà trai, từ khi rể đến cổng nhà gái cho đến khi đưa được cô dâu về nhà chồng bao gồm: Hát chăng dây, hát đón treo mâm rượu ở cầu thang. Còn hát nghi lễ gồm: Hát đưa rể ra trình họ hàng bên nhà gái, hát mở gánh nạp lễ, hát xin dâu ra cửa. Khi đón được dâu ra cửa là hoàn thành nghi lễ tại nhà cô dâu, đến nhà trai hát nghi lễ cuối cùng sẽ do quan làng bên gái hát.

398-202404241639513.jpg
Những đôi sọt đựng lễ vật để mang sang nhà cô dâu.

Ngoài các màn hát chính, trong hát quan làng còn có rất nhiều những điệu hát như hát về trải chiếu mời ngồi, mời rượu, mời mâm, cám ơn phù dâu, phù rể, đối đáp giữa hai bên… mang tính chất vui tươi, không khí vui vẻ cho đám cưới. Lời bài hát ở phần này thường có kết cấu đối đáp, với lối ứng xử tinh tế, tao nhã của người Tày trong đời sống. Lời hát có đầu có cuối, văn minh với sự quý trọng nhau được thể hiện rõ qua những nghi lễ đón tiếp và ứng xử giữa quan viên hai họ. Trong câu hát, họ trao cho nhau những lời cảm tạ chân thành nhất.

Làn điệu hát quan làng được thể hiện từ lời hát, cách hát và giai điệu, tiết tấu, nội dung đều thể hiện những nét văn hoá độc đáo riêng. Với ý nghĩa như vậy, hát quan làng mang trong mình giá trị không thể phủ nhận. Đến nay, ở Mông Ân hát quan làng tồn tại trong đời sống của bà con ngày càng phổ biến, giữ gìn vẹn nguyên từ hình thức lẫn nội dung, tuy nhiên người biết hát ngày càng ít, do vậy việc giữ gìn những làn điệu hát quan làng tại Bình Gia cần được tuyên truyền và phát triển sâu rộng hơn.

Ông Lèo Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Thời gian qua, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn phục dựng lại những nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn như: Hát cò lẩu của dân tộc Nùng, Lễ cấp sắc của người Dao, hát quan làng của người Tày… Dự kiến trong tháng 4 này huyện tổ chức Lễ hội Háng Pò hay còn gọi là chợ tình Pác Khuông thì sẽ phục dựng lại và trình diễn những điệu hát của các dân tộc vừa để phát huy giá trị văn hoá đồng thời cũng dựa vào văn hóa để làm sản phẩm du lịch phục vụ cho mọi người khi đến với huyện Bình Gia.

Tin tưởng rằng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, thời gian tới hát quan làng trong đám cưới của người Tày ở xã Mông Ân sẽ là một trong những sắc màu văn hoá độc đáo, điểm tô thêm vào vườn hoa sắc màu văn hoá các dân tộc của tỉnh Lạng Sơn cùng với những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các lễ hội của dân tộc sẽ trở thành sản phẩm du lịch tiềm năng của Bình Gia./.

Lập Nguyễn