Tiêu điểm
Tìm về ký ức Điện Biên
Trong những ngày tháng 4 lịch sử, hàng triệu trái tim từ mọi miền Tổ quốc đều hướng về Điện Biên - mảnh đất lịch sử đã ghi dấu chiến thắng vang dội của quân và dân ta với 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non”. Đoàn phóng viên của Báo Yên Bái cũng đã có mặt tại Điện Biên để cùng sống trong dòng hồi tưởng về những hy sinh máu xương làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Tháng 4, đường lên Điện Biên vẫn còn đâu đó sắc trắng tinh khôi của hoa ban tô điểm thêm cho những cung đường, những cảnh đẹp và cả những di tích lịch sử nơi đây. 70 năm sau chiến thắng, thành phố Điện Biên Phủ của ngày mới vẫn "ôm trọn” truyền thống và ký ức hùng hào. Dù không phải lần đầu đến với Điện Biên nhưng trong tâm khảm mỗi thành viên trong đoàn đều trào dâng cảm xúc khi được đặt chân lên vùng đất lịch sử, nơi ghi dấu những chiến công vang dội, những hy sinh thầm lặng của quân và dân ta làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu”, đập tan ách thống trị, đô hộ của thực dân Pháp, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Cựu chiến sĩ Điện Biên Phạm Đức Cư chia sẻ những câu chuyện thời chiến với các em học sinh và phóng viên tại Di tích Đồi A1. |
Trước khi đến thăm các địa danh lịch sử ghi dấu chiến thắng hào hùng của quân dân ta, đoàn chúng tôi đã đến dâng hương, tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Đền thờ liệt sĩ nơi chiến trường Điện Biên Phủ tại đồi F. Cùng với đồi A1, đồi F là một trong những điểm cao quan trọng nhất trong dãy đồi phòng thủ phía đông, có tác dụng che sườn cho phân khu đông của quân Pháp. Đồng thời, cùng các điểm cao khác, tạo thành một "bức bình phong” bảo vệ cho khu trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày nay, nơi đây được lựa chọn là vị trí xây dựng Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ. Công trình Đền thờ được chia thành 3 không gian chính: không gian dẫn nhập, không gian tĩnh tâm và không gian tâm linh - đền thờ chính. Với kiến trúc độc đáo, kết hợp hài hòa giữa các yếu tố lịch sử, văn hóa, cảnh quan và tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, công trình đã thể hiện sự trang nghiêm, linh thiêng, xứng tầm với chiến thắng và những hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ trên chiến trường máu lửa năm xưa.
Đông đảo nhân dân và du khách tới Nghĩa trang A1 để dâng hương, tri ân và tưởng nhớ tới các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh tại chiến trường năm xưa.
Tiếp tục hành trình, chúng tôi về với Nghĩa trang liệt sĩ A1 để dâng nén hương thơm viếng anh linh các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc máu xương vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nghĩa trang A1 là nơi an nghỉ của 644 anh hùng liệt sỹ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hầu hết các phần mộ liệt sỹ ở đây đều có chung dòng chữ "Phần mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính". Chỉ có 4 ngôi mộ lớn có bia khắc đủ họ tên là của các anh hùng liệt sĩ mà tên tuổi đã đi vào sử sách: Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót và Trần Can.
Tại Nghĩa trang này, 47 liệt sỹ của tỉnh Yên Bái hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ có tên trên bảng vàng tại Nghĩa trang nhưng không xác định được phần mộ. Giờ đây trên mộ các anh là ngôi sao vàng năm cánh, dưới bầu trời xanh yên bình không còn bom đạn, chứng kiến một Điện Biên thanh bình, phát triển của ngày hôm nay. Tôi chợt nhớ lại những câu thơ trong bài thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu:
"… Dù bom đạn xương tan, thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh...
Hỡi các chị, các anh trên chiến trường ngã xuống
Máu của anh chị, của chúng ta không uổng!
Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam
Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng...".
Trong giờ phút trang nghiêm, đoàn đặt vòng hoa trước tượng đài ghi công các anh hùng liệt sỹ, dành phút mặc niệm để tưởng nhớ những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ Tổ quốc. Thả hồn theo tiếng chuông trầm mặc, con tim mỗi người lại rưng rưng niềm xúc động khó diễn tả hết bằng lời. Phóng viên Dương Hoài Văn – Báo Yên Bái bồi hồi chia sẻ: "Dù sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước thống nhất, không được chứng kiến thời khắc chiến tranh đau thương cũng như hào hùng của dân tộc, nhưng bản thân mỗi thế hệ đi sau đều cảm nhận sâu sắc về chiến thắng Điện Biên Phủ. Càng vinh dự và tự hào khi tôi được trực tiếp tác nghiệp tại mảnh đất lịch sử này vào những ngày cả nước hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đó chắc chắn là niềm vinh dự rất lớn lao và ý nghĩa với bản thân tôi”.
Đi trong dòng hồi tưởng, chúng tôi về Trung tâm chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại bản Phăng, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, nơi có hầm chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; hầm của chỉ huy đối phương là tướng De Castries- Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để càng cảm nhận rõ hơn về cuộc chiến, về những trận chiến ác liệt giành giật nhau từng tấc đất, từng mét chiến hào.
Ngay trong buổi sáng hôm ấy tại Đồi A1, tôi đã gặp những cựu binh già trong bộ quân phục cũ, trên ngực áo lấp lánh huân, huy chương bước đi chậm rãi nhưng đôi mắt vẫn sáng lên cùng những giọt nước mắt bồi hồi khi gặp lại đồng đội năm xưa. Tôi may mắn được trò chuyện với cựu chiến sĩ Điện Biên Phạm Đức Cư – nguyên cán bộ Thông tin, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn Pháo cao xạ 367, Đại đoàn 315 đã từng tham gia chiến đấu từ khi mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ cho đến lúc giải phóng.
Hơn 90 tuổi, mái tóc trắng như cước, sắc diện hồng hào, đôi mắt tinh nhanh, giọng nói sang sảng, cụ đã kể cho chúng tôi nghe về nhiệm vụ đầu tiên của tiểu đoàn mình lúc tới lòng chảo Mường Thanh. Đó là việc phải dùng sức người kéo vào trận địa để đảm bảo bí mật. "Mỗi khẩu pháo nặng 2,4 tấn, để kéo được phải có từ 80 - 100 người. Đường vào trận địa mới mở, quá hẹp, dốc lớn lại thêm trời mưa lầy lội đồng thời phải kéo ban đêm không được soi đèn, chỉ cần sơ suất một li là cả pháo và người văng xuống vực thẳm” - cựu chiến sĩ Điện Biên bồi hồi nhớ lại. Thật đặc biệt, cụ cũng chính là một trong những đồng đội chứng kiến phút hy sinh của anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện.
Đồi A1 nằm ở phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ.
Đó là khi Tô Vĩnh Diện cùng đồng đội cố gắng cứu khẩu pháo bị đứt dây tời chủ, lộn vòng xuống dốc. Cụ Cư vẫn còn nhớ như in phút giây ấy: "Khi đồng đội xuống cứu, anh Tô Vĩnh Diện chỉ hỏi: "Pháo có làm sao không?” rồi hy sinh. Tôi chưa từng khóc nhưng đêm hôm ấy không thể cầm được nước mắt”.
Sau thời gian chuẩn bị "đánh chắc, tiến chắc”, chiều 13/3/1954, lực lượng pháo binh đã nổ phát súng đầu tiên vào tập đoàn cứ điểm quân Pháp, mở màn 56 ngày đêm "khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non” của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nơi tôi đứng - Đồi A1 cũng là nơi đã diễn ra trận quyết chiến chiến lược để giành trọn chiến thắng trong ngày 7/5 của 70 năm về trước.
Lịch sử đã ghi, A1 được ví như chìa khóa của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và những ngày đêm chiến đấu trên đồi A1 cả quân ta và Pháp đều dồn sức cho trận quyết định. Quả bộc phá 960kg được lấy từ những quả bom, mìn chưa nổ, những băng đạn của quân Pháp để rớt trên cánh đồng Mường Thanh trở thành đòn chí mạng đánh vào cứ điểm. Trong trận chiến này, hơn 2 nghìn cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh để quân ta làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1. Trước những chứng tích chiến tranh còn lại, có lẽ không chỉ tôi mà tất cả những người chưa một lần biết đến chiến tranh hiểu được thế nào là gian khó, hy sinh cũng như tinh thần anh dũng, quả cảm của các chiến sỹ để có được sự độc lập, tự do hôm nay.
Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam kiêm Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tiếp tục hành trình tại mảnh đất Điện Biên lịch sử, chúng tôi di chuyển hơn 20 km để đến với vùng căn cứ địa cách mạng quan trọng, nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng. Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đặt dọc theo một con suối nhỏ chạy quanh dưới chân núi Pú Đồn, được bố trí thành một hệ thống liên hoàn, bao bọc trước sau, có hầm hào, lán trại thuận tiện, vừa phù hợp với tốc độ làm việc, vừa bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối. Bà con nơi đây thường gọi một cách trìu mến khu rừng này là "rừng Đại tướng”, gọi vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam thuở ấy là "già bản Võ Nguyên Giáp” và căn hầm của Đại tướng là "nhà của già bản Võ Nguyên Giáp”.
Theo con đường mòn nhỏ chạy ngoằn ngoèo dẫn vào Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, chúng tôi được tận hưởng không khí mát lành, vẳng tiếng chim hót và âm thanh trong trẻo của những lạch nước róc rách chảy quanh. Những tán rừng già rậm rạp, xanh um, những cây dẻ, dổi, ké, khẻ mu cổ thụ kiêu hãnh vươn cao đã từng chở che cho bao cán bộ, chiến sĩ ta trong những tháng ngày kháng chiến gian nan. Vẫn còn đây hệ thống lán và hầm của cơ quan chính trị, của cố vấn quân sự Trung Quốc; lán và hầm làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của Tham mưu trưởng Chiến dịch Hoàng Văn Thái, của cơ quan thông tin và Cục trưởng Thông tin Hoàng Đạo Thúy; lán của Ban Cơ yếu; bếp Hoàng Cầm… được tái hiện bằng những vật liệu đơn sơ như: tre, luồng, lá móc, lá gồi có sẵn tại rừng Mường Phăng.
Vẫn còn đây đường hầm xuyên núi dài 69 m, cao 1,9 m, rộng 2 m, nối lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang lán Tham mưu trưởng Chiến dịch Hoàng Văn Thái. Vào những thời điểm quân Pháp ném bom dữ dội, Đại tướng làm việc và nghỉ ngơi trong căn hầm trú ẩn này để tránh bom và đạn pháo. Tất cả đều được chỉnh trang, tu sửa, quét dọn sạch sẽ, mang đến cho du khách cảm giác yên bình, tĩnh lặng. Những ngày tháng 4 lịch sử, "Rừng đại tướng" ở Mường Phăng tấp nập những đoàn khách phương xa về thăm Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ; trong đó có những cựu chiến sĩ Điện Biên, có cả những cựu chiến binh chống Mỹ, thế hệ trẻ hay cả những người con của liệt sĩ đã hi sinh trong chiến dịch năm xưa.
Anh Lư Mê Li, du khách thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Đến tận đây mới thấy điều kiện chỉ huy, chiến đấu của bộ đội ta thiếu thốn. Lán làm việc của Đại tướng hoàn toàn đối lập với hầm chỉ huy kiên cố, trang bị hiện đại của tướng Đờ Cát ở cánh đồng Mường Thanh mà tôi đã đến xem. Dưới sự chỉ huy tài tình của Đại tướng, quân Pháp đã thất bại hoàn toàn, tướng Đờ-Cát phải giơ tay đầu hàng. Thật khâm phục tinh thần chiến đấu dũng cảm kiên cường của bộ đội ta và tài chỉ huy, thao lược tài ba của Đại tướng cùng các đồng chí trong Bộ Chỉ huy chiến dịch”.
Điện Biên hôm nay đã đổi thay nhiều. Những con đường trở về chiến trường xưa không còn chông gai, bom đạn. Cánh đồng Mường Thanh trải ngút tầm mắt một màu xanh trù phú. Chiến địa năm xưa giờ cây xanh tỏa bóng bên dấu vết đạn bom. 70 năm đã trôi qua nhưng chẳng ai có thể biết chính xác trong lòng đất Điện Biên còn giữ lại máu xương của bao nhiêu người. Đất mẹ Điện Biên đã ôm trọn các anh vào lòng sâu, giữ mãi tuổi thanh xuân ở nơi này cùng những mùa ban trắng tinh khôi nơi miền Tây Bắc. Hình ảnh sống động của đội quân chiên đấu và chiến thắng sẽ mãi trường tồn trên bức tranh panorama tái hiện toàn cảnh Chiến thắng Điện Biên Phủ được đặt tại tầng hai của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Ba tiếng "Điện Biên Phủ” đã, đang và sẽ mãi mãi trở thành niềm tự hào; chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt, một dấu mốc bằng vàng chói lọi trong lịch sử dân tộc ta, của non sông đất nước ta, để chúng ta - những thế hệ đi sau luôn ghi nhớ, biết ơn và trân trọng để ra sức học tập, rèn luyện, noi gương các thế hệ đi trước, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh và giàu đẹp hơn.