Nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững
Xác định xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua các huyện, thị xã, thành phố đã tập trung nguồn lực triển khai thực hiện các mô hình sinh kế theo hướng liên kết. Đồng thời chú trọng nhân rộng các mô hình phát huy hiệu quả. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo qua từng năm; nâng cao thu nhập, đời sống người dân.
Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khoai sọ tại xã Trung Thu (huyện Tủa Chùa) được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai thực hiện từ năm 2021, đến nay đã được nhân rộng.
Tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ giống, vật tư, phân bón, đồng thời được ký kết hợp đồng tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm. Các hộ dân được hướng dẫn kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch, giúp người dân yên tâm tham gia mô hình. Hiện nay, năng suất khoai đạt trung bình 12,5 tấn/ha, giá thu mua tối thiểu 8.000 đồng/kg; trừ chi phí thu về 50 triệu đồng/ha. Sản phẩm khoai sọ được Hợp tác xã H’Mông Tủa Chùa cam kết tiêu thụ. Hiện nay, Hợp tác xã đã phát triển liên kết sản xuất, bao tiêu cho gần 100ha khoai sọ tại Tủa Chùa.
Là một trong những người tham gia mô hình, anh Thào A Làng chia sẻ: Tôi trồng 2.500m2 khoai sọ và được dự án hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời được tập huấn và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc. Nhờ đó, khoai sọ đạt năng suất cao, giảm công sức lao động. Đến nay, qua nhiều vụ thu hoạch, cây khoai sọ đem lại hiệu quả kinh tế hơn nhiều cây trồng khác. Dự kiến thời gian tới, gia đình tôi tiếp tục mở rộng diện tích khoai sọ.
Theo ông Phạm Quốc Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thì nhận thấy hiệu quả những năm gần đây người dân trong và ngoài mô hình đã mở rộng diện tích. Từ 4ha ban đầu, đến nay toàn xã có hơn 300 hộ dân liên kết với nhau, mở rộng diện tích sản xuất lên hơn 40ha. Mô hình khoai sọ không chỉ được trồng trên địa bàn xã Trung Thu mà còn mở rộng sản xuất sang nhiều địa bàn khác của huyện Tủa Chùa. Cuối năm 2023, Hợp tác xã H’Mông đã tiếp tục triển khai dự án cấp giống khoai sọ cho người dân trên địa bàn các xã: Trung Thu, Sính Phình, Tủa Thàng với diện tích trên 20ha.
Cũng mang lại hiệu quả là dự án hỗ trợ giống ong nội, vật tư nuôi ong trên địa bàn 2 xã Chà Nưa và Chà Cang huyện Nậm Pồ (hỗ trợ 300 đàn ong cho 30 hộ dân 2 xã). Tham gia dự án, các hộ dân được Hợp tác xã nuôi ong rừng Chà Nưa cung ứng vật tư, thu mua sản phẩm và quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm mật ong. Từ năm 2020 - 2023 thực hiện liên kết mô hình, số đàn ong tăng lên 346 đàn, lượng mật khai thác hơn 1.786 lít/năm, doanh thu gần 447 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân gần 15 triệu đồng/hộ/năm.
Trong giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh có 125 mô hình liên kết được hỗ trợ triển khai thực hiện. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua việc thực hiện các chính sách liên kết đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt so với sản xuất truyền thống: Trồng rau, củ, quả giảm chi phí sản xuất từ 10 - 15%, sản lượng tăng 15 - 25%, lợi nhuận tăng từ 30 - 35 triệu đồng/ha; liên kết sản xuất lúa theo cánh đồng một giống, áp dụng cơ giới hoá đã giảm chi phí sản xuất, lợi nhuận tăng từ 15 - 20 triệu đồng/ha. Trong lĩnh vực chăn nuôi, chi phí giảm, năng suất tăng cao đến 20% so với chăn nuôi ngoài mô hình...
Cùng với đó, thông qua liên kết, người dân được tiếp cận với kiến thức chuyên môn, góp phần nâng cao trình độ nhận thức, từng bước thay đổi phương thức, trình độ tổ chức sản xuất.
Thông qua các mô hình liên kết hỗ trợ sinh kế cụ thể đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo nâng cao thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Nhờ đó, nhiều người nghèo đã không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mà đã thay đổi nhận thức, tự lực vươn lên, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 26%, giảm 5.412 hộ nghèo (4,32%). Quý I/2024, ước tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 25,6%.