Văn hóa

Giữ niềm đam mê với nghề truyền thống dân tộc

Đinh Đông - Ngọc Duy 23/04/2024 - 15:32

Với niềm tự hào dân tộc, bằng tình yêu, đam mê, đồng bào dân tộc Thái ở huyện Phong Thổ đã và đang tích cực gìn giữ, phát triển nghề truyền thống dân tộc như: may trang phục, đan lát, chế tác đàn tính, đan chài…Nhờ đó, nhân dân không chỉ có cuộc sống ấm no mà còn góp phần bảo tồn giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc trong thời kỳ đất nước, quê hương Lai Châu đổi mới.

Đồng bào dân tộc Thái có dân số đông thứ 3 ở huyện Phong Thổ, sống tập trung tại các xã: Mường So, Khổng Lào, Hoang Thèn, Bản Lang, Nậm Xe và thị trấn Phong Thổ. Theo truyền thuyết dân gian, nơi đây là vùng đất tổ của người Thái trắng vùng Tây Bắc gắn liền với câu chuyện Nàng Han đi đánh giặc.

2

Từ bao đời nay, người Thái trắng trên địa bàn huyện luôn giữ kho tàng văn hoá, văn nghệ vô cùng phong phú, đa dạng, giàu bản sắc. Đặc biệt, Lễ hội “Then Kin Pang” được ví như kho tàng thu nhỏ, tái hiện lại toàn bộ đời sống sinh hoạt, văn hoá, văn nghệ của đồng bào người Thái trắng; trở thành một trong những lễ hội độc đáo, hấp dẫn của tỉnh, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, trải nghiệm.

3

Tại Lễ hội “Then Kin Pang” năm 2024, ngoài phần té nước, trình diễn múa xoè; thi: ẩm thực, văn nghệ, bắt cá, thể thao, chúng tôi và du khách được hoà mình vào không gian của hội thi “khéo tay hay nghề”; tận mắt chứng kiến các ông bà, các anh chị hăng say thể hiện tài năng đơm cúc áo cóm, đan chài bắt cá, chế tác đàn tính.

Chỉ với hơn 5 phút, ông Lò Văn Đấu - bản Vàng Pheo, xã Mường So đã hoàn thành xong phần lắp ráp các bộ phận của một chiếc đàn tính. Tiếng đàn tính vang lên ngân nga, trong trẻo. Được biết, đàn tính là biểu tượng âm nhạc của người dân tộc Thái. Dù là ngày thường nhật hay lễ hội, dịp mừng nhà mới…, đàn tính trở thành cầu nối gắn kết tình cảm keo sơn, bền chặt của đồng bào dân tộc Thái.

55

Phía dưới, các ông nhanh tay làm đàn tính thì trên sân khấu chính thi đua đơm những chiếc cúc bạc của áo cóm thật đẹp. Mỗi người dự thi chọn cho mình màu sắc, kiểu dáng khác nhau để tạo nên sự đa dạng, phong phú cho chiếc áo truyền thống dân tộc. Áo cóm của người Thái trắng hình cổ tim được may chiết eo. Khi mặc lên áo bó sát vào cơ thể khoe trọn những đường cong đẹp của người phụ nữ.

333
77

Qua lời tâm sự của chị Hợp, chúng tôi được biết, chị biết may áo cóm 10 năm nay. Như một cơ duyên với nghề may trang phục dân tộc mà chị từ bỏ ước mơ làm cô giáo để trở thành cô thợ may chỉ trong vòng 1 tuần học. Bà nội, bà ngoại và mẹ là người truyền cảm hứng và tình yêu may áo cóm cho chị. Bởi tuổi thơ chị gắn liền với hình ảnh của bà, mẹ cặm cụi ngồi may áo; hát cho chị nghe bài hát của dân tộc. Vì thế, tình yêu văn hoá dân tộc đã ngấm sâu vào trong con người chị. Để hôm nay, chị tiếp bước đời trước, kế thừa và phát triển nghề truyền thống; góp phần nhỏ bé, gìn giữ, bảo tồn giá trị đặc sắc của đồng bào Thái. Hiện nay, chị mở một cửa hiệu chuyên may trang phục truyền thống dân tộc Thái, tạo việc làm ổn định cho một số chị em trong bản.

88
9

Có thể thấy, mỗi người con dân tộc Thái trắng huyện Phong Thổ, văn hoá dân tộc đã ngấm sâu vào trong tiềm thức, suy nghĩ. Dù ở thời hiện đại, công nghệ tiên tiến, nhưng họ vẫn đam mê, sống trọn với nghề truyền thống. Qua thời gian, họ tiếp tục truyền lửa, thắp lên niềm tin cho thế hệ trẻ để văn hoá dân tộc trường tồn mãi mãi.

Đinh Đông - Ngọc Duy