Làng nghề dệt khăn rằn trăm tuổi ở miền Tây
Sau gần trăm năm tồn tại, hiện mỗi ngày làng nghề dệt choàng Long Khánh, huyện Hồng Ngự, (Đồng Tháp) làm được khoảng 4.000 khăn rằn Nam Bộ, không đủ cung ứng thị trường.
Làng nghề nằm trên cù lao Long Khánh giữa sông Tiền thuộc ấp Long Tả, xã Long Khánh A. Từ đầu làng, tiếng máy dệt đều đều báo hiệu đang vào mùa sản xuất. Qua gần trăm năm, làng nghề dệt choàng duy nhất ở miền Tây vẫn sản xuất mỗi ngày.
Bà Kim Chiều, một nghệ nhân lâu năm cho biết: Bà cũng không nhớ người đầu tiên của làng nghề là ai, chỉ nghe ông bà kể lại thuở ban đầu thợ dệt thuê lụa Lãnh Mỹ A cho làng nghề ở Tân Châu (An Giang). Về sau, nhóm thợ đầu tiên chuyển dần sang dệt khăn rằn và trụ lại đến hôm nay.
Làng nghề phát triển cực thịnh những năm đầu thập niên 90, cung cấp khăn rằn truyền thống cho nhân công cắt lúa, cấy lúa ngoài đồng. Bởi tính tiện dụng như lau mồ hôi, che nắng, chống bụi nên khăn rằn không thể thiếu với đời sống, sinh hoạt của nông dân. "Lúc đó, dệt bằng tay năng suất thấp làm không đủ bán. Tiểu thương phải trả tiền trước đến mùa lúa mới có hàng", bà Chiều kể.
Tuy nhiên, do nguyên liệu làm khăn rằn lúc đầu còn thô sơ nhất là chỉ sợi, nên phải hồ qua bột gạo nửa ngày, phơi ba nắng để sợi dày dặn. Trước khi dệt, lại phải nhúng sợi chỉ đơn loại mảnh qua nước nên người thợ thường xuyên bị nước ăn da, đầu cổ, tóc ướt đẫm. Quá trình dệt, mỗi người thợ ngồi suốt trên khung cửi từ 5h đến cuối chiều. Công việc cực nhọc song tiền công của người thợ ngày trước khá eo hẹp. "Khăn rằn giá 5.000 đồng nghệ nhân chỉ lời 600 đồng, dệt chục khăn họ chỉ lời 6.000 đồng mỗi ngày", bà Chiều chia sẻ.
Đến khi nông nghiệp được cơ giới hoá, nhất là máy gặt đập liên hợp phát triển, không chỉ nhân công thất nghiệp mà làng nghề dệt choàng cũng điêu đứng. Dù dệt bằng máy, tăng năng suất, song khăn làm ra không bán được. Thợ buộc phải bỏ nghề tìm công việc khác mưu sinh. Làng nghề chỉ còn vài người bám trụ. Tưởng chừng nghề truyền thống bị mai một thì một số nghệ nhân nhanh nhạy chuyển sang làm khăn choàng du lịch vào 5 năm trước.
Là một trong những nghệ nhân đầu tiên cải tiến mẫu mã khăn rằn truyền thống, bà Chiều cho biết khăn rằn du lịch đòi hỏi độ dày dặn, đa dạng mẫu mã, màu sắc bắt mắt. Từ ba màu carô truyền thống, hiện làng nghề làm ra gần trăm mẫu mã khác nhau kết hợp thêu logo, biểu tượng sếu, hoa hồng...
Theo bà Chiều, khó khăn lớn nhất với người thợ là kích cỡ khăn nhỏ hơn loại truyền thống, lại dệt dày hơn nên máy dệt thường xuyên lỗi, đứt chỉ. Để dệt được chiếc khăn rằn du lịch đầu tiên, bà mất 7 ngày ròng rã cải tiến, sửa chữa từng chút một. "Tôi từng bật khóc trên khung cửi nhưng dặn lòng không thể bỏ cuộc", bà kể và cho biết sau đó, cách dệt được truyền thụ cho những nghệ nhân trong làng, phát triển đến ngày nay.
Anh Phan Thanh An, Giám đốc HTX dệt choàng Long Khánh, là lớp truyền nhân thứ 3 của gia đình thợ dệt có tiếng trong vùng, kể ngày nhỏ anh đam mê nghề dệt, mới 6 tuổi đầu đã có thể đứng khung cửi. Trẻ con trong vùng như anh chẳng ai dạy nghề, thấy người lớn làm thì bắt chước làm theo. Giai đoạn làng nghề khó khăn, anh từng bỏ quê lên Bình Dương làm công nhân, song đã quyết định về quê với tâm nguyện vực dậy làng nghề.
Bên cạnh dệt khăn du lịch, An cùng những thợ may trong vùng bắt đầu dùng khăn để may túi xách, nón, cà vạt, băng đô kể cả các loại áo dài, bà ba, sơ mi. Chất vải khăn choàng khi dệt bằng chỉ đôi 40/2 vừa đảm bảo độ bền, thấm hút mồ hôi tốt. Từ đây nguồn thu nhập của thợ dệt cũng tăng lên gấp 3-4 lần, một người đứng hai máy dệt có thể kiếm 8-9 triệu đồng mỗi tháng. "Làng nghề còn khoảng 50 nghệ nhân với hơn 200 máy dệt, sản phẩm tiêu thụ khắp cả nước nhất là các khu điểm du lịch, quầy hàng đặc sản", anh An nói.
Ngoài ra, hàng tuần tàu du lịch chở khách nước ngoài chọn làng nghề là điểm tham quan trên hành trình xuôi dòng Mekong. Nhờ đó, thợ dệt có thêm thu nhập từ việc bán đặc sản lại có niềm vui quảng bá làng nghề đến bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, theo anh An, điều trăn trở nhất của những nghệ nhân là các máy dệt công nghệ khá cũ, năng suất không cao. Trung bình mỗi khung cửi máy chỉ dệt được 20 khăn loại du lịch và 50 khăn truyền thống mỗi ngày.
Khăn rằn Nam Bộ bắt nguồn từ khăn krama của người Khmer, do quá trình cộng cư cùng các dân tộc khác, chiếc khăn được thay đổi cho phù hợp gắn liền với người dân miền sông nước Cửu Long. Trải qua bao thế hệ, khăn rằn Nam Bộ là hình ảnh thân quen như một nét văn hóa in đậm trong tiềm thức của người dân vùng đất phương Nam.
Về miền Tây, khách du lịch dễ dàng bắt gặp hình ảnh các ông lão, hay các bà, các mẹ đeo khăn rằn lên cổ hay quấn quanh đầu. Ngày trước, nông dân còn tận dụng làm ngư cụ bắt cá hoặc nấu cơm giữa đồng. Hiện, nhiều người lớn tuổi ở miền Nam vẫn còn giữ thói quen xài khăn rằn dù khăn lông khá phát triển.
Ông Nguyễn Văn Khơi, Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự cho biết: Làng nghề dệt choàng Long Khánh là một trong 6 điểm du lịch cộng đồng được quan tâm, tạo điều kiện để phát triển du lịch với những chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề. Huyện đã xác định trọng tâm phát triển tuyến du lịch đường sông kết nối các điểm du lịch cộng đồng, trải nghiệm làng nghề, văn hóa địa phương. Hiện, cồn Long Khánh được địa phương đầu tư bến tàu du lịch, hàng tuần đón du thuyền quốc tế tham quan cồn chủ yếu là làng nghề dệt khăn rằn.