'Sống khỏe' nhờ trồng dược liệu
Hiệu quả của mô hình trồng cây dược liệu, đặc biệt là các mô hình liên kết giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp, đang trở thành đòn bẩy giúp nhiều hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thoát nghèo, làm giàu bền vững.
Hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hơn 10 năm, HTX Hợp Thịnh, huyện Cao Lộc, từng chỉ chú trọng vào lĩnh vực chăn nuôi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, phát huy lợi thế sẵn có tại địa phương, nhiều thành viên HTX đã mạnh dạn “lấn sân” sang trồng dược liệu cho thu nhập cao.
Hiệu quả cây dược liệu
Ông Đồng Sỹ Tiến, thôn Còn Quyền, xã Hồng Phong là một trong những hộ đầu tiên tham gia liên kết với HTX Hợp Thịnh để phát triển vùng trồng dược liệu, với hơn 6 sào trồng nghệ, thay cho diện tích trồng lúa, ngô cũ cho giá trị kinh tế thấp.
Khi chuyển sang trồng nghệ đen, ông Tiến cho hay, HTX Hợp Thịnh trực tiếp đứng ra kết nối cung ứng cây giống, phân bón và bao tiêu toàn bộ sản phẩm, người dân chỉ cần bỏ công sức ra chăm sóc mà thu nhập vẫn cao hơn nhiều so với trồng lúa, trồng ngô.
“Cây nghệ cho năng suất từ 1 đến 1,5 tấn/sào. Với giá thu mua 7.000 - 10.000 đồng/kg, mỗi sào nghệ thu về từ 7 đến 15 triệu đồng/vụ, trừ chi phí lãi khoảng 4 - 6 triệu đồng/sào/vụ. Thu nhập từ cây nghệ giúp kinh tế gia đình tôi ngày càng vững vàng”, ông Tiến hồ hởi nói.
Một trong những điểm nhấn trong quá trình phát triển cây dược liệu của HTX Hợp Thịnh là sự linh hoạt trong sản xuất. Đơn cử, trong điều kiện diện tích đất canh tác thiếu, HTX đã chủ động kết nối với các tổ hợp tác, HTX trong và ngoài địa bàn để mở rộng vùng nguyên liệu, vừa phục vụ chế biến, vừa xuất bán sản phẩm tươi.
Không chỉ có vùng trồng nghệ, HTX cũng tích cực đa dạng các loại dược liệu, tiêu biểu như cây hoàn ngọc. HTX đã liên kết với các hộ dân thôn Yên Thủy 2, xã Yên Trạch để xây dựng mô hình trồng cây hoàn ngọc với diện tích 1,5 ha. Mỗi năm, cây cho thu hoạch 2 vụ, với giá thu mua ổn định 4.000 đồng/kg, tính ra trung bình mỗi năm cây hoàn ngọc đem về thu nhập khoảng 6 triệu đồng/sào.
Đại diện HTX Hợp Thịnh cho biết đến nay, HTX đã liên kết sản xuất cây dược liệu với 15 HTX, tổ hợp tác trên địa bàn các huyện: Bắc Sơn, Văn Quan, Cao Lộc, Lộc Bình, Tràng Định… với tổng diện tích trên 40 ha. Các loại cây dược liệu chủ lực như cà gai leo 16 ha; nghệ các loại 20 ha; hoàn ngọc 2 ha; đương quy 3 ha; hà thủ ô đỏ 2 ha…
Đa dạng vùng trồng
Không chỉ hiệu quả trong các HTX, tổ hợp tác, cây dược liệu đang được mở rộng tại nhiều địa phương tỉnh Lạng Sơn. Điển hình như ở Đình Lập, cây dược liệu đang được định hướng phát triển thành cây trồng chủ lực của huyện trong mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.
Đến nay, Đình Lập là một trong những huyện phát triển dược liệu lớn của tỉnh. Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện, trước đây, các loại cây dược liệu chủ yếu mọc tự nhiên dưới tán cây rừng, nhận thấy có tiềm năng phát triển kinh tế từ loại cây trồng này, thời gian qua, huyện đã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho bà con nông dân.
Đồng thời, ngành nông nghiệp huyện định hướng người dân mở rộng diện tích, hình thành vùng sản xuất tập trung cây dược liệu. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 230 ha cây dược liệu gồm sa nhân, ba kích, trà hoa vàng… Tập trung chủ lực tại các xã Bắc Xa, Kiên Mộc, Bính Xá.
Bà Lù Thị Lường, xã Đình Lập, huyện Đình Lập, chia sẻ trước đây, gia đình bà phát triển vườn tạp và chăn nuôi theo phong trào, thấy thị trường ưa chuộng loại cây nào, loại con nào thì sẽ học hỏi làm theo, nên thường xuyên xảy ra tình trạng được mùa mất giá, thu nhập bấp bênh.
Đến năm 2018, khi được cán bộ nông nghiệp huyện tuyên truyền, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, bà Lường đầu tư mua 500 cây sa nhân về trồng thử nghiệm dưới tán rừng thông. Thấy cây trồng phát triển tốt, một năm sau, bà tiếp tục mở rộng vùng trồng. Đến nay, gia đình bà có tổng hơn 11.000 cây sa nhân.
Theo bàn Lường, ưu điểm của cây sa nhân chính là trồng được dưới tán rừng, giúp tăng giá trị kinh tế trên cùng một diện tích đất, khả năng sinh trưởng tốt. Hiện nay, toàn bộ cây sa nhân đã cho thu hoạch, giá bán và thị trường đều ổn định.
“Năm 2023, gia đình tôi thu được 1 tạ quả sa nhân tươi, thu hàng trăm triệu. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn kết hợp tỉa cây con bán cho các hộ trồng khác, thu nhập được hơn 10 triệu đồng”, bà Lù Thị Lường phấn khởi cho hay.
Hình thành chuỗi giá trị
Với giá trị kinh tế vượt trội, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang chú trọng phát triển, mở rộng vùng trồng dược liệu theo hướng liên kết, hình thành chuỗi giá trị với liên kết chặt chẽ giữa địa phương, nông dân, các HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp.
Không chỉ Đình Lập, hiện nay, các huyện như Hữu Lũng, Lộc Bình, Bắc Sơn… cũng quan tâm, tuyên truyền người dân mở rộng diện tích trồng cây dược liệu.
Nhận thấy nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước rất lớn, hơn nữa cây dược liệu trồng dưới tán rừng tận dụng được tối đa diện tích đất, bên cạnh sự chủ động của các huyện, ngành nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn và các địa phương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp phát triển cây dược liệu.
Đơn cử, công tác tuyên truyền, tập huấn được ngành chuyên môn chú trọng thực hiện. Theo đó, riêng trong năm 2023, Sở NN&PTNT tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức được 470 hội nghị tuyên truyền, tập huấn lồng ghép về phát triển cây dược liệu với các hình thức tuyên truyền đa dạng như: tuyên truyền lưu động, phối hợp đưa tin, bài qua hệ thống loa truyền thanh, phát tờ rơi, tuyên truyền trên mạng xã hội với trên 32.000 lượt người tham gia.
Về nghiên cứu, ứng dụng triển khai khoa học kỹ thuật, thời gian qua, các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục triển khai dự án nghiên cứu, phát triển một số loài dược liệu quý hiếm có giá trị cao như: ngũ gia bì gai, lá khôi, đẳng sâm, ba kích tím, bình vôi, hà thủ ô, hoàng tinh hoa đỏ, lan một lá…
Từ những giải pháp của ngành chuyên môn và sự chủ động của người dân, đến nay, toàn tỉnh đã bước đầu hình thành vùng trồng dược liệu tại các huyện: Đình Lập, Lộc Bình, Bắc Sơn, Văn Lãng với tổng diện tích trên 780 ha với các loại chủ yếu như: sa nhân, ba kích, trà hoa vàng, cát sâm…
Những thành công trên đang tạo tiền đề giúp các địa phương ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các mối liên kết tiêu thụ dược liệu, cho hiệu quả cao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã bước đầu hình thành liên kết sản xuất dược liệu giữa doanh nghiệp với các hộ dân trên địa bàn huyện Văn Lãng và Bắc Sơn.