Di sản Then trong đời sống của người Tày
Chiếm trên 14% dân số của tỉnh, cư trú tập trung thành làng bản ở các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang, người Tày ở Hà Giang là chủ nhân của năm di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Nghi lễ Then, Tết cá, nghề làm nón hai mê, hát quan làng và Lễ hội Nàng Hai. Đặc biệt, năm 2019 tổ chức UNESCO đã ghi danh di sản thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở 11 tỉnh, trong đó có Hà Giang vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Then có nguồn gốc từ chữ “Tiên”, có nơi gọi là “Sliên” là người của trời. Then là những khúc hát, điệu múa thuộc thể loại dân ca nghi lễ, được sử dụng trong các nghi lễ cúng tế. Xét về hình thức thể hiện, Then được chia thành hai loại Then quạt và Then tính. Then quạt cùng nhóm với Pụt (nghĩa là Bụt, thầy Bụt), ngôn ngữ sử dụng chủ yếu là tiếng Tày, then quạt ra đời sớm hơn then tính. Khi hát, thầy then chỉ dùng quạt, mặc quần áo màu đỏ, khăn đỏ, mũ đỏ. Giai điệu then quạt hát kéo dài như hát pụt, không có nhạc đệm, thời gian hát dài hơn then tính. Then quạt được sử dụng trong các nghi lễ cầu yên như: Cúng mụ, cúng giải hạn, cúng chữa bệnh. Then tính ra đời và phát triển trên cơ sở Then quạt, có nhạc cụ đệm là đàn tính và chùm sóc, quả nhạc. Khi thể hiện, vừa đàn vừa hát, nhịp đi lúc nhanh, lúc chậm tùy vào nội dung khúc hát.
Trình diễn hát Then tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thị trấn Vị Xuyên (Vị Xuyên). Ảnh: PV |
Xét theo nhóm nội dung, Then được chia làm hai nhóm: Then Kỳ Yên và Then Lễ hội. Then Kỳ Yên bao gồm các nội dung cầu yên, cầu chúc, chữa bệnh. Tỷ lệ then Kỳ Yên chiếm nhiều hơn trong đường then. So với then lễ hội, nghi lễ then Kỳ Yên phải trải qua nhiều cung đoạn gồm: Cung thổ công, cung phát pang (phát lễ cho họ nội ngoại), cung thần linh thổ địa (các thần linh), cung mồ mả, cung vua bếp (Táo quân), cung tổ tiên, cung bắc cầu cầu hoa, cung mụ, cung giải hạn, phủ hội đồng, cung tam bảo, cung vua, cung khảm hải. Nghi lễ then Kỳ Yên thường tổ chức vào ban đêm yên tĩnh, khi màn đêm đã lắng đọng, vạn vật đã đi vào giấc ngủ chỉ còn vang vọng tiếng hát của then, giúp mọi người lắng nghe và thấu hiểu từng lời hát một cách đầy đủ và trọn vẹn nhất. Then lễ hội là những khúc hát khích lệ tinh thần mọi người thêm vui vẻ, xua tan phiền muộn, cực nhọc vất vả trong cuộc sống để thỏa mãn ước vọng về một cuộc sống đầy đủ, muôn vật sinh linh. Loại then lễ hội thường được sử dụng trong các nghi lễ: Cầu mùa, vào nhà mới, lễ cấp sắc, lễ cốm, lẩu then... Then lễ hội gồm nhiều cung phủ: Giải uế, khảm hải, ca bốn mùa, tứ bách hoặc phủ thu quạt, hội đồng, tam bảo, chợ tam quang, vua cha... Các khúc hát cầu mùa được thể hiện dưới hình thức múa hát tập thể, có nhiều người cùng tham gia, với mục đích cầu mong thần Nông, thần Mưa, thần Nắng làm cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Lẩu then thường tổ chức vào tháng Hai, Ba âm lịch. Việc tổ chức nghi lễ Lẩu then thường kéo dài suốt đêm với hơn 30 chương đoạn, mỗi chương là một chặng đường với những chông gai trắc trở để đến với vinh quang. Các nhà then thường là những nghệ nhân xuất sắc nhất, họ vừa đàn, vừa hát, vừa tự sóc nhạc và có lúc kèm những điệu múa.
Then là một hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Tày, ra đời từ lâu đời và gắn bó với sự hình thành, phát triển cộng đồng người Tày, phản ánh hiện thực đời sống xã hội người Tày trong các giai đoạn lịch sử. Nghi lễ then là một loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp gồm văn học, âm nhạc, hội họa, múa. Ngày nay, Then vẫn còn được bảo tồn, gìn giữ và phát huy trong cộng đồng người Tày ở Hà Giang.