Gương sáng

Lão nông đam mê làm bình ủ trà từ trái dừa khô

TIẾN ĐẠT 22/04/2024 - 07:56

Bằng sự yêu thích đến niềm đam mê, ông Lâm Thái Dũng (57 tuổi), ở ấp Khu 4, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) vẫn đêm ngày cần mẫn làm ra những chiếc bình ủ trà độc đáo cũng như các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác từ trái dừa khô.

Ông Dũng chia sẻ: “Cái bình ủ trà này là một sản phẩm thủ công đã có từ rất lâu, dùng để giữ cho bình trà được ấm lâu cũng như bảo vệ cho bình trà không bị rơi vỡ. Cha chú đã làm nhiều chiếc bình ủ trà để sử dụng và tặng bà con lối xóm. Sau này, cha chú dạy cho chú biết làm. Sản phẩm này chú chỉ làm khi có người đặt mua, công việc chủ yếu của chú là làm ruộng. Năm 2020, do dịch Covid-19 nên việc đồng áng phải tạm ngưng. Vì thế, chú quyết định tập trung làm bình ủ trà để bán. Các sản phẩm của chú chủ yếu được trưng bày tại nhà hoặc gửi bán tại quán cơm và trạm dừng chân”.

Ông Lâm Thái Dũng, ấp Khu 4, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) cần mẫn làm ra chiếc bình ủ trà độc đáo. Ảnh: TIẾN ĐẠT

Chiếc bình ủ trà nhìn bề ngoài đơn giản nhưng làm ra thì không hề giản đơn và đòi hỏi sự kiên trì. Ông Dũng hướng dẫn: “Công đoạn cực nhất có lẽ là khâu chọn nguyên liệu. Ở Trà Vinh hay Bến Tre nguồn nguyên liệu rất nhiều lại rẻ. Còn ở Sóc Trăng, để chọn trái dừa đẹp, tròn đều, đúng kích thước không phải chuyện dễ dàng. Chú phải lặn lội khắp nơi trong tỉnh thậm chí đặt mua ở tận Trà Vinh. Giá dừa khô hiện tại chỉ khoảng 5.000 đồng/trái, với những trái dừa phù hợp làm bình ủ, chú phải mua mức giá từ 20.000 - 30.000 đồng/trái. Sau khi chọn được trái dừa ưng ý là đến công đoạn đòi hỏi tay nghề và sự kiên nhẫn của người thợ, đó là cắt miệng bình và khoét ruột. Trước đây, muốn cưa, cắt, gọt, mài chỉ làm bằng tay với công cụ thô sơ nên tỷ lệ hư rất cao. Bây giờ chú đã có máy cưa mini, máy mài và máy giũa nên rất tiện lợi”.

Ở công đoạn cắt miệng bình phải cắt làm sao cho thật tròn đều, tất cả phải đúng một mặt cắt không được lệch, nếu lệch đi một chút coi như thất bại và phải bỏ đi. Sau đó lấy máy cưa loại bỏ một phần gáo dừa bên trong, chừa lại một phần ở trên miệng bình để tăng sự chắc chắn. Tiếp theo dùng máy mài mài cho phần rỗng bên trong thật nhẵn mịn. Qua rất nhiều công đoạn thì mới có chiếc bình ủ trà tương đối hoàn chỉnh. Để sản phẩm đẹp và bền, ông phủ thêm lớp sơn màu cánh gián. Còn ở phần nắp sẽ có phần núm để làm tay cầm. Trước đây, ông dùng quả dừa non để làm phần này, về sau ông dùng quả cau vua để thay thế tạo nên sự thẩm mỹ và chắc chắn cho phần nắp.

Theo ông Dũng, đây không phải cái nghề để làm giàu, bởi lượng khách không nhiều, chủ yếu làm theo đơn đặt hàng. Mỗi sản phẩm ông chỉ kiếm được 100.000 - 200.000 đồng. Sở dĩ ông vẫn duy trì làm thường xuyên vì đam mê làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ và muốn lưu giữ những gì cha của ông đã truyền dạy.

Cô Út (tên gọi hằng ngày của vợ ông Dũng ) chia sẻ: “Ổng đam mê cái nghề này lắm. Từ hồi trẻ ổng đã làm bình ủ trà bán rồi. Năm xưa, chú làm 1 cái bình thiệt to, thiệt đẹp mang qua nhà tặng cho cha của cô để hỏi cưới. Vậy là cha cô ưng chú luôn đó nghen. Ngoài giờ làm ở dưới ruộng là chú ở miết trong xưởng, từ tối tới khuya để làm bình ủ trà. Nhiều khi cô cằn nhằn nhưng chú chỉ cười rồi tiếp tục làm. Khách hàng qua người này, người kia giới thiệu cũng có lai rai”.

Ngoài làm bình ủ trà, ông Dũng còn rất khéo tay trong việc làm nên những món đồ thủ công từ gáo dừa khô như: đèn dầu, con mèo, con trâu.... Ông Dũng chia sẻ: “Có lần bạn chú từ thành phố về chơi, họ rất thích những sản phẩm chú làm và gợi ý chú nên làm thêm các món quà lưu niệm từ dừa để đa dạng hóa sản phẩm của mình. Sau đó chú cũng tìm tòi, mày mò và cho ra đời những sản phẩm độc đáo không kém cái bình ủ trà”.

“Mai mốt chú lớn tuổi rồi, mắt mờ, tay run, chắc không còn làm được nữa, chú mong con cháu sau này sẽ nối nghiệp chú. Nếu các bạn trẻ muốn học nghề, chú sẵn sàng dạy miễn phí cho và nhường lại thị trường cho chúng nó mà không giấu giếm gì hết. Chú hy vọng thế hệ sau này có thể phát triển thị trường ra ngoài khu vực qua các kênh online để lưu giữ nét độc đáo của sản phẩm thủ công mỹ nghệ” - ông Dũng chia sẻ ước mơ của mình và mong muốn có sự tiếp bước ở thế hệ sau này.

TIẾN ĐẠT