Văn hóa

Ngày vui hát sắc bùa

X.Phú 21/04/2024 - 21:12

Trong khi nhiều loại hình nghệ thuật dân gian đang dần có nguy cơ mai một theo thời gian thì hát sắc bùa vẫn được người Minh Hóa lưu truyền, gìn giữ, biểu diễn trong các dịp vui chúc Tết, hội rằm… Loại hình nghệ thuật này đang được huyện Minh Hóa đề xuất công nhận di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) cấp quốc gia. Và nếu đề xuất này được chấp nhận, thì hát sắc bùa sẽ là DSVHPVT thứ hai sau hò thuốc cá, càng chứng minh sự đa dạng, đặc sắc trong văn hóa truyền thống của vùng đất này.

Hát cho những ngày vui
Theo các nghệ nhân ở Minh Hóa, hát sắc bùa được du nhập vào vùng đất này vào khoảng triều đại nhà Hậu Lê. Qua thời gian, các làn điệu hát sắc bùa ở Minh Hóa dần “lột xác” mang đậm bản sắc của người vùng cao, biến tấu khác nhiều nơi ở vùng đồng bằng.
Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam huyện Minh Hóa Đinh Xuân Đình cho hay, nội dung các bài hát sắc bùa được các đội, phường sử dụng lời cổ song cũng có đội đặt lời mới cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương qua mỗi thời kỳ và phù hợp với từng đối tượng. Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt là các bài hát sắc bùa ở Minh Hóa hiện nay chỉ được thể hiện ở những dịp vui, như: Chúc Tết Nguyên đán, hội rằm, chúc thọ, mừng nhà mới, chúc mừng đại hội…
Tập huấn, trao truyền kỹ năng hát sắc bùa cho thế hệ trẻ.
Tập huấn, trao truyền kỹ năng hát sắc bùa cho thế hệ trẻ.
Một số hình thức tiêu biểu hiện đang được lưu giữ và phát huy ở Minh Hóa hiện nay đó là: Dạo ngõ, dạo cổng, dạo trống, dạo pháo, sắc ngoài sân, xưng danh, chúc nguyền, chém quỷ và múa trống. Nội dung các bài hát sắc bùa thường gồm có các bài “hát dạo”, 12 bài sắc và hát vạn ngoài sân và 12 bài hát sắc, hát vạn trong nhà.
Mở đầu các bài “hát dạo” thường là: “Thơ! Thơ! Dạ! dạ/Kính nhường thượng hạ đôi phe” và kết thúc mỗi bài hát sắc, hát vạn luôn luôn bằng câu: “Lê, lê là lê/Hờ lê là lê” hoặc “hờ vui lá vui hờ vui”. Những câu chúc trong bài hát đều thể hiện sự thành kính đối với những người đi trước và gửi gắm những điều tốt đẹp nhất cho gia chủ, như: “Sắc sắc năm cũ đã hết/Năm mới bước sang/Chúc ông chữ minh/Chữ khang/Chữ tràng/Chữ thọ/Con trai sức khỏe/Con gái hồng hoa/Chúng tôi sắc bùa/Cho đời sau trường thịnh”…
Làn điệu hát sắc bùa gồm giọng ngân nga theo nhịp trống cái, trống cơm, công, mèn và lời sắc, lời vạn. Lời sắc, lời vạn là những câu hát được sáng tác thành bài theo từng chủ đề và được mọi người trong đội, phường sắc bùa học thuộc lòng, tập luyện giọng sắc, giọng vạn kỹ lưỡng theo nhịp trống cơm, trống cái, công, mèn để khi diễn xuất ca hát nhịp nhàng, bảo đảm tính linh nghiêm và tính vui tươi, sảng khoái trong ngày cho người được xem.
Gìn giữ và phát huy
Hát sắc bùa có lịch sử hàng trăm năm ở đất Minh Hóa, tuy nhiên cũng có những thời kỳ tưởng chừng như mai một, biến mất trong dòng sông thời gian. Thế nhưng, với nỗ lực của nhiều thế hệ và các cấp chính quyền, hiện tại, hát sắc bùa như được “sống dậy” những năm gần đây.
Trước đây, loại hình nghệ thuật này phổ biến ở các xã Yên Hóa, Xuân Hóa, Hồng Hóa, Minh Hóa và chủ yếu là những người lớn tuổi tham gia. Ông Đinh Xuân Đình chia sẻ, chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, hát sắc bùa ở Minh Hóa được khôi phục. Riêng Hội Di sản Việt Nam huyện Minh Hóa đã tổ chức tập huấn cho khoảng 50 người dân ở mọi lứa tuổi về hát sắc bùa. Hiện, hát sắc bùa đã được mở rộng, chuyển giao ở xã Tân Hóa. Toàn huyện Minh Hóa có khoảng trên 100 nghệ nhân biểu diễn được loại hình nghệ thuật này, trong đó, người lớn nhất trên 80 tuổi và nhỏ nhất mới ngoài 20 tuổi.
Những bài hát sắc bùa thường được biểu diễn trong những ngày vui.
Những bài hát sắc bùa thường được biểu diễn trong những ngày vui.
“Hội Di sản Việt Nam huyện Minh Hóa hiện đang phối hợp hoàn thiện các thủ tục để đề xuất công nhận DSVHPVT đối với loại hình nghệ thuật hát sắc bùa”, ông Đinh Xuân Đình thông tin cụ thể thêm.
Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Minh Hóa Đinh Bình Luận cho biết, hát sắc bùa ở Minh Hóa mang những nét đặc trưng riêng biệt và nếu được công nhận DSVHPVT sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống của người Minh Hóa, đặc biệt là trong thời đại hội nhập hiện nay, các loại hình nghệ thuật truyền thống đứng trước nguy cơ bị quên lãng, ít được tiếp thu bởi thế hệ trẻ.
Năm nay, như thường lệ, các đội, phường hát sắc bùa trên địa bàn huyện sẽ biểu diễn trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội rằm tháng ba Minh Hóa. Những làn điệu sắc bùa ngân lên không chỉ gửi gắm những lời chúc tốt đẹp nhất đến bà con người Minh Hóa mà cả du khách thập phương về chơi hội rằm.

X.Phú