Văn hóa
Bảo tồn văn hóa Hát Nhà tơ
Hát Nhà tơ - Hát, múa cửa đình ở huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) gắn liền với tín ngưỡng, văn hóa, phong tục địa phương, là phần không thể thiếu trong lễ hội đình truyền thống hằng năm cùng nhiều sự kiện quan trọng khác của cộng đồng dân cư. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, hình thức diễn xướng dân gian này đang được quan tâm bảo tồn, tiếp tục có sức sống mới trong xã hội hôm nay.
Nghệ nhân Nhân dân Đặng Thị Tự (103 tuổi) là người có công tham gia bảo tồn văn hóa Hát nhà tơ - Hát, múa cửa đình tại địa phương. (Trong ảnh: Tiết mục Hát Nhà tơ tại Lễ đón nhận huyện Đầm Hà đạt chuẩn NTM nâng cao, tháng 2/2024)
Hát nhà tơ - Hát, múa cửa đình đã tồn tại hàng nghìn năm, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của cư dân các làng xã ven biển, hải đảo Quảng Ninh. Tuy nhiên vì nhiều lý do mà bị mai một dần. Năm 2009, cùng với việc phục dựng lại lễ hội đình Đầm Hà, điệu hát nhà tơ được sưu tầm, hát trở lại. Tháng 6/2011, tỉnh quyết định giao cho Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh thực hiện Dự án nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị hát nhà tơ - hát cửa đình tại Đầm Hà, Vân Đồn và TP Móng Cái. Từ đây, di sản hát nhà tơ - hát cửa đình ở Quảng Ninh đã chính thức được nghiên cứu, sưu tầm một cách bài bản, khoa học và được phát huy; các nghệ nhân được tìm kiếm... Hát nhà tơ - Hát, múa cửa đình là một thể loại được coi là biến thể của ca trù Việt Nam, điểm khác ở chỗ là loại hình này rất coi trọng múa, khi trình diễn luôn có đội hình múa đi kèm. Loại hình này có phong cách hát, múa nhẹ nhàng, uyển chuyển, thường là trong gia đình có bố mẹ đi hát, hoặc nghe hát rồi truyền lại cho con cháu... Nếu tách bạch ra, thì Hát nhà tơ và Hát, múa cửa đình có sự khác biệt ở chỗ; hát nhà tơ nặng tính chất giao duyên, còn hát múa cửa đình thì nặng tính chất tín ngưỡng. Hát nhà tơ là hoạt động thường xuyên trong dân, từ dân, của người dân lao động; còn hát múa cửa đình chủ yếu là để phục vụ lễ hội của làng. Hát múa cửa đình gắn với đình làng, để ca ngợi những người có có công với nước, với làng... |