Báo động tai nạn giao thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Gia Lai xảy ra 147 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 85 người chết, 97 người bị thương. Trong đó hơn 42% số vụ tai nạn liên quan đến người dân tộc thiểu số (DTTS).
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số đáng báo động là do ý thức chấp hành của người dân. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, mạng lưới giao thông được đầu tư mở rộng đến tận thôn, buôn.
Theo đó, đời sống của đồng bào DTTS được nâng cao, kinh tế ổn định, nhiều hộ gia đình mua xe máy phục vụ nhu cầu đi lại. Tuy nhiên, nhiều hộ dân làm rẫy xa nhà nên cố gắng sắm mỗi người một chiếc xe máy “cà tàng” với giá vài triệu đồng. Những chiếc xe này thường hỏng hóc, không bảo đảm an toàn nhưng vẫn được người dân sử dụng tham gia giao thông.
Ảnh minh họa: baogialai.com.vn |
Mặt khác, nhiều con em đồng bào DTTS sử dụng xe máy nhưng rất ít người được học Luật Giao thông đường bộ và được cấp giấy phép lái xe. Một số người biết luật nhưng cố tình vi phạm. Để xảy ra tình trạng TNGT nhức nhối trong đồng bào DTTS thời gian vừa qua một phần do lực lượng chức năng chưa thực sự sâu sát, quyết liệt trong thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, dẫn tới tình trạng thanh, thiếu niên là người DTTS chạy xe máy với tốc độ cao, đánh võng, lạng lách gây nên nhiều vụ TNGT nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chưa được quan tâm đúng mức nên ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người dân là đồng bào DTTS chưa cao.
Để góp phần giảm tỷ lệ TNGT trong đồng bào DTTS, các lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai cần triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp. Một trong những giải pháp quan trọng là lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát địa bàn; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm an toàn giao thông như vi phạm tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, đi không đúng phần đường, phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm...
Mặt khác, phải dựa vào già làng, người có uy tín tại các thôn, buôn, làng để thực hiện công tác tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ nhằm đạt được hiệu quả thiết thực, sâu rộng. Các đoàn thể địa phương nên lấy đoàn thanh niên làm nòng cốt để tập trung tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, qua đó nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của thanh, thiếu niên là con em đồng bào DTTS.
Bên cạnh đó, các địa phương cần nhân rộng và phát huy hiệu quả những mô hình, câu lạc bộ, lực lượng tự quản tại cơ sở về an toàn giao thông.