Vốn vay ưu đãi: Tiếp sức người dân phát triển rừng
Những năm gần đây, công tác xã hội hóa phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực. Năm 2023, toàn tỉnh trồng mới được 9.500 ha rừng. Để đạt được kết quả đó, có một phần đóng góp quan trọng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh.
Lạng Sơn có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm gần 80% diện tích tự nhiên. Khai thác lợi thế, tiềm năng đó, những năm qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp. Đặc biệt, những năm gần đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ rừng đem lại, người dân trong toàn tỉnh đã chủ động mở rộng diện tích trồng rừng, trong đó, nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của hệ thống NHCSXH để đầu tư trồng, chăm sóc rừng.
Ông Phan Anh Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Bám sát định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, trong đó có phát triển lâm nghiệp, thời gian qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tạo điều kiện tối đa để người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi phát triển lâm nghiệp. Để đồng vốn của chương trình bao phủ khắp các xã, thôn được thụ hưởng, tại mỗi xã, chi nhánh đều đặt điểm giao dịch và tổ chức giao dịch trực tiếp vào ngày quy định. Ngoài ra, chi nhánh chỉ đạo phòng giao dịch các huyện phân công cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát, lập danh sách hộ dân có diện tích đất rừng lớn, có tiềm năng nhưng thiếu vốn đầu tư để tuyên truyền, hướng dẫn các hộ vay vốn.
Đình Lập là một trong những huyện có tỷ lệ người dân vay vốn ưu đãi để trồng, chăm sóc rừng cao của tỉnh. Ông Lương Cao Cường, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết: Để đưa vốn đến người dân, ngân hàng đã phối hợp cùng chính quyền các xã, thị trấn và các tổ chức hội nhận ủy thác tư vấn, hướng dẫn người dân về thủ tục vay vốn đúng quy định. Qua đó, giải ngân nguồn vốn nhanh chóng, hiệu quả, đến nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay tại Phòng Giao dịch NHCSXH huyện là trên 318 tỷ đồng, trong đó, người dân vay để trồng, chăm sóc rừng là trên 266 tỷ đồng với 3.126 hộ vay (chiếm 83,7% tổng dư nợ). Tính riêng từ năm 2023 đến nay, người dân trên địa bàn huyện đã vay vốn với số tiền 89 tỷ đồng để trồng và chăm sóc được trên 1.400 ha rừng.
Không chỉ Đình Lập, phòng giao dịch NHCSXH các huyện đều tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư trồng, chăm sóc rừng. Đến nay, người dân trên địa bàn tỉnh đang vay vốn tại NHCSXH để trồng, chăm sóc rừng với số tiền trên 2.600 tỷ đồng, 43.987 khách hàng vay vốn (chiếm gần 60% tổng dư nợ các chương trình cho vay của chi nhánh). Nguồn vốn cho vay đã góp phần giúp các hộ trồng, chăm sóc được hơn 52.000 ha rừng.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH đã góp phần tiếp sức cho nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh có vốn để chăm sóc và mở rộng diện tích rừng trồng như: thông, quế, keo, bạch đàn… Từ rừng, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng với thu nhập trung bình trên 200 triệu đồng/năm (có hộ thu nhập từ 300 đến hơn 500 triệu đồng/năm từ kinh tế đồi rừng).
Điển hình như gia chị Nông Thị Khuyên, thôn Tân Vũ, xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn là một trong những hộ nghèo được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để đầu tư trồng và chăm sóc rừng.
Chị Khuyên chia sẻ: Năm 2013, gia đình tôi đầu tư trồng 5 ha cây mỡ nhưng thiếu vốn chăm sóc. Năm 2018, tôi tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn thôn và được cán bộ NHCSXH, tổ tiết kiệm và vay vốn thôn hướng dẫn vay 50 triệu đồng để mở rộng diện tích trồng và chăm sóc diện tích cây mỡ đã trồng. Nhờ đó, năm 2022, gia đình khai thác cây mỡ đem lại thu nhập trên 650 triệu đồng, hiện gia đình tôi đã trả được nợ ngân hàng và vươn lên thoát nghèo.
Để nguồn vốn cho vay phát huy hiệu quả, hằng năm, Chi nhánh NHCSXH tỉnh phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để người dân có kiến thức áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Cùng với đó, chi nhánh thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu nợ, thu lãi đến hạn. Qua kiểm tra, hầu hết các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, có ý thức trả nợ, lãi. Tỷ lệ thu nợ gốc đến hạn bình quân đạt 89%, thu lãi bình quân luôn đạt 99%.
Có thể thấy, nguồn vốn vay ưu đãi từ các chương trình đã thật sự trở thành động lực quan trọng tiếp sức người dân trên địa bàn tỉnh phát triển kinh tế đồi rừng. Qua đó, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu, góp phần vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 6,02%, giảm 2,9% so với năm 2022.
Đến nay, người dân trên địa bàn tỉnh đang vay vốn tại NHCSXH để trồng, chăm sóc rừng với số tiền trên 2.600 tỷ đồng (chiếm gần 60% tổng dư nợ các chương trình cho vay của chi nhánh). Nguồn vốn cho vay đã góp phần giúp các hộ trồng, chăm sóc được hơn 52.000 ha rừng.