Lan tỏa nghệ thuật chèo truyền thống đến thế hệ trẻ
Ngày 19/4, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình tổ chức liên hoan “Bé làm quen với nghệ thuật chèo truyền thống quê hương” cấp Mầm non.
Tại Liên hoan, nhiều tiết mục, làn điệu chèo được trình diễn với sự tham gia của các cô giáo và học sinh mầm non cho thấy nỗ lực của địa phương trong việc nuôi dưỡng, lan tỏa nghệ thuật chèo truyền thống đến thế hệ trẻ.
Ông Đặng Xuân Phong, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết: Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo truyền thống, ngày 4/3/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 484/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phát triển nghệ thuật chèo trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”; ngày 2/11/2022 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2489/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phát triển nghệ thuật chèo trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đến nay, 100% đơn vị đã đưa nghệ thuật chèo vào trường học với hình thức giảng dạy chính khóa, lồng ghép, tích hợp trong các môn học và hoạt động giáo dục như Giáo dục địa phương, Âm nhạc, Ngữ văn, các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Nghệ thuật này được các cơ sở giáo dục giảng dạy sáng tạo, phù hợp với chương trình và phù hợp với nét đặc trưng của từng môn học, lớp học, cấp học và điều kiện thực tiễn từng đơn vị.
Đối với cấp Mầm non, việc giảng dạy nghệ thuật chèo được tổ chức với hình thức cho trẻ nghe hát chèo, tập làm quen với các làn điệu, điệu múa chèo đơn giản trong các tiết học vận động, vui chơi, hoạt động ngoại khóa trải nghiệm… Qua đó tạo ra những hoạt động giáo dục sinh động, hứng thú trong các cơ sở giáo dục mầm non, góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Thực hiện Đề án “Phát triển nghệ thuật chèo trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, giai đoạn 2022 - 2025 tỉnh phấn đấu xây dựng 4 mô hình điểm về phát triển nghệ thuật chèo trong trường học tại 3 huyện có làng chèo nổi tiếng từ rất lâu đời là Đông Hưng, Vũ Thư và Hưng Hà; 100% cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đưa nghệ thuật chèo vào giảng dạy tích hợp, lồng ghép trong các môn học và hoạt động giáo dục. Đến năm 2030, 100% cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có câu lạc bộ chèo; 100% các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh có bài hát chèo được sáng tác riêng cho đơn vị; định kỳ 2 năm tổ chức cuộc thi, hội thi hoặc hội diễn về nghệ thuật chèo dành cho học sinh phổ thông, viên chức ngành Giáo dục.
Tỉnh Thái Bình là một trong những cái nôi của những làn điệu hát chèo với những chiếng chèo nổi tiếng như chèo Làng Khuốc (xã Phong Châu, huyện Đông Hưng), chèo Hà Xá (xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà), chèo Sáo Đền (xã Song An, huyện Vũ Thư). Để bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống này, tỉnh ưu tiên sử dụng nguồn ngân sách trên 8 tỷ đồng phát triển nghệ thuật chèo trong phong trào quần chúng cũng như nâng cao chất lượng hoạt động chèo chuyên nghiệp. Đồng thời, Thái Bình cùng với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Nghệ thuật chèo là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.