Nỗ lực về đích nông thôn mới
Với mục tiêu về đích nông thôn mới (NTM) trong năm nay, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) đang huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện 2/19 tiêu chí chưa đạt.
Văn Lăng là một xã miền núi của huyện Đồng Hỷ, có diện tích tự nhiên trên 6.200ha, với 13 xóm bản. Xã hiện có trên 1.400 hộ thì 1/3 là đồng bào người Mông, còn lại là người Dao, Tày, Nùng... Đời sống người dân nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp nhưng do địa hình nhiều núi đá, khó khăn trong việc canh tác nên tỷ lệ nghèo đa chiều của địa phương vẫn còn cao, chiếm 30,93%.
Ông Hoàng Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng, cho biết: Để hoàn thành tiêu chí số 10 t(hu nhập) và số 11 (nghèo đa chiều), Văn Lăng đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của xã, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, dân vận khéo, triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững...
Đối với tiêu chí số 10, năm 2023, thu nhập bình quân của người dân xã Văn Lăng đạt 40,5 triệu đồng. Để đạt trên 45 triệu đồng/người/năm vào cuối năm nay, xã Văn Lăng đã và đang chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể của xã phối hợp với các xóm tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân khắc phục khó khăn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Trong chăn nuôi, xã duy trì tổng đàn trâu, bò 740 con, đàn lợn trên 1.000 con và đàn gia cầm 28.000 con, không để dịch bệnh xảy ra. Phấn đấu trồng mới 40ha rừng, chăm sóc, phát huy giá trị kinh tế của 1.519ha rừng sản xuất, 297ha chè kinh doanh và 70ha chè được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP...
Tân Thành là 1 trong những xóm có diện tích chè lớn của xã Văn Lăng. Ông Hoàng Văn Nhu, Trưởng làng nghề chè, chia sẻ: Xóm có gần 30ha chè, trong đó gần 70% là giống chè lai; 80% số hộ làm nghề chè. Từ năm 2019 đến nay, xóm đã có 20ha chè được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con đưa các giống chè lai năng suất cao vào sản xuất, áp dụng quy trình sản xuất sạch nhằm nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập.
Thực hiện tiêu chí số 11, xã Văn Lăng cần đưa tỷ lệ nghèo đa chiều về dưới 13%, tương đương giảm 237 hộ nghèo. Thời gian qua, UBND huyện Đồng Hỷ đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ UBND xã Văn Lăng rà soát toàn bộ các hộ nghèo, đánh giá, phân loại, phân tích nguyên nhân nghèo theo từng nhóm tiêu chí, từ đó đề xuất các giải pháp hỗ trợ.
Qua khảo sát, 254 hộ có khả năng thoát nghèo trong năm 2024. Thực tế các hộ nghèo (đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông) đều có những khó khăn chung như: diện tích nhà nhỏ hẹp, đông nhân khẩu, không có thiết bị nghe, nhìn, thiếu đồ dùng thiết yếu, không có nhà vệ sinh đảm bảo yêu cầu...
Để giúp các hộ dân thoát nghèo, UBND xã Văn Lăng đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh, huyện triển khai các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ. Trong đó tập trung mọi nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia; triển khai những dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị như: Chăn nuôi lợn, gà bản địa, chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt, trồng sâm Bố Chính, mô hình cánh đồng mẫu lớn…
Đặc biệt, xã tập trung ưu tiên các xóm có tỷ lệ hộ nghèo cao như Liên Phương, Bản Tèn. Đồng thời đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm huy động nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ nhân dân xây dựng, sửa chữa nhà ở, xây dựng nhà vệ sinh, hỗ trợ các trang thiết bị nghe nhìn…
Ông Hoàng Xuân Trường cho biết thêm: Cùng với việc “trao cần câu” thì chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người dân trên địa bàn xã, phấn đấu về đích NTM theo đúng kế hoạch.