Sa Pa xây dựng hình ảnh du lịch văn minh, thân thiện
Để mang đến cho du khách sự hài lòng và những trải nghiệm khó quên, những năm gần đây, chính quyền thị xã Sa Pa (Lào Cai) đã xây dựng hình ảnh du lịch văn minh và thân thiện bằng cách tạo dựng thói quen tốt, cách làm hay như: tuyên truyền vận động không bán hàng, đeo bám khách du lịch; thực hiện các phong trào bảo vệ môi trường, giúp địa phương xây dựng hình ảnh du lịch xanh tới du khách.
Điểm đến hấp dẫn
Với cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, khí hậu đặc trưng và văn hóa dân tộc độc đáo, Sa Pa là một trong những địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. Đáp ứng nhu cầu lưu trú, Sa Pa có đủ loại hình từ nhà nghỉ, homestay ở bản, hostel, khách sạn giá rẻ, cho tới các khách sạn 4 - 5 sao, resort cao cấp nằm biệt lập như: Sapa Jade Hill, Eco Palms House, Heaven Sapa, Viettrekking... Đến nay, tổng số cơ sở kinh doanh du lịch và du lịch trên địa bàn đạt gần 1.300 cơ sở. Trong đó, có 711 đơn vị lưu trú, 283 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu niệm, 67 cơ sở kinh doanh dịch vụ massager và tắm lá thuốc, số lượng hộ dân tham gia hoạt động homestay khoảng 360 hộ. Các cơ sở lưu trú bảo đảm yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhu cầu tối thiểu khách lưu trú…
Hướng tới phát triển du lịch bền vững
"Phát huy những lợi thế về tài nguyên, nhiều năm qua, du lịch Sa Pa đã và đang có những bước phát triển vượt bậc. Khi dịch bệnh được kiểm soát, bắt đầu từ quý II.2022, du lịch Sa Pa đã nhanh chóng phục hồi. Kết thúc năm 2022, thị xã Sa Pa đón trên 2,5 triệu lượt khách và đến năm 2023 - năm du lịch Sa Pa tròn 120 năm tuổi, thị xã đón trên 3,68 triệu lượt khách", Chủ tịch UBND thị xã Tô Ngọc Liễn thông tin.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch thị xã Sa Pa Tô Ngọc Liễn cũng cho biết: sự tăng trưởng nhanh về lượng khách đã và đang tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, sự phát triển các công trình xây dựng làm ảnh hưởng cân bằng sinh thái; các công trình xây dựng đẩy nhanh quá trình đô thị hóa giảm không gian văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn; còn tình trạng trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số bán hàng rong đeo bám khách du lịch...
Xác định mục tiêu trở thành "Đô thị du lịch sạch ASEAN" vào năm 2025, thị xã Sa Pa đã và đang triển khai các đề án, quy hoạch về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch... Theo đó, thị xã sẽ đầu tư các hạ tầng thiết yếu bảo đảm đáp ứng tiêu chí của "Đô thị du lịch sạch ASEAN" như hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn ASEAN. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông tới du khách. Cụ thể, UBND thị xã đã và đang phối hợp với các nhà mạng viễn thông nhắn tin tới khách du lịch khi đến thị xã, với nội dung: “Sa Pa chào mừng quý khách! Đề nghị quý khách thực hiện: không dừng, đỗ xe trái quy định; không vứt rác bừa bãi; không cho tiền trẻ em lang thang, ăn xin; không mua hàng từ người chèo kéo, đeo bám”...
Song song đó, bắt nhịp xu thế du khách lựa chọn địa điểm du lịch đáp ứng được môi trường xanh, ứng xử văn hóa xanh, thị xã Sa Pa đã và đang hiện triển khai Đề án “Sa Pa sạch” từ tháng 8.2023, hướng tới phát triển du lịch bền vững. Trong đó, thực hiện phong trào “Ngày Chủ nhật sạch” nhằm thay đổi nếp nghĩ về bảo vệ môi trường. Bên cạnh phong trào Ngày Chủ nhật sạch, tại các cơ quan cũng đang triển khai phong trào Thứ 6 xanh. Khối đô thị - nông thôn thị xã Sa Pa bao gồm 18 cơ quan và 16 xã, phường trên địa bàn đã ký cam kết thống nhất triển khai bộ 15 tiêu chí và đã triển khai ngay đầu tháng 1.2024. "Hy vọng các phong trào này sẽ góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ môi trường, giúp địa phương xây dựng hình ảnh du lịch xanh tới du khách"- Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Tô Ngọc Liễn bày tỏ.