Văn hóa
Gìn giữ, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số
Đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) có nhiều nét văn hóa đặc sắc, độc đáo. Tuy nhiên, qua thời gian và quá trình hội nhập, một số hoạt động văn hóa đang dần mai một, lãng quên. Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của ĐBDTTS, huyện Tuyên Hóa đang triển khai nhiều giải pháp.
Nhiều nét độc đáo
ĐBDTTS ở huyện Tuyên Hóa có 209 hộ, 846 khẩu sống tại 4 bản, gồm: Bản Kè, bản Cáo, bản Chuối thuộc xã Lâm Hóa và bản Cà Xen thuộc xã Thanh Hóa. ĐBDTTS nơi đây chủ yếu là người Mã Liềng thuộc dân tộc Chứt. Những năm cuối thế kỷ 20, người Mã Liềng đã hoàn toàn từ bỏ cuộc sống núi rừng, hòa nhập với cộng đồng và lập bản. Mặc dù dân số ít nhưng ĐBDTTS ở huyện Tuyên Hóa có nhiều nét văn hóa đặc sắc.
Sinh hoạt tín ngưỡng của bà con nơi đây chủ yếu là thờ cúng các vị thần liên quan, trong đó, lễ cúng thần rừng vào ngày mồng 1 Tết Nguyên đán hàng năm vẫn còn duy trì. Ngoài ra, lễ cúng cơm mới cũng được bà con xem trọng nhằm đánh dấu kết thúc một chu kỳ sản xuất, tạ ơn thần linh đã phù hộ cho vụ mùa bội thu.
Đối với ĐBDTTS, lễ cúng thần rừng là sự kiện trọng đại nhất trong năm. Ông Cao Ngụ (63 tuổi), người có thâm niên cúng thần rừng ở bản Kè, xã Lâm Hóa kể: “Sáng mồng 1 Tết, bà con dân bản tập trung tại cửa rừng để cùng tham dự lễ cúng thần rừng. Lễ vật gồm các sản phẩm từ rừng hoặc nương rẫy của bà con góp lại và quan trọng nhất phải có động vật bốn chân và bộ nội tạng của nó. Mục đích của lễ cúng là cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Khi phần lễ kết thúc, cả bản cùng nhau chia rượu, thịt ăn uống vui vẻ và chúc nhau năm mới sức khỏe, rẫy nương được mùa. Trong lễ cúng này, mọi người còn phổ biến cho nhau những luật tục mà các thế hệ cha ông truyền lại khi vào rừng làm nương rẫy, kiếm sống mưu sinh để tránh mắc tội với thần rừng”.
Đặc biệt, ĐBDTTS ở huyện Tuyên Hóa còn có kho tàng truyện cổ rất phong phú. Các câu truyện mang nội dung chống chọi với thiên nhiên, muông thú, kẻ thù, khát vọng hướng đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc; phản ánh thế giới quan của tộc người... Các truyện cổ tiêu biểu của người Mã Liềng, như: “Tám giỏ trứng sinh ra con người”, “Giàng về”, “Hai ông và một bà ma bếp”, “Lèn đi chắn biển”… ĐBDTTS ở huyện Tuyên Hóa còn có những bài hát cổ, như: Hát ru con, Tương tư, Từ thuở sơ khai, Lên nương…
Về nhạc cụ, bà con nơi đây có đàn ống. Đây là loại đàn được làm bằng tre, có hai dây cước và một que để kéo cho đàn phát ra âm thanh. Điều đặc biệt là đàn ống chỉ dành cho phụ nữ chơi... Cùng với đó, một số tập tục được lưu truyền từ cha ông vẫn được thế hệ ĐBDTTS ở huyện Tuyên Hóa giữ gìn.
Bảo tồn các giá trị văn hóa
Những năm qua, huyện Tuyên Hóa đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của ĐBDTTS trên địa bàn. Thông qua việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025, UBND huyện đã kiện toàn, tổ chức hoạt động của ban chỉ đạo, bộ máy giúp việc chương trình.
Trên cơ sở phân công nhiệm vụ, Ủy ban MTTQVN huyện Tuyên Hóa và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội các cấp chủ động tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc, phát triển KT-XH, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa...
Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Truyền thông huyện xây dựng các chuyên đề, chuyên mục tuyên truyền về chương trình, các mô hình hay, hiệu quả trong phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, an ninh trật tự vùng ĐBDTTS và miền núi trên địa bàn. Văn phòng HĐND-UBND đang triển khai lắp đặt mạng internet, ti vi, loa máy và các trang thiết bị phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin tại trụ sở UBND xã Lâm Hóa và bản Cà Xen, xã Thanh Hóa để bà con tiếp cận thông tin, mở mang kiến thức văn hóa.
Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Tuyên Hóa Nguyễn Xuân Tình cho biết: “Riêng nội dung bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của ĐBDTTS trên địa bàn, UBND huyện đã cấp kinh phí cho 2 xã Lâm Hóa và Thanh Hóa để thành lập 4 đội văn nghệ truyền thống tại các bản có ĐBDTTS sinh sống nhằm phục vụ giao lưu, hội họp, khôi phục lại các giá trị văn hóa; mua sắm trang thiết bị, các thiết chế văn hóa, thể thao cho các thôn, bản; làm pa nô, áp phích tuyên truyền về các hoạt động KT-XH, văn hóa trên các tuyến đường ở vùng ĐBDTTS; tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về hôn nhân và tảo hôn cận huyết thống. Nhân dịp ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc tỉnh Quảng Bình được tổ chức hàng năm, huyện đều thành lập các đội văn nghệ, thể thao truyền thống tham gia và gặt hái được nhiều thành tích. Ngoài ra, các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục, xóa mù chữ cho người dân vùng ĐBDTTS được địa phương quan tâm”.
Chị Cao Thị Vân, thành viên Câu lạc bộ (CLB) văn hóa dân gian bản Kè, xã Lâm Hóa chia sẻ: “Tôi rất vui và tự hào khi tham gia sinh hoạt CLB văn hóa dân gian. Qua hoạt động này, tôi thấy dân tộc mình có nhiều giá trị văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc mà cha ông đã để lại. Tôi và các thành viên trong CLB sẽ cố gắng tập luyện để góp phần khôi phục, bảo tồn, giới thiệu và trao truyền lại các bài hát, điệu múa, các loại nhạc cụ của dân tộc mình đến khán giả và các thế hệ mai sau”.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đã góp phần không nhỏ trong phát triển KT-XH, tạo nên sự phong phú, đa dạng hóa đời sống tinh thần của ĐBDTTS ở huyện Tuyên Hóa. Từ đó, ý thức cội nguồn, đoàn kết cộng đồng trong các thôn, bản của các DTTS trên địa bàn huyện được duy trì và phát huy.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025, xã Lâm Hóa và bản Cà Xen, xã Thanh Hóa được phân bổ 54,418 tỷ đồng trong năm 2022-2023. Nguồn lực này không chỉ là đòn bẩy để phát triển KT-XH của địa phương mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của ĐBDTTS trên địa bàn. |