Vùng lòng chảo Mường Thanh hội nhập và phát triển
Vùng lòng chảo Mường Thanh bao gồm huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), nơi ghi dấu Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, hòa trong xu thế hội nhập và phát triển chung của đất nước, nay đã khoác lên mình diện mạo mới. Trong đó, Điện Biên Phủ là đô thị trung tâm, là “đầu tàu” phát triển kinh tế, xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên.
Nông nghiệp là một trong những thế mạnh với cánh đồng Mường Thanh có diện tích lớn nhất Tây Bắc. Nhờ đó, ở đây đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung như: gạo chất lượng cao, rau an toàn, cây ăn quả và nhiều trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm… Ngoài ra còn có các sản phẩm đặc trưng như thổ cẩm và mây tre đan cũng đem lại thu nhập cao cho bà con vùng lòng chảo Mường Thanh.
Tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ, phát triển nông nghiệp cho vùng lòng chảo, như: Chính sách hỗ trợ việc áp quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp; hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông... Từ đó, nhiều chuỗi liên kết sản xuất đã hình thành như chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo trên cánh đồng mẫu lớn của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau, quả an toàn của Hợp tác xã tổng hợp Noong Luống; trai chăn nuôi lợn siêu nạc tại xã Thanh Yên… đã khai thác, phát huy được tiềm năng và thế mạnh phát triển nông nghiệp khu vực lòng chào Mường Thanh.
Để xây dựng thành phố Điện Biên Phủ ngày càng văn minh, hiện đại, những năm qua, thành phố đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, tập trung triển khai các dự án trọng điểm, bố trí đất tái định cư,...
Một số dự án hạ tầng quan trọng đã hoàn thành hoặc đang trong quá trình hoàn thiện, góp phần tạo ra diện mạo khang trang cho thành phố, tiêu biểu như: Dự án Chợ Noong Bua, Dự án khu nhà ở Tân Thanh, Dự án Đô thị hoa ban Ven Sông Nậm Rốm, Dự án Đường Thanh Minh - Đồi độc lập và khu dân cư …
Điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 để thực hiện các công trình dự án đã được công bố và điều chỉnh quy hoạch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, các điểm nhấn trong quy hoạch đô thị và phát triển không gian đô thị bao gồm: Quy hoạch chi tiết khu dân cư trung tâm thành phố gắn với các di tích lịch sử như: Tượng đài chiến thắng, Bảo tàng chiến thắng, hầm Đờ Cát, đồi A1…
Ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ chia sẻ: Xã Mường Phăng nằm trong vùng lòng chảo Mường Thanh, nơi có Di tích lịch sử Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên đã được đầu tư về cơ sở vật chất và điện, đường, trường, tương đối đầy đủ như đường Mường Phăng để tạo điều kiện cho du khách đến với khu di tích lịch sử thuận tiện hơn.
Đặc biệt hơn, với những chiến tích lịch sử nổi tiếng cùng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa dân tộc đặc sắc,… vùng lòng chảo Mường Thanh có nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch. Bên cạnh các điểm di tích lịch sử được chỉnh trang và tôn tạo để thu hút du khách, du lịch cộng đồng ở khu vực lòng chảo Mường Thanh cũng đang trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút đầu tư để vừa bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của bà con đồng bào dân tộc, vừa tăng thu nhập xóa đói, giảm nghèo cho bà con. Thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên đã chú trọng tổ chức nhiều hoạt động lễ hội gắn với quảng bá văn hóa truyền thống các dân tộc như lễ hội Hoa Ban độc đáo vào tháng 3, cánh đồng Mường Thanh mùa lúa chín… góp phần thu hút du khách đến với vùng đất này để trải nghiệm và khám phá.
Vùng lòng chảo Điện Biên còn tập trung triển khai và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù đối với vùng đặc biệt khó khăn. Hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật tiếp tục được đầu tư, các giá trị văn hóa được gìn giữ, Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, công tác giảm nghèo được triển khai có hiệu quả. Năm 2023, thành phố Điện Biên Phủ có thu nhập bình quân đầu người ước đạt 64 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 0,48% xuống còn 0,09%.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ cho biết: Thành phố Điện Biên Phủ là nơi có 14 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống. Thành phố Điện Biên Phủ đang tích cực phát huy hiệu quả nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) để thúc đẩy công tác xoá đói giảm nghèo, nâng cao cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Hướng tới Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên, vùng lòng chảo Mường Thanh đang ra sức thi đua để cụ thể hóa từng chỉ tiêu, kế hoạch, đứa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm đã được tỉnh xác định, hoàn thiện từng tiêu chí của đô thị loại 2 đối với thành phố Điện Biên Phủ, góp phần xây dựng tỉnh Điện Biên phát triển năng động, sáng tạo, là điểm sáng của vùng Tây Bắc.