Củng cố kế sách giữ nước, yên dân
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 Âm lịch không chỉ là dịp để nhớ công ơn tổ tiên dựng nước mà còn là bài học sâu sắc về tinh thần đoàn kết, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Lắng đọng sức mạnh nguồn cội
Cây có cội, nước có nguồn/ Con chim có tổ, con người có tông.
Mỗi dân tộc trên thế giới đều có cách lý giải khác nhau về sự ra đời của dân tộc mình nhưng hiếm dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, có chung ngày giỗ Tổ. Mở đầu buổi bình minh trứng nước từ truyền thuyết Con Rồng, cháu Tiên, nhắc rằng người Việt sinh ra từ một bọc, gọi nhau bằng hai tiếng đồng bào. Từ mảnh đất Văn Lang (nay là Phong Châu, Phú Thọ) đặt nền móng lịch sử của dân tộc Việt Nam, với công lao của các vua Hùng khai sơn, phá thạch, mở mang, bồi đắp xây dựng nên bờ cõi. Từ đây, người Việt Nam có chung một Tổ để hướng về, có chung một miền đất Tổ để nhớ.
Người xưa truyền lại, trên núi Nghĩa Lĩnh, lăng Tổ tương truyền là phần mộ của vua Hùng thứ 6, theo lời dặn của Người: “Hãy chôn ta trên núi Cả (tức núi Nghĩa Lĩnh), để đứng trên núi cao ta còn trông nom bờ cõi cho con cháu”. Cạnh đền Thượng có một cột đá, khi Thục Phán được vua Hùng thứ 18 nhường ngôi, đã dựng cột đá trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thề nguyện muôn đời bảo vệ giang sơn gấm vóc mà vua Hùng trao lại và đời đời hương khói tại lăng miếu vua Hùng.
Đứng ở đỉnh cao Nghĩa Lĩnh nhìn lên hướng bắc, những quả đồi lớn nhấp nhô nối nhau thấp dần về Nam giống đàn voi phục. Truyền thuyết kể rằng có 100 voi nghe tin Hùng Vương chọn đất đóng đô đã chầu về đất Tổ. Trong đàn voi có 99 con cùng quay đầu một hướng, duy nhất một con quay ngược lại, bị nàng Bầu (con gái cả của Hùng Vương thứ nhất) vâng lệnh cha chém chết con voi bất nghĩa. Ngày nay vẫn thấy cách đền Hùng Vương khoảng 10km về phía Bắc (thuộc xã Phú Lộc) còn một quả đồi giống con voi quay ngược bị trừng trị vì tội phản phúc.
Trải qua các triều đại, Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là thực hành nghi lễ tâm linh mà còn thể hiện quyết tâm của người Việt trong bảo vệ chủ quyền quốc gia và giữ vững lãnh thổ. Những năm đầu Công nguyên (40 - 43), Hai Bà Trưng phát động cuộc khởi nghĩa chống quân Đông Hán đã đọc lời thề trên cửa sông Hát: Một xin rửa sạch nước thù/ Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng.
Thư tịch cổ Đại Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư đều khẳng định và lý giải về nguồn cội dân tộc - các vua Hùng. Thời Hậu Lê năm Hồng Đức thứ nhất (1470) đã cho soạn Ngọc phả Hùng Vương (để tại Đền Hùng) viết: “Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa (nay là làng Cổ Tích), ở đây Nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của đấng Thánh Tổ xưa”.
Thời Nguyễn kinh đô đặt tại Huế, năm 1823, vua Minh Mạng cho rước bài vị thờ Hùng Vương vào thờ ở miếu Lịch đại Đế Vương, còn tại Đền Hùng thì cấp sắc để phụng thờ…
Sợi chỉ đỏ kết nối quá khứ - hiện tại
Giỗ Tổ Hùng Vương với những giá trị văn hóa tín ngưỡng tác động lên tâm thức và niềm tin của Nhân dân, khiến cho đạo lý “uống nước nhớ nguồn” ngày càng được tô đậm, đồng thời củng cố niềm tin vào sức mạnh tập thể và khát vọng độc lập, tự cường. Theo GS.TS. Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, triều đại phong kiến đều coi trọng ngày giỗ Tổ, là dịp để củng cố kế sách giữ nước, yên dân, xây dựng chính quyền vững mạnh theo chính sách “giang sơn một mối, vua tôi đồng tâm, cả nước góp sức”.
Sang thế kỷ XX là thời kỳ khá đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, đất nước bị phương Tây xâm lược, khác với giai đoạn trước là kẻ thù từ phương Bắc. Người Việt đã đấu tranh, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ Tổ quốc và vận mệnh dân tộc. Trong gian khó, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho cả dân tộc. Năm 1943, Mặt trận Việt Minh đã treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên gác chuông đền Hùng để tuyên truyền cách mạng kêu gọi toàn dân đoàn kết đánh đổ Nhật - Pháp để cứu nước trước đông đảo quần chúng về dự lễ hội.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ngày 18.2.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN quy định nghỉ lễ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10 tháng 3 âm lịch và tổ chức các hoạt động hướng về cội nguồn dân tộc. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm đó, cụ Huỳnh Thúc Kháng, khi đó là Phó Chủ tịch nước, đã thay mặt Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa chủ trì làm lễ dâng hương tại Đền Hùng.
Tại buổi lễ, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã trang trọng dâng lên bàn thờ các vua Hùng tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm. GS.TS. Nguyễn Chí Bền phân tích đây là hai vật báu nói lên ý chí của Nhân dân trước họa xâm lăng, khi bọn thực dân, đế quốc đang đe dọa trở lại, thể hiện ý nguyện đoàn kết một lòng, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược để giữ yên bờ cõi.
Để rồi, 8 năm sau, kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, ngày 19.9.1954, từ chiến khu về lại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân dâng hương tại Đền Hùng. Nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong, Người nhắc nhở: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. “Có thể coi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như một sợi chỉ đỏ kết nối quá khứ với hiện tại, là bệ đỡ tâm linh cho các thế hệ con người Việt Nam”, GS.TS. Nguyễn Chí Bền nói.
Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt, mỗi khi vận nước nguy nan, đòi hỏi cộng đồng cư dân phải liên kết lại, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lại hiện diện, củng cố mối liên kết mạnh mẽ đó. Như lời nhà sử học, cố GS. Phan Huy Lê từng nói, Hùng Vương không còn chỉ là ông vua dựng nước chung chung mà đã trở thành biểu tượng của cội nguồn dân tộc, của sự đoàn kết của người Việt trong bất kỳ hoàn cảnh nào.