Người nặng lòng với nghề dệt thổ cẩm
Từ những cuộn chỉ bình thường qua đôi bàn tay khéo léo của chị H’Bion B’Krông (buôn Cư Dluê, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã dệt nên những chiếc váy thổ cẩm xinh xắn với đường hoa văn sắc sảo.
Ở buôn Cư Dluê bây giờ, người dệt nên những tấm thổ cẩm nhanh và đẹp nhất có lẽ phải kể đến chị. Mọi người thường gọi chị với cái tên thân mật là Amí Wer. Chị cho hay, nghề này thường do mẹ dạy cho con gái, từ đời này truyền sang đời khác, người nhanh thì phải mất hơn hai tuần để dệt xong một chiếc váy, còn nếu không thì cũng phải đến một tháng. Lúc nhỏ, chị được chính người mẹ của mình dạy cho, chủ yếu dệt những tấm chăn đắp, phục vụ sinh hoạt gia đình. Về sau, càng học càng thấy mê, chị thích thú muốn học thêm nhiều kiểu nữa để dệt được các trang phục khác. Thế là chị lân la đi hỏi, tìm học thêm kinh nghiệm từ những người già trong buôn như cách giăng chỉ sao cho khéo để tấm vải làm ra thẳng, đều mà không bị rối, cách để khắc những dòng chữ trực tiếp lên ngay tấm vải... Giờ, tay nghề của chị đã thành thạo và sắc sảo hơn rất nhiều, trở thành người dệt thổ cẩm có tiếng ở buôn Cư Dluê.
Không chỉ biết dệt riêng áo váy thổ cẩm thông thường mà chị còn dệt được cả những chiếc khăn quàng cổ, giỏ xách, khăn trải bàn với những đường hoa văn tinh tế, đẹp mắt. Dần dần, do nhu cầu của bà con, nhiều người hỏi mua nên chị mới nghĩ đến chuyện làm ra sản phẩm để bán. Chị cho biết: Thời gian dệt một chiếc váy mất một tuần, tấm chăn đắp cũng mất hơn bốn ngày, còn các thứ khác như: Giỏ xách đeo vai, cầm tay, khăn trải bàn… thì có thể nhanh hơn nhưng phải rất tỉ mỉ ở khâu trang trí hoa văn, làm xong cũng hết gần 3 ngày.
Trung bình mỗi sản phẩm như thế bán được từ 100 đến 350.000 đồng, thu nhập không nhiều, mỗi tháng trên dưới một triệu đồng nhưng gia đình chị vẫn có thể sống được bằng nghề. Nhờ biết thêm nghề may nữa nên sản phẩm của chị làm ra có phần tinh tế hơn, khách hàng tìm đến ngày một nhiều. Chị cũng có thể khắc được những dòng lưu niệm trực tiếp lên sản phẩm một cách rất tinh tế, đường chỉ căng đều, tạo cho sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào Êđê thêm rực rỡ và mẫu mã phong phú.
Tiếng lành đồn xa, không chỉ bà con trong buôn mà nhiều khách du lịch đã tìm đến với chị. Không chỉ làm để tăng thu nhập cho gia đình mà chị luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các chị em khác trong buôn về phương pháp, cách làm thế nào để dệt nên một chiếc váy đẹp, một chiếc khố, tấm chăn đắp, chiếc khăn quàng cổ tinh tế, đầy màu sắc… Đặc biệt, chị luôn khuyến khích các cháu thanh thiếu niên ở trong buôn học dệt, với mong muốn truyền dạy cho lớp trẻ hiểu và biết quý nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình.
Mỗi khi buôn làng có tổ chức thi dệt, chị đều tham gia và luôn đạt giải thưởng cao, cứ mỗi lần thi chị lại học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm trong nghề dệt và truyền niềm đam mê nghề cho các chị em khác. Vì thế, ở Cư Dluê bây giờ, nghề dệt thổ cẩm vẫn còn được lưu truyền, ban ngày lên nương, tối đến, các amí lại tụ tập ở nhà amí Wer, ngồi bên khung dệt, tỉ mỉ dệt nên những họa tiết hoa văn phong phú, làm ra những tấm chăn, khăn trải bàn, chiếc váy áo… chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt gia đình và dùng trong các dịp lễ, hội của buôn làng.
Bao nhiêu năm vẫn gắn bó với nghề và xem đó như một niềm đam mê, Amí Wer tâm sự: “học được nghề dệt, gìn giữ và phát triển được nghề truyền thống của dân tộc mình là vui lắm rồi, ưng cái bụng lắm rồi… Dù thu nhập không nhiều nhưng đó cũng là niềm vui vì giữ và phát huy được cái nghề của ông - bà”.