Tiêu điểm
Vai trò lãnh đạo của Đảng, nhân tố quan trọng trong chiến thắng Điện Biên Phủ
Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Chiến thắng này không chỉ mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, mà còn cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới trong thế kỷ XX. Đồng thời, là minh chứng hùng hồn cho vai trò lãnh đạo của Đảng đối với những thắng lợi tiêu biểu của cách mạng Việt Nam.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, đập tan mưu đồ xâm lược của các thế lực thực dân hiếu chiến, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954), chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; đồng thời, phải công nhận độc lập của Lào, Campuchia, rút quân khỏi ba nước Đông Dương. Đây là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử; là chiến thắng của đường kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, biết đánh và biết thắng, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc… Chiến thắng đó “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.
Góp phần trực tiếp quyết định nhất đến thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ chính là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta.
Trước hết, vai trò lãnh đạo của Đảng thể hiện ở việc Đảng đã nhìn nhận, phân tích, đánh giá chính xác tình hình và đề ra nguyên tắc chỉ đạo chiến lược đúng đắn.
Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng ta đã phân tích, đánh giá chính xác tình hình, âm mưu của địch trong thực hiện Kế hoạch Nava. Trên cơ sở đó, đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời và sáng tạo.
Tháng 9/1953, Bộ Chính trị họp bàn nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953 - 1954, đề ra các nguyên tắc chỉ đạo chiến lược và tác chiến là: chọn nơi địch sơ hở, nơi địch tương đối yếu để đánh, giữ vững thế chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng, không thể tập trung lực lượng cơ động ở Đồng bằng Bắc Bộ.
Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 11/1953, quân chủ lực ta tiến lên Tây Bắc. Phát hiện tình hình đó, Nava cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ (20/11/1953) để bảo vệ Thượng Lào và gấp rút xây dựng nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Cùng với hướng chính là Tây Bắc, quân ta tiến đánh Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào. Do đó, Pháp phải phân tán lực lượng để giữ Tây Bắc (Điện Biên Phủ), Thượng Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên và Đồng bằng Bắc Bộ.
Trước tình hình đó, ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị thông qua Kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954 và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ; giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Mặt trận. Tháng 12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi cán bộ và chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ, động viên tinh thần chiến đấu, giữ vững quyết tâm giành thắng lợi. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo các địa phương chi viện hậu cần cho mặt trận Điện Biên Phủ.
Trên địa bàn Tây Bắc, đồng bào các dân tộc giúp bộ đội lương thực, thực phẩm. Các tỉnh ở Việt Bắc, vùng tự do Liên khu 4 huy động dân công phục vụ Chiến dịch. Trung ương chỉ đạo các chiến trường Tây Nguyên, Liên khu 5, Nam Bộ và các nơi tiến công địch, phối hợp với Điện Biên Phủ. Đồng bằng Bắc Bộ đẩy mạnh chiến tranh du kích, làm suy yếu địch, tiến công địch cả ở địa bàn Hà Nội, Hải Phòng. Chiến tranh nhân dân do Đảng ta lãnh đạo phát triển mạnh để “chia lửa” với mặt trận chính Điện Biên Phủ. Như vậy, có thể khẳng định, đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta đã tạo cơ sở, tiền đề quan trọng cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thứ hai, vai trò lãnh đạo của Đảng thể hiện ở việc Đảng ủy Mặt trận đã kịp thời thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch.
Thực hiện quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, khi địch còn chưa mạnh, cơ quan tham mưu đã đề nghị phương châm tác chiến là “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, dốc toàn lực đánh trong 3 đêm, 2 ngày để nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ quân địch.
Tuy nhiên, quá trình theo dõi tình hình thực tế, khi thấy địch ngày càng tăng cường lực lượng, ra sức củng cố trận địa và những khó khăn của ta chưa được khắc phục triệt để, sáng 26/1/1954, Chỉ huy trưởng mặt trận - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ý kiến ra Đảng ủy bàn thay đổi cách đánh. Đảng ủy đã thảo luận sôi nổi và cuối cùng đi đến nhất trí chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Bởi đánh theo cách này, ta có điều kiện tập trung binh hỏa lực ưu thế tuyệt đối trong từng trận, tạo nên sức mạnh áp đảo đánh thắng địch.
Quyết định thay đổi phương châm tác chiến đã nhanh chóng được quán triệt từ Đảng ủy Chiến dịch đến các tổ chức đảng, các đại đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội, trung đội và từng cán bộ, đảng viên. Hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ đã tập trung lãnh đạo tư tưởng, thống nhất nhận thức và hành động, ra sức chuẩn bị lực lượng về mọi mặt cho cách đánh mới.
Đặc biệt, cũng trong thời gian đó, Đảng ta đã lãnh đạo đẩy mạnh chiến tranh du kích tại các địa phương khác, kết hợp chặt chẽ với chống địch bắt lính, từ đó làm suy yếu địch ở các vùng miền để phát triển mạnh cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ và Đồng bằng Bắc Bộ.
Thứ ba, vai trò lãnh đạo của Đảng thể hiện rõ nét khi Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn bám sát, thường xuyên có sự động viên, chỉ đạo kịp thời đối với các lực lượng trên chiến trường.
Chỉ hai ngày sau trận đánh mở đầu ở Điện Biên Phủ, ngày 15/3/1954, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện cho toàn bộ cán bộ, chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ, nêu rõ: “Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của Quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng”, “Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, quyết giành toàn thắng cho chiến dịch này” (2).
Tiếp đó, khi cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ đang diễn ra quyết liệt, ngày 19/4/1954, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết Về tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, tiến chắc, đề cao quyết tâm tích cực giành toàn thắng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến ngày 21/4/1954, Ban Bí thư cũng đã có thư gửi đồng chí Võ Nguyên Giáp, chỉ rõ âm mưu và các hành động đối phó của địch sắp tới, đồng thời yêu cầu phải quán triệt thật sâu sắc phương châm “đánh chắc, tiến chắc”.
Ngày 1/5/1954, ta bắt đầu đợt tiến công thứ ba. Do Đảng uỷ và Bộ Chí huy chiến dịch quán triệt sâu sắc và quyết tâm thực hiện nghiêm chỉnh phương châm “đánh chắc, tiến chắc” đã được khẳng định lại trong hai nghị quyết Bộ Chính trị và chỉ thị của Ban Bí thư. Đến ngày 7/5/1954, sau 56 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng.
Như vậy, với tư duy biện chứng và tầm nhìn chiến lược, Đảng đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân ta vượt lên khó khăn để giành thắng lợi hoàn toàn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng như trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong giai đoạn mới hiện nay, vận dụng bài học kinh nghiệm về phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và chỉnh đốn Đảng; gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Từ đó, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
--------------------------------
Tài liệu tham khảo:
(1) Lê Duẩn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb. Sự thật, H. 1970, tr. 50.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 15, Nxb. CTQG, H. 2001, tr. 53.