Xã hội

Khơi thông "dòng chảy" tiêu thụ nông sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thủy Lê 17/04/2024 - 09:09

Từ trước tới nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi luôn có nhiều loại hàng hóa nông sản đặc trưng, được khách hàng trong nước và quốc tế ưa chuộng. Thế nhưng, vào mùa thu hoạch rộ, nông dân vẫn có lúc chịu cảnh "được mùa - rớt giá".

Để góp phần khơi thông "dòng chảy" tiêu thụ các loại hàng hóa, sản phẩm nông sản, thời gian qua, các cấp, ngành, chính quyền địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, trong đó, nổi bật là tổ chức Hội chợ giới thiệu sản phẩm xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi, qua đó, tạo cơ hội để các địa phương quảng bá tiềm năng, lợi thế, tìm kiếm đối tác, kết nối cung cầu; mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm địa phương.

crop_25390043am_1200_25390043am49285908am24581517ama2.jpg
Khách hàng lựa chọn sản phẩm đặc trưng miền núi tại gian hàng giới thiệu sản phẩm huyện An Lão, tỉnh Bình Định. Ảnh: Thủy Lê

Hội chợ mở ra tiềm năng, cơ hội lớn cho nông dân

Mới đây, Sở Công thương tỉnh Gia Lai phối hợp với UBND huyện Krông Pa tổ chức khai mạc Hội chợ thương mại, giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi tại huyện Krông Pa năm 2024. Hội chợ được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 18/3, tại sân vận động huyện Krông Pa (thị trấn Phú Túc), với quy mô gần 100 gian hàng, gồm các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm vùng đồng bào DTTS, các mặt hàng nông sản, ẩm thực của địa phương và các mặt hàng thực phẩm tiêu dùng.

Đặc biệt, tại hội chợ có khu vực ngôi nhà chung trưng bày các sản phẩm đặc trưng gồm các sản phẩm OCOP 3-4 sao cấp tỉnh và các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp. Trong những ngày diễn ra hội chợ còn có các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ với sự góp mặt của các nghệ sĩ đến từ thành phố Hồ Chí Minh. Thông qua hội chợ, tỉnh Gia Lai tỏ rõ quyết tâm trong việc tập trung đầu tư, khai thác, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh - khu vực được đánh giá là còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của cả nước.

Không chỉ tỉnh Gia Lai, nhiều tỉnh, thành phố hiện nay đều tổ chức các gian hàng, hội chợ, phiên chợ... với các gian hàng gồm các sản phẩm như cà phê, trà, mật ong, hạt điều, hạt mắc ca, sản phẩm từ dược liệu, tinh dầu, hàng rau củ quả, hàng tiêu dùng và nhiều hàng nông sản đặc sắc của các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thông qua các hội chợ, phiên chợ, gian hàng này nhằm tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh với hợp tác xã, doanh nghiệp. Qua đó, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong vùng đồng bào DTTS dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương; khuyến khích người dân mạnh dạn khởi nghiệp, tạo việc làm, sinh kế để đa dạng nguồn thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Đồng thời giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng các DTTS trên địa bàn.

Anh Nguyễn Văn Bằng, du khách đến từ tỉnh Cà Mau cho biết: “Tham quan Hội chợ thương mại, giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi tại huyện Krông Pa năm 2024, tôi được đến với ngôi nhà chung trưng bày các sản phẩm OCOP 3-4 sao cấp tỉnh và các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp. Tôi đã mua một số nông sản tại đây làm quà tặng người thân, hoàn toàn yên tâm về chất lượng và giá cả. Tất cả các sản phẩm đều được lựa chọn, đánh giá là sản phẩm tiêu biểu của địa phương, có ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, địa danh nên tạo sự yên tâm, tin tưởng cho khách hàng”.

Tiếp tục khắc phục những "điểm nghẽn"

Trên thực tế, trình độ, khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật của đồng bào DTTS còn hạn chế; người dân còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo, sản xuất tự phát, phụ thuộc vào thương lái, chưa biết sử dụng nền tảng số để quảng bá nông sản... Vùng đồng bào DTTS, miền núi lại xa trung tâm; khâu bảo quản của người dân còn hạn chế. Trong khi đó, thị trường ngày càng yêu cầu cao về kỹ thuật, chất lượng, dịch vụ...

64885908am57081510ama1.jpg
Gian hàng trưng bày thổ cẩm của đồng bào Gia Rai tại Hội chợ thương mại, giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi tại huyện Krông Pa năm 2024. Ảnh: Thủy Lê

Để khơi thông những "điểm nghẽn" này, việc xây dựng vùng nguyên liệu, góp phần thu hút doanh nghiệp đầu tư, giảm chi phí rủi ro, minh bạch quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc dễ dàng là giải pháp tối ưu hiện nay. Ví dụ như mô hình của nông dân người Raglai Cao Thanh Hải ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Anh từng trồng sầu riêng theo lối truyền thống nhưng không hiệu quả. Qua sự hướng dẫn, kết nối của Hội Nông dân huyện Khánh Sơn, anh được một doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, vật tư nông nghiệp để trồng sầu riêng hữu cơ bằng phương pháp sinh học và thanh toán khi thu hoạch. Năm 2022, vườn sầu riêng nhà anh cho thu 800 triệu đồng; năm 2023, giá bán sầu riêng tăng, gia đình anh thu hơn 1,3 tỷ đồng.

Chính vì thế, tại các hội chợ, phiên chợ nông sản của địa phương, nhiều lãnh đạo UBND tỉnh, thành đã lên tiếng kêu gọi, yêu cầu, các sở, ngành, doanh nghiệp tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; thúc đẩy sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP; đưa sản phẩm an toàn vào tiêu thụ ở các nhà hàng, khách sạn, siêu thị, lên sàn thương mại điện tử và hướng tới xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân...

Có thể nói, các cấp, ngành tại các địa phương đang nỗ lực tiếp tục phối hợp tìm giải pháp khoa học kỹ thuật giúp nông dân tổ chức sản xuất; dự báo thông tin thị trường; quảng bá nông sản; tập huấn, phổ biến các tiêu chuẩn, quy định, đưa nông sản vào hệ thống phân phối, bán lẻ; hỗ trợ người dân ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ, quảng bá, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Các giải pháp đồng bộ sẽ góp phần tiếp tục khơi thông "dòng chảy" tiêu thụ nông sản cho nông dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Hiện nay, nhiều tỉnh, thành đã triển khai nhiều giải pháp, ban hành các kế hoạch hỗ trợ các hoạt động thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, tập trung vào việc tổ chức hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm; tổ chức hội chợ, giao lưu, diễn đàn, lễ hội, gắn với thương mại du lịch. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng, thực hiện một số mô hình nhằm tiêu thụ nông sản vùng đồng bào DTTS, miền núi và cung ứng các mặt hàng thiết yếu; tăng cường quảng bá sản phẩm vùng đồng bào DTTS, miền núi; tập huấn phát triển nguồn nhân lực thương mại...

Thủy Lê