Hiệu quả vốn vay hỗ trợ nông dân
Với phương châm vận động đi đôi với hỗ trợ, thời gian qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp đỡ nhiều hội viên ở huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) có điều kiện sản xuất hiệu quả. Nhờ thực hiện đúng điều lệ, xét chọn đúng đối tượng cho vay nên nguồn quỹ ngày càng mở rộng, nhiều hội viên được tiếp cận và có cơ hội phát triển mô hình.
Khác với những nguồn vốn ưu tiên cho hộ nghèo, nguồn quỹ này được hội nông dân lựa chọn những người có chí thú làm ăn, khả năng có điều kiện hoàn trả vốn, từ đó hình thành các mô hình bền vững, là điều kiện để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nông thôn. Trong quá trình vay, hội nông dân tiếp tục theo dõi, thăm hỏi xem hội viên sử dụng như thế nào, quan tâm chất lượng hoạt động của các tổ vay vốn… Tương trợ, hợp tác và phát triển là mục tiêu nguồn quỹ hỗ trợ nông dân hướng đến. Từ đó, trở thành nguồn tín dụng thiết thực, kịp thời cho nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hòa Võ Minh Hiền cho biết, do ảnh hưởng của giai đoạn dịch COVID-19, nhiều hộ trồng trầu không có đầu ra, đến thời điểm thu hoạch phải đốn bỏ bớt hoặc hái bỏ lá. Đây là nghề truyền thống ở địa phương, mang ý nghĩa văn hóa đặc trưng ở huyện cù lao. Do đó, năm 2022, Hội Nông dân tỉnh và huyện có chủ trương phục hồi nghề trồng trầu trên địa bàn xã.
Vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã giải ngân cho 13 hộ phục hồi và duy trì sản xuất, đến tháng 4 này là thời hạn hoàn vốn theo yêu cầu. Nghề trồng trầu được hồi sinh, người dân rất phấn khởi khi được hỗ trợ. Hiện nay, toàn xã có 25 hộ theo mô hình, tổng diện tích gần 3ha. Nghề trồng trầu tiêu thụ mạnh vào dịp cuối năm, sau khi trừ chi phí, hộ dân có lời ít nhất 3 triệu đồng/tháng và cao nhất từ 10 - 15 triệu đồng/tháng.
Mới đây, tại xã Hiệp Xương, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp Hội Nông dân huyện Phú Tân, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh An Giang tổ chức giải ngân 600 triệu đồng nguồn vốn hỗ trợ dự án “Trồng rau muống lấy hạt” cho 12 nông dân. Tham gia dự án, mỗi nông dân được hỗ trợ vay 50 triệu đồng, từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân để mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuê nhân công trồng rau muống lấy hạt. Thời hạn nông dân được vay 15 tháng, lãi suất cho vay là 0,7%/tháng.
Anh Nguyễn Bá Nhẫn (ngụ ấp Hiệp Thạnh) chia sẻ: “Được vay 50 triệu đồng, tôi sử dụng để mua phân, thuốc sâu, chạy nước canh tác rau muống… Nguồn vốn này rất thiết thực cho nông dân, cộng với đồng vốn của gia đình vừa đủ cho chi phí sản xuất. Nếu không có nguồn hỗ trợ ưu đãi, chúng tôi xoay sở chi phí ở bên ngoài khá khó khăn”.
Toàn xã Hiệp Xương có hơn 300ha diện tích trồng rau muống lấy hạt, canh tác chủ yếu vụ đông xuân. Ngoài hiệu quả kinh tế vượt trội, hạt rau muống cuối vụ được doanh nghiệp bao tiêu, mỗi vụ nông dân chuyển đổi càng nhiều, chủ yếu trên nền đất trồng lúa kém hiệu quả. Năm nay, không chỉ xã Hiệp Xương, các vùng trồng rau muống trên địa bàn huyện Phú Tân tập trung ở Bình Thạnh Đông, Phú Xuân, Phú Hưng, Phú Bình, Phú Thành… Bình quân 1ha, nông dân trừ chi phí còn lời 10 triệu đồng.
Bà con cho biết, mô hình được nhân rộng từ các vùng sản xuất có hiệu quả, trong quá trình đó, ngoài thuận lợi về điều kiện tự nhiên, hộ trồng được địa phương ủng hộ, giới thiệu tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư hiệu quả.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Tân Lê Văn Ẩn cho hay, đầu năm đến nay, nguồn vốn hỗ trợ nông dân của huyện đã giải ngân cho 13 hộ chuyển đổi trồng cây ăn trái, tổng số tiền 420 triệu đồng. Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ nông dân của Trung ương hỗ trợ 2 dự án cho huyện, gồm: Bó chổi bông sậy ở xã Phú Bình và trồng rau muống lấy hạt ở xã Hiệp Xương, tổng số tiền 1,25 tỷ đồng. Hội Nông dân huyện đang xúc tiến làm hồ sơ để nông dân sản xuất còn lại tiếp cận nguồn vốn vay của tỉnh. Để nâng cao hiệu quả nguồn vốn, các cấp hội nông dân trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, nông dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của việc xây dựng quỹ.
“Nguồn quỹ này rất thiết thực đối với nông dân, giúp hỗ trợ sản xuất nuôi trồng tăng hiệu quả. Khi triển khai, nông dân các xã, thị trấn được tiếp cận nhanh chóng, nguồn vốn không phải thế chấp mà là tín chấp. Nhờ tuyên truyền và sử dụng có trách nhiệm, nông dân hoàn vốn đúng thời hạn, không có chuyện bội tín, phát triển xoay vòng vốn vay cho các hộ kế tiếp đảm bảo liên tục. Điển hình năm qua, vốn hỗ trợ nông dân của tỉnh hỗ trợ 1 tỷ đồng ở xã Long Hòa và thị trấn Chợ Vàm đều sản xuất hiệu quả, sau thời hạn theo quy định thu hồi đủ vốn hiệu quả. Nông dân rất thích và ủng hộ với cách hỗ trợ này” - ông Ẩn chia sẻ.
Các cấp hội nông dân còn gắn kết việc cho vay vốn với các chương trình khác, như: Khuyến nông, khuyến lâm, đào tạo nghề; phối hợp các ngành tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân, tạo điều kiện cho các hộ tham gia dự án từ quỹ hỗ trợ nông dân đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình sản xuất hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Với phương châm hoạt động phi lợi nhuận, Quỹ Hỗ trợ nông dân trở thành một trong những kênh tín dụng trợ giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Từ đó, nhiều gia đình hội viên nông dân xây dựng được các mô hình sản xuất bền vững, ổn định cuộc sống.